Thông báo

Icon
Error

3 Trang<123>
Gửi chủ đề Trả lời
Góc người nổi tiếng về đầu tư, đầu cơ.
PHẠM NGỌC TÚ
#21 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:39:34(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Anh em nhà Hunt: Giàu nhờ dầu, bại bởi bạc

Trong thế giới đầu có một trường hợp hy hữu giàu lên không nhờ đầu cơ mà lụi bại lại bởi đầu cơ, và hai anh em (chứ không phải bố con hay mẹ con) đều sôi sục dòng máu đầu cơ trong người. Đó là hai anh em Bunker Hunt bà Herbert Hunt mà các nhà viết sử về đầu cơ gọi là anh em nhà Hunt.

Anh em nhà Hunt đã đánh giá sai đối thủ đáng gờm nhất là cơ quan quản lý nhà nước

Giàu nhờ dầu

Đã có thời ở nước Mỹ, gia đình Hunt được coi ngang bằng với gia đình Rockefeller, nếu như không nói là thậm chí còn giàu có hơn. Hai dòng họ này giống nhau ở một điểm là đều giàu lên nhanh chóng nhờ dầu lửa. Cả hai đều đã tìm ra dầu lửa ở những vùng đất thuộc quyền sở hữu của họ. Cả hai đều sớm nhận ra cả giá trị kinh tế lẫn giá trị chính trị to lớn từ dầu lửa. Cả hai đều tìm mọi cách để mua về những vùng đất dự đoán là có nguồn dầu lửa ở nước Mỹ cũng như ở nước ngoài. Cả hai đều tận dụng nền công nghiệp dầu lửa để kinh doanh và độc quyền. Điều khác nhau duy nhất là, ngày nay cái tên dòng họ Rockefeller vẫn còn được gắn liền với dầu lửa, trong khi cái tên của dòng họ Hunt lại không còn gợi nhớ hay khiến liên tưởng gì đến thứ “vàng lỏng” đó nữa mà lại được coi là biểu tượng cho sự thất bại trong một phi vụ đầu cơ duy nhất.

Ngay từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước, gia đình Hunt đã phát hiện ra mỏ dầu được coi là lớn nhất thế giới ở bang Texas. Sự thăng tiến về tiền bạc và ảnh hưởng chính trị của gia đình này ở Mỹ bắt đầu từ đó. Cái tên của gia đình này không chỉ nhanh chóng trở thành thương hiệu mà còn là biểu tượng về sự kết hợp giữa giàu có và vai vế chính trị. Người Mỹ đã so sánh gia đình này với dòng họ Kennedy vì người cha của vị tổng thống sau này của nước Mỹ khi di cư từ Ireland sang cũng chỉ gần như với hai bàn tay trắng mà gây dựng nên cơ đồ lớn.

Điều khiến hai dòng tộc này khác biệt nhau là, trong khi những người con trai của dòng họ Kennedy đi từ tiền tài đến quyền lực để thực hiện tham vọng chính trị thì hai anh em nhà Hunt lại sử dụng của cải có được để mưu cầu và theo đuổi tham vọng trở nên giàu có hơn.

Đầu những năm 60, dầu lửa lại được phát hiện trong khu vực đất đai rộng lớn mà dòng họ Hunt được quyền khai thác ở châu Phi. Vì thế, có người cho rằng, sự giàu có của dòng họ Hunt là biểu hiện của “nước chảy chỗ trũng”, có kẻ cho rằng họ đã “may hơn khôn” - dù nói thế nào thì trong đó cũng ẩn ý ngạc nhiên, khâm phục và cả đố kỵ.

Bại bởi bạc

Cho tới thời điểm đó, đầu cơ không phải là hoạt động kinh doanh của dòng họ này và cũng chẳng phải là chủ trương hay chiến lược kinh doanh của họ. Mọi chuyện chỉ thay đổi và số phận của gia đình này chuyển sang lối rẽ khác khi hai người con trai trưởng thành. Với họ, nhu cầu không phải là “không bột mà gột nên hồ” như thế hệ trước mà làm cho giàu có thêm trên nền tảng giàu có mà thế hệ trước đã gây dựng thành. Cả hai nhìn nhận ra giới hạn của sự giàu sang nhờ dầu lửa và không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của khả năng trở nên giàu có nhanh hơn và nhiều hơn nhờ đầu cơ. Không phải họ không ý thức được những rủi ro và mạo hiểm vốn rất đặc thù trong thế giới đầu cơ. Họ quá tin vào khả năng đầu cơ của chính mình. Bởi vậy, khi sai lầm không còn có thể khắc phục được nữa thì chỉ sai lầm duy nhất ấy đã làm cho dòng họ này gần như lụi bại.

Quyết định đầu cơ của họ có liên quan đến bối cảnh kinh tế và chính trị thời đó ở nước Mỹ và trên thế giới. Đó là thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã làm xói mòn sự tự tin của người Mỹ và nước Mỹ, khiến cho lạm phát gia tăng. Đồng thời, đó cũng là thời kỳ đồng đô la Mỹ bị mất giá nghiêm trọng, chế độ bản vị vàng sụp đổ, lòng tin vào đồng tiền bằng giấy bị sa sút nghiêm trọng. Vì ở Mỹ từ năm 1933 đã cấm tư nhân tàng trữ vàng nên hai anh em nhà Hunt quyết định đầu cơ vào bất động sản và bạc. Về sau, hai người có biện minh cho chủ trương này bằng lập luận rằng, họ làm vậy để cứu tài sản gia đình khỏi bị mất giá trị. Nhưng nếu nhìn vào những hành xử của họ khi đầu cơ vào bạc thì sẽ thấy không hẳn như vậy.

Thời đấy, giá bạc rất thấp, có 1,5 USD/ounce. Đối với hai người này thì giá ấy đã “thấp đến mức không còn có thể thấp hơn được nữa”, có nghĩa là chỉ có thể tăng trong thời gian tới. Từ năm 1970 đến 1973, hai anh em nhà Hunt mua vào 200.000 ounce bạc và đẩy giá bạc tăng lên gấp đôi. Năm 1974, anh em nhà Hunt công bố đang sở hữu 55 triệu ounce bạc, tương đương với 8% toàn bộ khối lượng bạc dự trữ trên toàn thế giới. Việc đó khiến cho các sở giao dịch chứng khoán và các cơ quan kiểm soát ngân hàng, tài chính và chứng khoán giật mình. Năm đó, giá bạc leo thang tới mức 6 USD/ounce. Lo ngại về việc dòng họ Hunt sẽ chiếm lĩnh địa vị chế ngự thị trường bạc là hoàn toàn có cơ sở.

Điều đặc biệt khiến bên ngoài lo ngại nữa là cách đầu cơ của anh em nhà Hunt. Họ không mua về và tàng trữ bạc dưới hình thức các hợp đồng mua bán theo thời hạn - như vẫn thường thấy ở các nguyên vật liệu khác - mà sử dụng trên thực tế. Mua cũng mua thật và bán cũng bán thật. Đối với họ, phương tiện thanh toán là bạc chứ không phải đồng đô la đang bị mất giá. Họ chuyển phần lớn lượng bạc mua về được sang châu Âu, chủ yếu để ở Thuỵ Sỹ vì lo ngại đến khả năng sẽ bị tịch thu nếu để ở Mỹ như đã từng xảy ra với vàng cách đó 40 năm. Chiến lược của họ là cứ mua bạc vào để độc quyền về giá cả.

Sai lầm lớn nhất và tai hại nhất của họ là không trù tính hết mức độ đối phó của các cơ quan kiểm soát và quản lý thị trường chứng khoán. Năm 1979, anh em nhà Hunt tiếp tục mua khối lượng lớn bạc và đẩy giá bạc lên tới 16 USD/ounce. Đó là giọt nước làm chảy tràn cốc. Các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán e ngại rằng, nếu anh em nhà này cứ tiếp tục mua về như vậy và bạc bị rút khỏi thị trường để lưu trữ lại ở đâu đó thì khối lượng bạc mà các ngành công nghiệp cần cho sản xuất hàng ngày sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy họ đã tiến hành biện pháp khiến nhà Hunt suýt chút nữa thì bị phá sản, đó là thay đổi quy định.

Quy định mới chỉ cho phép nhà đầu tư hoặc đầu cơ giữ tối đa 3 triệu ounce bạc, phần còn lại phải bán đi trước tháng 2/1980. Đồng thời, các nhà đầu tư và đầu cơ buộc phải tăng dự trữ tiền bắt buộc nếu giá bạc tăng. Anh em nhà Hunt đi vay tiền để tiếp tục mua bạc, đẩy giá bạc lên tới 30 USD/ounce. Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đối phó bằng biện pháp hạn chế số lượng hợp đồng giao dịch và rồi cuối cùng không cho phép mua vào mà chỉ chấp nhận bán ra, và thế là giá bạc bắt đầu xuống dốc. Và khi Cục Dữ trữ Liên bang nâng lãi suất chủ đạo thì cũng là lúc anh em nhà Hunt biết rằng số phận của họ đã được định đoạt. Tháng 3/1980, họ phải vay nợ 1,3 tỷ USD để thoát ra khỏi khối lượng bạc khổng lồ đã tàng trữ. Năm 1988, họ buộc phải tuyên bố phá sản.

Sai một ly đi một dặm, vậy mà anh em nhà Hunt đã sai lầm với cả một chiến lược đầu cơ. Họ đã đánh giá sai đối thủ đáng gờm nhất của bất cứ nhà đầu cơ nào là cơ quan quản lý của nhà nước. Cho tới nay, trong thế giới đầu cơ chưa có nhà đầu cơ nào đối đầu với nhà nước mà thành công.
PHẠM NGỌC TÚ
#22 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:40:37(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Bernard Baruch: Từ Phố Wall đến chính trường

Trong thế giới đầu cơ nghiệt ngã và vô tình, bạc bẽo và không khoan nhượng, đầy cơ hội và lắm cạn bẫy, cho tới nay có không ít nhà đầu cơ lưu danh muôn thủa về thành công và thất bại, may mắn và bi kịch, nổi tiếng và tai tiếng, nhưng lại rất hiếm nhà đầu cơ trứ danh chết trong giàu sang, lại có quyền uy đối với giới chính trị và chức sắc quyền lực nhà nước. Bernard Baruch là một trong số ít đó.

Đầu cơ kiếm tiền và làm chính trị

Bernard Baruch được coi là một trong những nhà đầu cơ vĩ đại nhất ở nửa đầu của thế kỷ trước. Sự đánh giá đó có liên quan trực tiếp đến những phi vụ đầu cơ nổi tiếng tới mức chúng được đưa vào trong mọi cuốn cẩm nang truyền miệng về đầu cơ Baruch là người đã giúp nhiều đời tổng thống Mỹ tổ chức nền sản xuất phục vụ hai cuộc chiến tranh thế giới. Ngày nay, người ta vẫn còn kháo nhau rằng, tướng Paul von Hindenburg, sau này trở thành Quốc trưởng Đức, từng cho rằng “Nước Đức đã bị Baruch đánh bại trong thế chiến thứ nhất” và trùm Quốc xã Đức Hitler cũng hận Baruch đến tận xương tủy. Baruch giàu có nhờ đầu cơ, nhưng từ thế mạnh về đồng tiền kiếm được nhờ đầu cơ, Baruch gây dựng được vai trò chính trị và nhờ vai trò chính trị ấy mà thành công hơn nữa trong lĩnh vực kinh doanh.

Baruch sinh ra ở Mỹ năm 1870, mất năm 1965. Cha ông là thầy thuốc, gốc Phổ, di cư sang Mỹ, không giàu có nhưng cũng khá giả. Baruch không có hứng thú học hành ngay từ nhỏ mà luôn tìm kiếm khả năng và cơ hội kiếm tiền nhanh. Cũng vì thế mà thế giới đầu cơ coi Baruch là người có năng khiếu đầu cơ bẩm sinh. Năm 21 tuổi, Baruch làm thuê cho một nhà môi giới chứng khoán và chỉ 10 năm sau, nhờ học lỏm mánh lới đầu cơ chứng khoán mà Baruch đã có riêng được 3 triệu USD - một số tiền rất lớn vào thời điểm chuyển giao hai thế kỷ ở Mỹ. Baruch cũng còn là nhà đầu cơ đầu tiên chính thức đưa ra định nghĩa về nhà đầu cơ - vừa để tự vinh danh chính mình, vừa để phản bác lại cách nhìn nhận chung của công luận về nghề đầu cơ. Đó là: “Ngày nay, khái niệm “nhà đầu cơ” bị đánh đồng với “kẻ chơi bạc” hay “phiêu lưu mạo hiểm”. Đầu cơ là từ có gốc La-tin (speculari), có nghĩa là theo dõi và quan sát. Tôi định nghĩa nhà đầu cơ là người nhìn thấy trước những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai và hành động có lợi nhất cho mình trước khi chúng xảy ra”. Theo Baruch, đầu cơ không có gì là xấu, không vi phạm pháp luật hay tiêu chí đạo đức, không trái với giá trị văn hóa truyền thống hay quy phạm tiêu chuẩn về ứng xử, mà là tri thức và nghệ thuật, bản lĩnh và năng khiếu.

Trong thế giới đầu cơ đến nay vẫn còn truyền tụng và ngợi ca ba phi vụ đầu cơ lừng danh nhất của Baruch. Lần thứ nhất vào năm 1898. Ngày 3/7/1898, hải quân Mỹ đánh bại hải quan Tây Ban Nha ở Santiago de Cuba. Giống như Mayer Rothschild đã tận dụng cơ hội với trận chiến ở Waterloo, Baruch đoán rằng vì thế mà giá trị cổ phiếu của Mỹ sẽ tăng trong khi giá trị các loại cổ phiếu Châu Âu sẽ giảm. Nhưng vì ở Mỹ, mãi đến ngày hôm sau các sở giao dịch chứng khoán mới hoạt động nên Baruch và các đối tác đã dốc hết tiền ra mua tất cả cổ phiếu Mỹ có thể mua được ở Châu Âu và bán đi tất cả các cổ phiếu Châu Âu. Ngày hôm sau, 4/7/1898, thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu đã diễn biến đúng như dự đoán của Baruch. Chỉ riêng phi vụ này thôi cũng đã đủ giúp Baruch trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ thời kỳ đó.

Lần thứ hai là dịp đại khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Baruch vốn đã không có lòng tin vào đồng tiền và dự đoán rằng tất cả các đồng tiền sẽ bị mất giá, thậm chí có đồng tiền chỉ còn là hư danh, nhưng vàng lại luôn có giá và sẽ trở nên có giá hơn trong bối cảnh đó. Baruch đầu cơ vào vàng và cũng lại thắng lớn.

Phi vụ đầu cơ nổi tiếng thứ ba mà hậu thế vẫn còn thán phục đến tận ngày nay là đầu cơ vào chính trị. Làm quen, kết thân với những người có quyền lực và những người có triển vọng quyết định quyền lực ở Mỹ để rồi từ đó tìm kiếm cơ hội kinh doanh có lợi nhất, nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất và an toàn nhất cho chính mình là tư tưởng cốt lõi của phương cách đầu cơ này. Năm 1912, Baruch đã đầu cơ như vậy vào Woodrow Wilson, hồi đó mới chỉ là Giáo sư đại học, nhưng sau này trở thành tổng thống Mỹ. Nhờ Wilson mà Baruch trở thành người tổ chức toàn bộ nền kinh tế Mỹ phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Tương tự như vậy đối với tổng thống Roosevelt sau này.

Đảm trách tổ chức và vận hành toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong thời gian 2 cuộc chiến tranh thế giới không chỉ giúp Baruch có được vai vế trên chính trường mà còn kiếm về những nguồn lợi khổng lồ. Trong thời chiến, mọi luật lệ đề ra là để phục vụ cho cuộc chiến, mọi tiềm năng của đất nước đều được huy động, và vì kết quả cuối cùng quyết định hết nên mấy ai đã dám chi li soi xét Baruch sử dụng hiệu quả thực sự những tiềm năng ấy của nước Mỹ như thế nào, có thật tất cả dành cho nước Mỹ hay là phần riêng cho mình cũng không nhỏ. Baruch trở thành tỷ phú cũng từ thời kỳ này.

Sau thế chiến thứ hai, vai trò và khả năng của Baruch không còn được cần đến nữa và tổng thống Mỹ Truman không được Baruch coi là có thể tận dụng được nên Baruch rút dần ra khỏi vũ đài chính trị. Dù vậy, Baruch vẫn chấp nhận làm đại diện cho Mỹ trong Ủy ban Năng lượng nguyên tử của Liên Hợp Quốc (LHQ). Ở đó và trên cương vị ấy, Baruch không có cơ hội để đầu cơ, nhưng lại tận dụng nó để làm chính trị. Baruch đưa ra cái gọi là “Kế hoạch Baruch”, giống như một bộ luật cho cả thế giới, trong đó có chuyện cấm sản xuất vũ khí hạt nhân và thành lập một kiểu “cảnh sát thế giới” để kiểm soát việc thực hiện mà không lệ thuộc vào LHQ. Ngày ấy, kế hoạch này đã bị Liên Xô bác bỏ.

Bí quyết kiếm tiền độc đáo

Baruch là tác giả của câu nói rất nổi tiếng trong thế giới đầu cơ: “Có hàng ngàn cách tiêu tiền, nhưng chỉ có 2 cách kiếm tiền. Một là làm việc vì tiền. Hai là để đồng tiền làm việc cho mình”. Soi vào sự nghiệp đầu cơ của Baruch thì thời kỳ đầu là thời kỳ Baruch làm việc để kiếm tiền, nhưng thời kỳ sau là thời kỳ sử dụng đồng tiền làm việc cho mình.

Trong đầu cơ chứng khoán, Baruch luôn tuân thủ một nguyên tắc mà trong hồi ký của mình, Baruch coi đó là một bí quyết đầu cơ thành công, đó là không bao giờ theo đuổi chiến lược bán đỉnh. “Bí quyết của tôi rất đơn giản, tôi luôn bán chúng đi sớm 10%”. Có nghĩa là việc xác định điểm dừng trong đầu cơ không phải thời gian mà ở giá trị, không mạo hiểm đến cùng mà chắc chắn, không được ăn cả ngã về không mà chơi trận nào thắng trận ấy. Bí quyết thành công quan trọng thứ hai của Baruch là tận dụng quan hệ chính trị trong đầu cơ. Baruch không phải là nhà đầu cơ đầu tiên nhận ra rằng, đầu cơ vào chính trị có lợi nhất và an toàn nhất, nhưng chắc chắn ông thuộc về số ít nhà đầu cơ tận dụng triệt để nhất nhân tố chính trị trong hoạt động đầu cơ. Không có nhà đầu cơ nào từ cổ chí kim lại có được giàu sang đồng thời với ảnh hưởng đáng kể tới nền chính trị và kinh tế của một quốc gia trong suốt hơn bốn thập kỷ như Baruch ở Mỹ. Ngày nay, chuyện cũ cứ nhạt nhòa dần dưới lớp bụi phủ của thời gian, nhưng 1.200 bức thư mà 9 vị tổng thống Mỹ cũng như 700 bức thư mà thủ tướng Anh Winston Churchill đã gửi tới Baruch còn lưu giữ được vẫn là bằng chứng về sự thành đạt của một nhà đầu cơ trứ danh trên chính trường.
PHẠM NGỌC TÚ
#23 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:41:50(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nicolas Darvas - Vũ công trên sàn chứng khoán

Từ vũ công nổi tiếng trên sàn nhảy trở thành một nhà đầu tư, một “vũ công” thực sự trên sàn chứng khoán. Trên thế giới có lẽ chỉ có một người là Nicolas Darvas.

Chỉ có một người là Nicolas Darvas từ vũ công nổi tiếng trên sàn nhảy trở thành một “vũ công” thực sự trên sàn chứng khoán
Không coi đầu cơ là nghề mà lại trở thành nhà đầu cơ trứ danh, không từ sàn chứng khoán mà từ vũ trường viết nên luận thuyết đầu cơ riêng, không coi thế giới đầu cơ là sân chơi mà chỉ là nơi thử nghiệm kinh nghiệm thực tiễn từ một sân chơi khác, không bằng cao, học rộng về tài chính và tiền tệ mà vẫn được coi là thần tượng trong cư dân của thế giới đầu cơ. Nhà đầu cơ có một không hai này là Nicolas Darvas, với biệt danh cũng có một không hai là “Vũ công trên sàn chứng khoán”.

Sự tình cờ của số phận

Nicolas Darvas là người Hungari, sinh năm 1920, theo học kinh tế và xã hội học ở trường đại học tổng hợp Budapest trước khi chạy trốn phát xít Đức sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 1943 và rồi di cư sang Mỹ năm 1951. Học hành vậy thôi nhưng đâu có được đến đầu đến đũa cho nên nghề nghiệp chính của Darvas là… vũ công, chỗ làm việc chính của Darvas là vũ trường. Trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Nicolas Darvas là vũ công nổi tiếng nhất trên tất cả các vũ trường ở New York. Công việc ấy đem lại cho Darvas những đồng tiền đầu tiên. Nhưng nghề này không giúp Darvas trở nên giàu có. Khán giả hoan nghênh và ngợi ca vũ công Nicolas Darvas về tài nghệ của anh, nhưng cũng chỉ đến như vậy. Sự khâm phục và nể trọng, dấu ấn riêng và danh tiếng lưu truyền hậu thế lại được Darvas gây dựng từ sàn chứng khoán chứ không phải từ vũ trường. Và tất cả được bắt đầu bằng một sự tình cờ.

Giá cố phiếu thường biến động lên xuống trong một hàng lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để láy đà nhảy lên cao

Năm 1952, chủ một vũ trường đêm ở thành phố Toronto (Canada) gợi ý trả thù lao cho Darvas không phải bằng tiền mà bằng cổ phiếu của một công ty xây dựng gần như không ai biết đến tên là Brilund. Darvas không chấp nhận kiểu trả thù lao này, nhưng để tỏ thiện chí với người chủ vũ trường nên đã mua lại số cổ phiếu với giá 3.000 USD và gần như quên lãng chúng. Một thời gian sau, khi tình cờ xem lại giá trị số cổ phiếu này, Darvas ngạc nhiên nhận thấy giá trị của chúng đã tăng gấp ba lần. Có thể may hơn khôn, có thể chỉ là một trường hợp ngoại lệ riêng lẻ, nhưng điều chắc chắn là Darvas đã có được nhận thức mới về kiếm tiền bằng đầu cơ chứng khoán: Nếu kiếm tiền bằng cách ấy dễ như vậy thì sao lại không làm?. Đầu cơ chỉ là nghề phụ, trình diễn vũ điệu vẫn là nghề chính, như vậy chỉ có lợi chứ không bị thiệt. Darvas đổ xô vào đầu cơ chứng khoán, nhưng thời gian đầu này càng hăng hái và liều lĩnh thì lại càng thua đậm. Bài học Darvas rút ra từ những thất bại này là, phải nghiên cứu quy luật biến động của giá chứng khoán, tìm ra mô hình giao động giá của chúng và những mối liên hệ tương tác trên sàn chứng khoán. Trong hồi ký của mình Darvas kể rằng, thời kỳ đó đã đọc hơn 200 cuốn sách về tài chính, tiền tệ và kinh doanh chứng khoán. Những nhận thức thu lượm được từ sách báo, nghiên cứu và phân tích biến động giá chứng khoán và bài học từ những sai lầm và thất bại của chính mình đã giúp Darvas chinh phục được thế giới đầu cơ và biến sàn chứng khoán thành vũ trường cho riêng mình. Trong vòng có 8 năm từ phi vụ đầu tiên năm 1952, Darvas đã kiếm được gần 2,5 triệu USD từ đầu cơ chứng khoán, nhưng thật sự chỉ trong 18 tháng cuối cùng.
Luận thuyết đầu cơ riêng

Nhiều người khác cũng đầu cơ thất bại không ít lần, cũng nghiền ngẫm sách báo về tài chính, tiền tệ và đầu cơ, nhưng không mấy ai lại thành công như Darvas. Lý do đơn giản là, Darvas đã phát hiện ra những quy luật mà người khác không phát hiện ra được. Mà Darvas phát hiện được ra chúng là nhờ kinh nghiệm thực tế trên vũ trường và những kinh nghiệm ấy chỉ riêng Darvas có được.

Darvas để ý thấy rằng trước khi tăng, giá cổ phiếu thường biến động lên xuống trong một hành lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để lấy đà nhảy lên cao. Giới hạn dưới và trên của hành lang này được Darvas so sánh như cái hộp thủy tinh mà quả bóng cao su nhảy lên đập xuống trong đó. Vì thế, Darvas gọi luận thuyết của mình là “Luận thuyết cái hộp” (The Box Theory). Cứ sau một lần tăng thì giá chứng khoán lại lấy đà tăng lên cấp độ mới và như vậy các hộp thủy tinh cứ chồng lên nhau thành chiếc kim tự tháp. Một khi quả bóng vượt quá đáy của chiếc hộp trên cao nhất thì cũng là lúc Darvas bán chứng khoán đi vì nó báo hiệu giá chứng khoán sẽ bắt đầu giảm.

“Luận thuyết cái hộp” của Darvas vẫn còn được áp dụng cho tới tận ngày nay trên thị trường chứng khoán, cho dù đó không phải là cách đầu cơ duy nhất của các nhà đầu cơ. Có thể thấy ở đó ưu tiên hàng đầu của Darvas là chắc chắn, hết sức tránh những rủi ro lớn. Darvas thường xác định trước giới hạn thấp nhất của giá cổ phiếu để bắt đầu bán đi, coi giới hạn đó như tiếng chuông báo động để hành động, đầu cơ nhưng lại đầu cơ một cách chắn thắng nhất. Bí quyết thành công của Darvas là luôn biết dừng lại đúng lúc và đúng chỗ, không bao giờ đầu cơ theo cách “được ăn cả, ngã về không”. Đối tượng đầu cơ của Darvas là cổ phiếu của những công ty còn ít người biết đến vì Darvas cho rằng chúng ít bị coi là đối tượng chi phối, đầu cơ hoặc thậm chí thâu tóm. Càng ít nổi danh, càng dễ kiếm lợi nhuận (Low Profile - High Profit) là một trong những phương châm đầu cơ của Darvas. Đồng thời, Darvas luôn để ý đến cổ phiếu của những tập đoàn có ảnh hưởng đến nhu cầu của đông đảo dân chúng trong tương lai. Một trong những châm ngôn cửa miệng của Darvas là: Không phải thực tại mà là tương lai mới là điều cuốn hút con người.

Vì luôn phải biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới nên cung cách đầu cơ của Darvas cũng rất đơn giản. Không có văn phòng hay công ty riêng mà chỉ có một nhà môi giới chứng khoán được Darvas sử dụng. Mọi chuyện giải quyết qua điện thoại. Tiền lời từ đầu cơ chứng khoán được sử dụng để đầu cơ bất động sản trên khắp thế giới. Đầu cơ cái gì cũng vậy, điều quyết định đối với Darvas là giá tăng hay giảm chứ không phải đầu cơ dài hơi hay ngắn hạn. Một khi giá chứng khoản giảm xuống quá giới hạn đã định trước thì phải kiên quyết bán, chứ không chờ trong hy vọng rồi giá lại sẽ tăng lên cao hơn.

Đối với Darvas, trên sàn chứng khoán không có sự phân biệt giữa chứng khoán xấu và chứng khoán tốt, mà chỉ có chứng khoán với giảm giá hay tăng hay giá mà thôi. Bí quyết đầu cơ thành công của mình được Darvas một lần tiết lộ với tạp chí Times: “Khi nhảy trước công chúng, tôi biết phải đánh giá thái độ của công chúng như thế nào. Trên sàn chứng khoán cũng tương tự như vậy. Người ta phải tìm ra xem công chúng muốn gì và sau đó cứ đi theo công chúng”. Đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ai đã làm nổi với kết quả như Darvas. Có người bảo Darvas gặp may, có kẻ quả quyết Darvas là nhà đầu cơ bẩm sinh. Chỉ có Darvas biết rõ nhất con đường đưa mình đến thành đạt là kiên trì và nhẫn nại, chăm chỉ và chịu khó, chấp nhận rủi ro nhưng không liều lĩnh. Con đường đó đã giúp Darvas trở thành một vũ công nổi tiếng và một nhà đầu cơ trứ danh. Nicolas Darvas mất năm 1977 và được mai táng ở Paris.
PHẠM NGỌC TÚ
#24 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:42:57(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Donald Trump được nhờ đầu cơ, mất bởi tình ái

Cho đến nay, thế giới đầu cơ vẫn chỉ có mỗi Donald Trump là đầu cơ vào chính tên tuổi của mình và biến nó thành thương hiệu. Nhưng người này giàu nhờ đầu cơ và cứ nghèo dần đi sau các scandal tình ái.

Danh tiếng và tai tiếng

Có lẽ trong thế giới đầu cơ hiếm có nhà đầu cơ nào hiện thân điển hình nhất cho đầu cơ bất động sản như Donald Trump. Nhà đầu cơ này vừa hiện hữu bằng xương bằng thịt, bằng những tài sản của mình, lại vừa ảo như một bóng ma lẩn khuất trên thị trường bất động sản, như thể khi nào cũng nhúng tay, ở đâu cũng có mặt và luôn lấn át đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh. Từ bất động sản, nhà đầu cơ này chuyển sang đầu cơ vào sòng bạc và nhà cao tầng, sòng bạc ở những nơi suốt ngày chỉ toàn cảnh ăn chơi và trống đàn sáo nhị, nhà cao tầng ở những chỗ đất chật người đông mà sở hữu một căn hộ hay thuê được một văn phòng là biểu tượng cho giàu sang phú quý và chứng chỉ về tư cách thành viên của thế giới thượng lưu. Người ngoài gọi Donald Trump là nhà đầu cơ trong khi Donald Trump vẫn luôn coi mình là một doanh nhân thành đạt. Donald Trump phản bác và phủ nhận định nghĩa về bản chất và phán xét về phương diện đạo đức nặng tính phân biệt đối xử giữa doanh nhân và nhà đầu cơ, giữa kinh doanh và đầu cơ. Đối với Donald Trump, nhà đầu cơ cũng là doanh nhân, thậm chí còn phải là doanh nhân thành đạt, cũng có lời lãi và bị thua lỗ, cũng phải cạnh tranh và biết cách quản lý, cũng phải có ý tưởng và biết cách triển khai thực hiện. Hơn thế nữa, nhà đầu cơ đối với Donald Trump cũng là con người, thậm chí trước hết là con người, cũng có nhu cầu về vật chất và cuộc sống tinh thần, cũng có khi phấn khích, có lúc bi luỵ và đương nhiên không thể thiếu ái tình.

Sự nghiệp đầu cơ với thành công và thất bại cùng thăng trầm trong hôn nhân và tình ái của Donald Trump đã chứng thực quan điểm ấy. Donald Trump sinh năm 1946. Gia đình Trump gốc gác ở Đức di cư sang Mỹ. Người cha trở thành triệu phú nhờ xây dựng những khu nhà cho thuê ở New York và đảm bảo cho Donald được ăn học tử tế. Donald Trump theo học kinh tế ở Trường đại học Tổng hợp Fordham (New York) và sau đó tốt nghiệp trường Wharton School rất danh giá vào năm 1968. Sau những năm làm việc trong công ty của người cha, năm 1974, Donald Trump thành lập công ty riêng, đóng trụ sở ở Manhattan. Kiến thức kinh tế học được trong trường và kinh nghiệm thực tiễn thu lượm được trong thời gian làm việc ở công ty của người cha đưa Donald tới nhận thức là xây dựng những khu nhà cho thuê rẻ tiền cũng là cách kiếm tiền, có thể làm giàu, nhưng lại tẻ nhạt, đầu cơ mới thú vị, mới là thách thức, mới hiệu quả cao và mới có thể nổi tiếng. Người cha tuy là triệu phú đấy nhưng có được ai biết đến đâu trong khi nhà đầu cơ không cứ nhất khoát phải là triệu phú mà vẫn được dư luận biết đến, vẫn được để ý và nể vì.

Bất động sản là đối tượng đầu cơ được Donald lựa chọn. Nhưng đầu cơ bất động sản trong chiến lược đầu cơ của Donald không chỉ đơn thuần là mua đi bán lại, mua về lúc rẻ và chờ thời bán đắt, mà còn là đầu cơ vào tất cả những gì còn có thể đầu cơ được trên chính những bất động sản ấy. Có như thế mới thu được lợi đơn lợi kép, chuỗi giá trị gia tăng mới kéo dài và chỉ cần đầu cơ một lần vẫn có thể thu lời dài lâu. Cho nên vừa đầu cơ bất động sản, Donald Trump vừa đầu cơ vào sòng bạc và khách sạn ở những trung tâm ăn chơi và giải trí; vào những tòa nhà cao tầng chọc trời ở những khu trung tâm thương mại và tài chính của nước Mỹ. Cho tới cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ đối với Donald Trump, theo đúng như những suy tính và thực hiện của Donald, đủ để giúp Donald từ vô danh thành nổi danh, từ trong bóng tối ra được ánh sáng của giàu sang và ngưỡng mộ. Trong hào quang của thành công và say sưa với thắng lợi, Donald Trump đã bỏ qua những phòng ngừa rủi ro và vượt quá giới hạn khả năng của chính mình khi lao vào những dự án đầu cơ ngày càng tầm cỡ hơn.

Đến thời điểm ấy, kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng đầu tiên. Donald trở tay không kịp và phải thu hẹp đáng kể hoạt động đầu cơ, bán bớt cổ phần công ty, có lúc thậm chí ngấp nghé bên bờ vực phá sản. Trong những tình huống như thế, đa phần các nhà đầu cơ thường giải nghệ hoặc tìm lối thoát bằng cách “dùng tiền của kẻ khác để đầu cơ”. Donald Trump phát minh ra cách đầu cơ vào chính tên tuổi của mình.

Hết tình là mất tiền

Donald Trump nổi tiếng nhờ kết hợp hài hòa giữa đầu cơ và nghệ thuật, biến hai thế giới tài chính và nghệ thuật thành môi trường đầu cơ

Donald Trump tiếp tục đầu cơ như trước, nhưng biết rằng không thể có lại được thời hoàng kim đã qua. Để có thể sử dụng chính tên tuổi của mình làm vũ khí đầu cơ thì trước hết phải đánh bóng mạ kền nó thành một thương hiệu thực thụ. Donald Trump là nhà đầu cơ đầu tiên thành công trong việc biến ngay chính tên tuổi mình thành thương hiệu và đầu cơ vào thương hiệu đó. Donald Trump dùng nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá cho tên tuổi của mình. Những quyển sách đầu tiên của Donald được xuất bản, những chương trình truyền hình đầu tiên được sản xuất, những tần số phát thanh đầu tiên được thâu tóm, những sự kiện thể thao nổi tiếng và được ưa chuộng nhất ở nước Mỹ được tận dụng, những vai diễn đầu tiên trong nghệ thuật thứ bảy được thể hiện. Mục đích của Donald Trump là gây dựng hình ảnh về một doanh nhân, một nhà đầu cơ và một nghệ sỹ không chỉ biết làm giàu mà còn biết mở đường chỉ lối cho người Mỹ bình thường làm giàu, biết ăn chơi độc đáo và tận hưởng cuộc sống, dám chấp nhận rủi ro và biết chuyển bại thành thắng. Khả năng và bản lĩnh, tầm nhìn và ý chí quyết tâm thực hiện bằng được tầm nhìn ấy là những thông điệp cơ bản mà Donald Trump muốn chuyển tải đi từ thương hiệu “Donald Trump”. Trên nước Mỹ hiện nay có không ít khách sạn hay sân golf, trung tâm này hay cao ốc nọ, dự án này hay kế hoạch kia mang tên “Trump” nhưng thực ra lại hoàn toàn chẳng có chút vốn nào của Donald Trump. Chỉ riêng ý tưởng và thành công ấy thôi cũng đã xứng đáng để Donald Trump được thế giới đầu cơ vinh danh là cao thủ thượng hạng.
Donald Trump nổi tiếng và tai tiếng, nhưng về cơ bản được người dân Mỹ mến mộ và ngưỡng mộ, thậm chí năm 2004 còn được bầu là “Nhà tỷ phú được người Mỹ mến mộ nhất”. Nhưng chuyện tình duyên của Donald lại quanh co lắm khúc. Ba cuộc hôn nhân chính thức, năm người con và vô số cuộc tình. Cứ mỗi lần có cuộc tình tan vỡ thì Trump nghèo đi một phần. Đổi lại, cuộc tình nào cũng đam mê và thi vị. “Người tình của tôi càng ngày càng trẻ”. Không biết họ đến với Donald vì tình hay tiền, chỉ biết rằng họ đều làm cho Donald thêm nổi tiếng và thế giới đầu cơ thêm ganh tỵ.
PHẠM NGỌC TÚ
#25 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:43:59(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Jesse Livermore: Bất chấp lời nguyền

Vinh quang và cay đắng luôn gắn liền với số phận của các nhà đầu cơ. Ngay cả những nhà đầu cơ kiệt xuất nhất cũng không thể tránh khỏi điều đó. Jesse Livermore là một ví dụ.

Jesse Livermore đã bất chấp lời nguyền về nghề nghiệp và tình yêu để rồi phải tự tìm đến cái chết
Trong số tất cả công dân của thế giới đầu cơ, không có ai thắng nhiều lần và thua cũng nhiều bận như Jesse Livermore, không có ai vừa đam mê lại vừa oán hận đầu cơ như Jesse Livermore, không có ai tìm ra được bí quyết đầu cơ thành công mà rồi lại thất bại bởi đã không làm theo chính bí quyết ấy như Jesse Livermore, không có ai biết mà bất chấp lời nguyền về nghề nghiệp và tình yêu để rồi phải tự tìm đến cái chết như Jesse Livermore.

Huyền thoại sống trong thế giới đầu cơ

Ngay từ thời còn bé, Jesse Livermore không thích người khác gọi mình như vậy mà chỉ muốn được gọi là J.L. Cuộc đời của J.L. cũng có thể được coi là một ví dụ điển hình của cái gọi là “Giấc mơ Mỹ” với hàm ý đi lên từ gia cảnh bần hàn.

J.L.là cậu bé có năng khiếu về toán, nhưng ngay từ khi mới 13 tuổi J.L. đã thấm nhuần tư tưởng của cha mình là học hành hoàn toàn vô tác dụng và vô nghĩa đối với cuộc đời của người nông dân bình thường. Năm 14 tuổi J.L. coi việc người cha cho thôi học để về làm việc đồng áng là cơ hội của cuộc đời mình. Đi làm, nhưng không làm nông nghiệp. Vì thế, năm 14 tuổi, J.L. đã rời cha mẹ bước vào cuộc đời tự lập với vẻn vẹn 5 USD trong túi. J.L. đến Boston, làm cu li trong chi nhánh của công ty Paine Webber và đây cũng là nơi J.L. tiếp xúc lần đầu tiên với thế giới đầu cơ.

Chỉ vài tháng sau, đó là năm 1892, khi J.L. tròn 15 tuổi, J.L. đã sử dụng cả một buổi nghỉ trưa để làm phi vụ đầu cơ đầu tiên là cá cược cổ phiếu. Khi bị chủ phát hiện, J.L. bị đẩy dến trước sự lựa chọn phải chấm dứt cá cược hay bị đuổi việc. J.L. chấp nhận bị đuổi việc vì không cưỡng lại được sự quyến rũ của đầu cơ. Trong vòng 1 năm, J.L. đã kiếm được 1.000 USD - một khoản tiền rất lớn đối với chàng trai ở tuổi của J.L.

Chẳng bao lâu sau, J.L. đã nổi tiếng là người đầu cơ vào đâu đều thắng, đến mức J.L. bị cấm cửa ở gần như tất cả các cửa hiệu cá cược. Vì thế, J.L. dám bỏ ra 2.500 USD trong tổng số 10.000 USD có được để rời Boston đến Phố Wall ở New York. Những thất bại đầu tiên ở Phố Wall đã dạy cho J.L. bài học là trong đầu cơ bị mất tiền còn nhanh hơn kiếm được tiền. Sau khi bị buộc phải đầu cơ theo kiểu cò con như trước, đến năm 1899 J.L. mới có được lại 10.000 USD và tiến hành chinh phục Phố Wall lần thứ hai.

J.L. coi thị trường chứng khoán như một cỗ máy, hoạt động theo những khuôn mẫu nhất định. J.L. để tâm nghiên cứu tâm lý của nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán và thấy rằng, một khi giá cổ phiếu tăng hay giảm qua một ranh giới tâm lý quan trọng như 10, 50 hay 100 USD thì có tác động cuốn hút các nhà đầu cơ mạnh mẽ. Khi đó, các nhà đầu cơ không còn quan tâm đến những chỉ số cơ bản của cổ phiếu. Từ đó, J.L. cho rằng có thể đầu cơ “một cách có hệ thống” trên thị trường chứng khoán.

Nguyên tắc đầu cơ thứ hai của J.L. là, nếu thị trường diễn biến theo hướng như J.L. dự đoán thì phải mua thêm vào, nếu diễn biến ngược lại thì phải bán cổ phiếu đi một phần hoặc bán hết. Đề ra nguyên tắc như vậy nhưng J.L. lại không phải khi nào cũng thực hiện theo. Vì thế mà sau lần thắng đậm đưa lại 50.000 USD vào năm 1901 lại là một lần trắng tay. Hết tiền, lại không thuyết phục được vợ đồng ý bán trang sức để có tiền, J.L. lại một lần nữa trở về với các phi vụ cá cược cò con.

Năm năm sau, khi đó J.L. 29 tuổi, đang giữa khi giá cổ phiếu tăng cao, J.L. đồ rằng giá sẽ giảm, dù theo suy tính bản năng nhiều hơn là phân tích khoa học, đối với cổ phiếu của tập đoàn Union Pacific, tập đoàn đường sắt lớn nhất nước Mỹ. Ngày 18-4-1906 xảy ra vụ động đất ở San Francisco - tai họa thiên nhiên lớn nhất ở nước Mỹ cho tới cơn bão Katrina năm 2005. Ba ngày sau, thị trường tài chính ở khu vực bờ biển phía Đông nước Mỹ đổ sụp, nhưng Livermore có thêm được 250.000 USD. Tương tự như vậy, phi vụ ngày 24-7-1907, khi thị trường chứng khoán New York bị khủng hoảng, chỉ trong một ngày J.L. kiếm được 1 triệu USD, giúp cho J.L. khi mới 30 tuổi đã có tài sản trị giá tới 3 triệu USD.

Phi vụ đầu cơ lớn nhất của J.L. là đầu cơ vào “Ngày thứ Năm đen tối” năm 1929 ở Mỹ. Ngay từ trước đó nửa năm, J.L. đã đầu cơ cổ phiếu theo nguyên tắc giá giảm. Khi kinh tế Mỹ bước vào cuộc Đại suy thoái thì cũng là lúc J.L. có được hơn 100 triệu USD. Từ “cậu bé thần kỳ” ở Boston ngày nào, J.L. đã trở thành huyền thoại sống ở Phố Wall với biệt danh “Con gấu vĩ đại” và “Con sói cô đơn”.

Bất chấp lời nguyền

Chiều ngày 26-11-1940, một phóng viên ảnh xin được chụp hình J.L. ở Câu lạc bộ Stork New York. J.L. đồng ý và nói: “Ông chụp đi, nhưng đó sẽ là lần cuối cùng. Từ ngày mai, tôi sẽ biến mất trong thời gian dài”. Sáu giờ chiều ngày hôm sau, cảnh sát phát hiện thấy thi hài của J.L. trong nhà tắm của một gian phòng ở khách sạn Sherry Netherland New York. J.L. tự sát để lại cho vợ 5 triệu USD và bức thư: “Anh không thể chịu đựng được nữa. Anh kiệt sức hoàn toàn rồi. Anh là kẻ thất bại và đây là lối thoát duy nhất”.

Cái kết cục bi thảm ấy của J.L. là kết quả của việc J.L. đã bất chấp ba lời nguyền do chính J.L. đặt ra hoặc biết từ trước. Lời nguyền thứ nhất là hành động theo nguyên tắc. Thực tế cho thấy J.L. đã rất nhiều lần hành động ngược lại mà không lý giải nổi vì sao. J.L. thất bại trong các phi vụ đầu cơ là vì thế.

Lời nguyền thứ hai là không bao giờ hợp tác với bất kỳ nhà đầu cơ nào khác. Vậy mà năm 1914, J.L. lại hợp tác với Percy Thomas - người được mệnh danh là “Vua kinh doanh bông” - mà không biết rằng người này sắp phá sản để đến nỗi chính J.L. cũng bị phá sản và còn nợ gần 1 triệu USD.

Lời nguyền thứ ba liên quan đến người vợ thứ ba của J.L. Sau khi bị người vợ thứ hai bỏ năm 1932, một năm sau J.L. lấy Harriet Metz Noble, người đã từng có 4 đời chồng. Thật ra chuyện lấy người phụ nữ từng trải như vậy không phải là chuyện đáng nói nếu không có một lời nguyền chẳng biết xuất xứ từ đâu là, tất cả những người chồng của Harriet Metz Noble đều sẽ chết thảm. Cả bốn người chồng đầu tiên của Harriet đều tự tử chết. Và khi J.L. kết hôn với người này thì dư luận cho rằng J.L. sẽ là người thứ 5. Và thực tế cũng đúng như vậy.

Những nghi ngờ về chính khả năng của mình, áp lực của việc phải lao tâm khổ tứ để khôi phục lại danh dự và tài sản cũng như nỗi đau khổ vì bị người vợ thứ hai mà ông vô cùng yêu thương bỏ rơi đã khiến J.L bị hủy hoại nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Tình cảnh tâm lý đó đã khiến cho việc đầu cơ vốn được J.L. tôn thờ như “cuộc chơi của mọi cuộc chơi” nhiều khi trở thành gánh nặng đè nén, khiến J.L. luôn bị giằng xé giữa đam mê và mong muốt dứt bỏ, để rồi cứ luẩn quẩn và bế tắc đến mức chỉ còn thấy cái chết mới đem lại sự giải thoát cho mình. Nhưng không ít người đương thời và hậu thế vẫn coi số phận của J.L. là sự trả giá cho việc bất chấp lời nguyền.
PHẠM NGỌC TÚ
#26 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:45:05(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nathan Rothschild: Đứa con ưu tú của dòng họ có nhiều cái "nhất"

Nathan Rothschild được thừa hưởng sự thông minh và thích kinh doanh của người Do Thái
Dòng họ Rothschild là một trong những dòng họ Do Thái lâu đời nhất, nổi tiếng nhất, giàu có nhất và số phận cũng thăng trầm nhất ở nước Đức. Từ thế kỷ 17 đến nay, dòng họ này luôn có được những đại diện thành danh trong kinh doanh và có vai vế trong xã hội, nhưng không ai sánh được với Nathan Rothschild.


Buổi giao thời giữa hai thế kỷ 18 và 19, ông nổi tiếng trong kinh doanh cũng như đầu cơ, làm chính trị và lợi dụng chính trị; trong thành công và thất bại, ý chí làm giàu và khôi phục sự giàu sang, thắng không tự mãn và thua không nản lòng. Không phải chỉ ở thời đó mà ngay cả đến tận bây giờ, Nathan Rothschild vẫn được coi là một trong những nhà đầu cơ tài chính lớn nhất, bạo gan nhất và cũng thành công nhất.

Dòng họ Rothschild ở Đức nỗ lực làm giàu còn nhằm mục tiêu dùng sự giàu có ấy để cải thiện vị thế của người Do Thái ở châu Âu, bởi thời đó người Do Thái ở đây thường bị miệt thị và phân biệt đối xử. Người cha của Nathan Rothschild, ông Mayer Armschel Rothschild - giống như các thương nhân người Do Thái khi ấy - đã nhận ra từ rất sớm rằng, phải giàu có thì mới có thể tồn tại được ở châu Âu, phải có tiền thì mới có thể thoát khỏi cảnh bị nhục mạ, coi thường và sợ hãi, mới được công nhận và vị nể. Ông trụ lại ở Frankfurt bên dòng sông Main, nhưng lại cử cả bốn đứa con trai đi lập nghiệp và làm “chân rết” ở bốn phương trời khác nhau: James sang Pháp, Carl sang Italia, Solomon sang Áo, còn Nathan sang Anh. Lúc ấy, Nathan mới 23 tuổi và cũng là thời điểm chuyển giao thế kỷ 18 sang thế kỷ 19.

Cả bốn anh em nhà Rothschild thực ra chỉ là thương nhân, chuyên mua chỗ rẻ bán chỗ đắt, mua của kẻ có đến bán cho người cần. Nathan Rothschild chịu trách nhiệm về kênh buôn bán giữa nước Anh và châu Âu lục địa. Bước sang thế kỷ 19, Pháp và Anh xung chiến. Năm 1806, Pháp phong tỏa mọi tuyến đường biển giữa Pháp và Anh, cấm vận hoàn toàn hàng hóa của Anh, dù vậy cũng không phong tỏa được khả năng kinh doanh của Nathan. Nathan làm giả giấy tờ vận chuyển hàng hóa và tàu thuyền vận tải, chuyển hàng từ Anh đi vòng qua Thụy Điển sang Đức. Tất nhiên người Pháp cũng không đến nỗi quá ngờ nghệch. Năm 1810, quân đội Pháp bắt quả tang Nathan vận chuyển hàng lậu qua Frankfurt và từ đó luôn đặt thương gia này vào “tầm ngắm”.

Đó cũng chính là lý do khiến Nathan buộc phải chuyển nghề từ lái thương sang nhà băng, song đó cũng chính là lãnh địa để Nathan phát huy tối đa năng khiếu đầu cơ bẩm sinh của mình. Nathan chọn London làm nơi dụng võ vì khi đó London đang trên đà trở thành trung tâm tài chính lớn nhất và quan trọng nhất của cả châu lục. Năm 1811, Nathan thành lập công ty kinh doanh tài chính riêng và mở rộng cánh cửa bước vào thế giới đầu cơ tài chính.

Trước tiên là vấn đề vốn kinh doanh. Nathan không xin bố mẹ, cũng không nhờ cậy vào gia đình vợ (cưới năm 1806) vốn cũng kinh doanh rất thành đạt mà sử dụng vốn của Công tước Wilhelm von Hessen (thuộc Tây Nam nước Đức ngày nay). Câu chuyện này có những tình cờ mà tưởng như là sự sắp đặt của số phận. Cha của Nathan đã từng là cố vấn tài chính cho cha của Wilhelm von Hessen. Năm 1806, Napoleon xua quân Pháp đánh chiếm Hessen, đuổi dòng họ quý tộc phong kiến đứng đầu lãnh địa này ra khỏi Hessen. Wilhelm von Hessen buộc phải lưu vong ở Đan Mạch và vì thế phải dùng Nathan Rothschild làm người đứng ra chính thức quản lý và kinh doanh số tiền của mình. Cũng có thể nói Nathan đã khởi nghiệp với số tiền 300.000 Bảng Anh của Wilhelm von Hessen. Nathan dùng số tiền này đầu cơ vào trái phiếu của chính phủ Anh và vàng. Kinh nghiệm buôn lậu và mạng lưới thông tin được thiết lập từ trước cùng với sự mẫn cảm của một nhà đầu cơ bẩm sinh đã giúp cho Nathan trong vòng 5 năm không chỉ sinh lời cho Công tước Wilhelm von Hessen, mà còn “gột nên hồ” cho chính mình. Mạo hiểm là nhân tố không thể thiếu trong cách đầu cơ của Nathan. Những trái phiếu chính phủ được mua ghi tên của Nathan và chuyển tên cho Công tước Wilhelm khi công tước trả tiền, nếu bán có lãi thì Nathan được hoa hồng, nếu lỗ thì Nathan phải gánh chịu tất cả. Rất mạo hiểm, nhưng... rất có lời!

Vấn đề tiếp theo là thông tin. Có thông tin trước thì mới có thể lập thế trận đầu cơ để bẫy cả các nhà đầu cơ khác. Gia đình Rothschild thiết lập mạng lưới thông tin riêng, nhân viên đưa tin có trang phục màu xanh vàng riêng, chân rết được cài cắm và gây dựng ở khắp mọi nơi, tàu thuyền và xe ngựa luôn hối hả trên đường và sẵn sàng lên đường, những con chim đưa thư cũng được huấn luyện đặc biệt để tránh lưới bẫy và chim săn mồi mà đối thủ của Nathan cài dăng, thả đón dọc bờ biển phía Nam nước Anh.

Nhưng đầu cơ vào chiến tranh mới là định hướng chiến lược của Nathan. Ông công khai tuyên bố là thời buổi chiến tranh dễ làm ăn hơn hòa bình. Và cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh như thể được tiến hành để cho riêng Nathan kiếm lời! Tháng Giêng năm 1814, chính phủ Anh ủy quyền cho Nathan lo chuyện tiền nong cho đội quân của Đô đốc Wellington chiến đấu với quân Pháp để vị tướng này trả lương cho binh lính, mua lương thực và quân trang. Nathan không chỉ kiếm thêm tiền cho Wellington, mà còn cho chính phủ Anh vay tiền. Tháng 5/1814, chính phủ Anh đã nợ Nathan tới 1.167.000 Bảng Anh - số tiền khổng lồ thời đó. Con tính của Nathan là, quân đội Anh thắng thì giá trị trái phiếu của chính phủ Anh sẽ tăng và càng tăng thì Nathan càng có lợi. Hơn nữa, chiến tranh càng kéo dài thì Nathan càng có cơ hội đầu cơ. Quả thực Nathan thắng lớn khi Hoàng đế Pháp Napoleon thua trận đầu tiên năm 1814.

Tuy thế, không phải ông không từng nếm những thất bại cay đắng. Khi biết tin Napoleon từ đảo Elba trở về Paris, Nathan đoán chiến tranh sẽ lại xảy ra và đổ hết của cải vào việc mua vàng và trái phiếu chính phủ, trù tính cho một cuộc chiến lâu dài. Nhưng khi Napoleon thua ở Waterloo ngày 18/6/1815 thì nhà đầu cơ trứ danh này gần như bị phá sản hoàn toàn vì chiến tranh chấm dứt, chính phủ Anh không còn cần đến vàng nữa và trái phiếu chính phủ giảm giá.

Tay trắng, Nathan quyết chí phục thù và biết rằng con đường phục thù nhanh nhất vẫn là đầu cơ. Bất chấp sự phản đối của cả gia đình, ông bỏ hết tiền có được và đi vay được để mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 3%, với niềm tin chắc chắn rằng giá trị loại trái phiếu này sẽ tăng. Ông đã kiên định giữ số trái phiếu đó trong 2 năm cho dù cả gia đình không biết bao nhiêu lần khẩn khoản yêu cầu Nathan bán đi để được đồng nào hay đồng ấy. Và cuối cùng, sự mẫn cảm của nhà đầu cơ đã thắng. Nathan cứ tiếp tục cách làm như vậy và chẳng bao lâu sau gỡ gạc lại được những gì đã bị mất.

Nathan Rothschild sinh năm 1777 và mất năm 1836. Khi mất, ông để lại sự giàu sang cho cả gia đình với tài sản giá trị bằng 0,62% GDP của nước Anh thời đó. Ngày nay, người được coi là giàu nhất thế giới Bill Gates có số tài sản bằng 0,52% GDP của nước Mỹ. Nhưng ở vào thời của Nathan Rothschild, nước Mỹ của Bill Gates còn chẳng khác gì vừa mới… thôi nôi.
PHẠM NGỌC TÚ
#27 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:46:08(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
John Maynard Keynes: Nhà đầu cơ khởi phát cách mạng kinh tế

Keynes được coi là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trường phái chính sách kinh tế mới do ông gây dựng nên từ những năm 30 của thế kỷ trước vẫn được coi là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong khoa học kinh tế. Thế nhưng, có lẽ rất ít người biết rằng ông đã từng là một nhà đầu cơ thành đạt.


Đầu cơ là cái mà Keynes vừa thích vừa sợ, vừa đam mê lại vừa nghi ngại

Để có được một nhà kinh tế học lỗi lạc Keynes, rất nhiều bài học kinh nghiệm thu được qua hoạt động đầu cơ được ông phát triển lên thành luận điểm trong học thuyết của mình. Sẽ không ngoa chút nào nếu nói rằng, không có nhà đầu cơ John Maynard Keynes thì không thể có nhà kinh tế học John Maynard Keynes, không có học thuyết kinh tế trọng cầu gắn liền với tên tuổi này.
Keynes sinh năm 1883 trong một gia đình có truyền thống học cao đỗ đạt ở Cambridge. Truyền thống hiếu học ấy của gia đình được ông phát huy, nhưng truyền thống xã hội và đạo đức của tầng lớp trí thức thời ấy ở nước Anh thì lại bị ông sao nhãng.

Ngay khi bước vào đại học, ông đã tham gia ngay Nhóm Bloomsbury - tập hợp các trí thức xung quanh nữ văn sỹ Virginia Woolf theo quan điểm bác bỏ tất cả những truyền thống và chuẩn mực giá trị của xã hội Anh. Những thành viên của nhóm này quan tâm đến nghệ thuật, thẩm mỹ học và triết học nhiều hơn là đến tiền tài và danh vọng, phẩm cách đạo đức trong lao động và tình dục vốn được cả nhà thờ Thiên chúa giáo lẫn Tin lành đề cao. Keynes công khai chuyện mình đồng tính luyến ái, cho dù đến năm 1924 lại kết hôn với nữ vũ công ba-lê Lydia Lopokova mà phù rể cho ông không phải ai khác ngoài chính anh chàng học sỹ Duncan Grant đã từng quan hệ yêu đương đồng tính với ông suốt bao năm trời. Tuy nhiên, khác với đa số thành viên trong nhóm, Keynes vẫn giữ mối liên hệ trực tiếp với cuộc sống bình thường chứ không hoàn toàn trên mây trên gió. Có lẽ chính vì thế mà ông vẫn thành đạt với tư cách là nhà kinh tế, quan chức chính phủ và cả nhà đầu cơ.

Tất cả mọi phi vụ đầu cơ chứng khoán của mình đều được ông ghi chép lại tỷ mỉ cho nên hậu thế biết rằng phi vụ đầu cơ đầu tiên của ông được thực hiện ngày 6-7-1905. Vào ngày đó ông mua 4 cổ phiếu của công ty bảo hiểm hàng hải Marine Insurance Company với giá 160,06 Bảng Anh - tương đương với 9.000 EURO bây giờ. Số tiền này được Keynes tiết kiệm từ những khoản tiền thưởng trong học tập và tiền bố mừng sinh nhật trong những năm học đại học. Ngay từ lần đầu tiên này, ông đã nhận thức được rằng đầu cơ luôn rủi ro nhưng có thể làm giàu nhanh chóng. Suốt sự nghiệp đầu cơ chứng khoán, ông luôn bị giằng xé giữa cảm giác không cưỡng lại được sự cuốn hút của đầu cơ và lo ngại về rủi ro. Có lẽ chính vì thế là ông luôn rất thận trọng khi sử dụng tiền của người khác hoặc đi vay để đầu cơ. Chậm và ít nhưng chắc chắn thắng là phương châm tối thượng của Keynes trong đầu cơ. Đầu cơ là cái mà ông vừa thích vừa sợ, vừa đam mê lại vừa nghi ngại, một lần vướng vào rồi rất khó dứt ra được.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ông đã có số tiền 16.431 Bảng Anh, gấp 100 lần số tiền bỏ ra để mua 4 cổ phiếu đầu tiên. Những phi vụ đầu cơ của John không quy mô và tầm cỡ, nhưng cứ đều đều và hiệu quả, đủ để ông kiếm được tiền triệu và không bị sa cơ lỡ vận, trắng tay phơi áo mỗi lần bị thua. Nhìn vào số liệu thống kê thì có thể thấy ông thường thắng đậm ở đầu cơ cổ phiếu trong khi thường thua đậm ở đầu cơ tiền tệ. Mà thua lại là chuyện chẳng có gì lạ trong thế giới đầu cơ.

Sử sách còn ghi lại hai vụ đầu cơ thất bại lớn nhất của ông. Lần thứ nhất vào năm 1924, ông cho rằng Đảng Tự do Anh sẽ thắng cử và Đảng Bảo thủ sẽ thua. Khi đó, vấn đề đặt ra cho nước Anh là có trở lại chế độ bản vị vàng hay không. Nếu Đảng Tự do thắng cử sẽ không thi hành chính sách trở lại chế độ bản vị vàng như ông khuyến nghị, khi đó tỷ giá đồng Bảng Anh sẽ giảm. Nhưng Đảng Bảo thủ lại thắng cử, thực hiện ngay việc trở lại chế độ bản vị vàng và tỷ giá đồng Bảng Anh tăng cao. Về phương diện chính sách kinh tế, quan điểm của Keynes rất đúng, nhưng ông lại không thạo việc đoán biết quyết định của cử tri.

Lần thứ hai vào năm 1937-1938, John Maynard Keynes đã đánh giá sai mức độ và thời gian suy thoái kinh tế ở Mỹ nên đã thua lỗ ở Phố Wall. Không phải lương bổng của quan chức chính phủ Anh mà đầu cơ đã giúp John Maynard Keynes từ có vài đồng trong túi trở thành triệu phú. Khi mất năm 1946, Keynes để lại gia sản cá nhân gần 500.000 Bảng Anh (tương đương hơn 10 triệu EURO bây giờ), một điền trang rộng ở gần London và cả một Nhà hát nhỏ ở Cambridge tặng vợ. Thận trọng và theo mách bảo của bản năng được Keynes coi là bí quyết thành công của mình trong các phi vụ đầu cơ. Ẩn chứa đằng sau đó là một trạng thái tâm lý rất đặc biệt của nhà đầu cơ và đầu tư mà Keynes gọi là “tình yêu tiền bạc”. Theo Keynes, muốn thành công thì nhà đầu cơ phải nhìn nhận mối quan hệ giữa mình với cổ phiếu của mình như mối quan hệ giữa vợ và chồng, có nghĩa là phải có tầm nhìn dài hạn, không vội vàng hấp tấp, tình cảm và lý trí phải hài hòa.

Khác với Adam Smith tin vào khả năng điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường, Keynes nghi ngờ khả năng tự điều chỉnh và tự lành mạnh trở lại của thị trường. Keynes cho rằng, con người thích giữ tiền hơn là đầu tư vì lo ngại rủi ro, nhưng giữ tiền cũng là một dạng đầu cơ vào lãi suất, đầu tư giảm thì thất nghiệp sẽ tăng, thị trường tự nó không giải quyết được vấn đề này, vì thế phải cần đến vai trò của nhà nước. Nhà nước phải kích cầu, chấp nhận vay nợ và thâm hụt ngân sách để kích cầu. Thâm hụt ngân sách (deficit spending) là biệt hiệu học thuyết của Keynes và ngôn từ cửa miệng suốt một thời mà ngày nay lại được thực hiện ở không ít quốc gia. Keynes cho rằng, cá nhân có thể đầu cơ thì tại sao nhà nước lại không. Cá nhân đầu cơ để kiếm tiền, kết quả hoạt động đầu cơ của nhà nước hiện diện dưới những hình thức khác. Keynes cho rằng đầu cơ “vô hại như bong bóng trong dòng chảy kinh doanh liên tục” nhưng sẽ rất tai hại khi “kinh doanh trở thành bong bóng trong vòng xoáy của đầu cơ”.

Tại Hội nghị ở Bretton Woods, Keynes là trưởng đoàn đàm phán của Anh và đã đưa ra một kế hoạch tổng thể về trật tự tài chính và tiền tệ thế giới, kiến nghị sử dụng đồng tiền chủ đạo trên thế giới bao gồm một “rổ nhiều đồng tiền khác nhau” với tên gọi là Bancor, nhưng bị Mỹ lấn lướt và giành giật vai trò ấy cho đồng USD. 65 năm sau, nhân tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc và Nga dẫn đầu một số nước lên tiếng đòi có đồng tiền chủ đạo mới trên thế giới thay thế đồng USD. John Maynard Keynes lại được nhắc tới, lại được trích dẫn và sử dụng như một chiếc “túi khôn” trong thời khốn khó.

Cả khi ấy, việc John Maynard Keynes đã từng là nhà đầu cơ thành đạt cũng không được nhắc tới. Đúng là Keynes nổi tiếng hơn nhờ học thuyết kinh tế của mình, nhưng học thuyết ấy thật ra là kết quả của quá trình đi từ thực tiễn đến lý luận qua các hoạt động đầu cơ của chính ông.
PHẠM NGỌC TÚ
#28 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:47:14(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nhà đầu cơ trứ danh André Kostolany: Tiền bạc trước, đạo đức sau

Có rất nhiều nhà đầu cơ chứng khoán. Nhưng gắn bó đến mức coi đầu cơ là cuộc sống, coi đó là sân chơi để bỡn cợt, là sòng bạc để kiếm tiền và thành công đến mức có thể tôn thờ nó như nghệ thuật và triết lý hóa nó cho hậu thế thì chỉ có một người, đó là André Kostolany.

Đạo đức hay tình nghĩa không khiến Kostolany bận tâm nếu không đem lại tiền của
Từ khi 13 tuổi cho tới lúc qua đời ở tuổi 93, Andre Kostolany luôn tự hào và thấy hãnh diện về danh hiệu “nhà đầu cơ”, trong khi kẻ khác nếu bị gọi như vậy thường cảm thấy như thể mình bị thóa mạ. Bí quyết thành công của Kostolany trên thị trường chứng khoán là luôn đầu cơ giá xuống.

Bài học vỡ lòng đầu tiên của Kostolany là đầu cơ tiền tệ và ở thủ đô Viên của nước Áo. Andre Kostolany vốn là người Hungari. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình ông di cư từ Budapest sang Viên. Cậu bé Andre khi đó mới 13 tuổi đã biết kiếm tiền bằng việc mua tiền của nước này để đổi sang tiền của nước khác kiếm lời. Năm 1924, Kostolany sang Paris với dự định theo học phê bình nghệ thuật. Nhưng kể từ khi nhận ra rằng, có thể dễ dàng kiếm tiền bằng đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì Kostolany mất hết hẳn nhiệt huyết học hành tại trường đại học. Kiếm tiền và làm giàu được Kostolany nâng lên thành lẽ sống. Tiền là tất cả, vì tiền Kostolany sẵn sàng hy sinh tất cả. Đạo đức hay tình nghĩa không khiến Kostolany bận tâm nếu không đem lại tiền của. “Quan điểm về giá trị của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi chỉ còn quan tâm đến tiền”, ông đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Vì thế, đầu cơ trên thị trường chứng khoán được Kostolany khái quát thành “kiếm tiền từ nỗi đau của kẻ khác”.

Sau khi học lỏm được một vài chiêu của một nhà môi giới chứng khoán rất thành đạt trên Sở giao dịch chứng khoán Paris, Kostolany đăng ký hành nghề môi giới chứng khoán độc lập. Vì luật pháp không cho phép người hành nghề môi giới chứng khoán trực tiếp kinh doanh chứng khoán nên Kostolany đã kinh doanh dưới danh của người khác. Luật pháp không cho phép đi thẳng thì Kostolany tìm đường đi vòng hoặc đường quanh co nào cũng được, miễn là nó đưa ông đến với tiền. Để tranh thủ khách hàng là những ông chủ ngân hàng người Thụy Sỹ, Kostolany còn đích thân dẫn họ đến nhà thổ ở kinh thành Paris.

Kostolany sống gần như trọn thế kỷ 20 và do vậy là nhân chứng của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ. Bài học mà Kostolany nhận ra được từ rất sớm là khủng hoảng đưa lại cơ hội đầu cơ béo bở nhất. Vấn đề là biết trước thông tin và dự báo chính xác. Năm 1929, vào Ngày Thứ Sáu đen tối, khi giá cổ phiếu ở các nơi khác trên thế giới trượt dốc thì ở Paris vẫn như thể không có gì xảy ra. Trong khi số đông cho rằng giá cổ phiếu ở Paris vẫn còn tăng thì Kostolany đã trù tính khả năng suy giảm và đến khi giá cổ phiếu ở Paris giảm thê thảm thì Kostolany chỉ trong phút chốc đã trở thành người giàu có. “Thành công trên thị trường chứng khoán là một nghệ thuật, chứ không phải một môn khoa học”, đó là kết luận của Kostolany từ phi vụ đầu cơ này.

“Ai nhiều tiền thì có thể đầu cơ, ai ít tiền thì không được phép đầu cơ, ai không có tiền thì phải đầu cơ” cũng như “trên thị trường chứng khoán, 2 nhân 2 không bao giờ bằng 4, mà bằng 5 trừ 1. Người ta phải có đủ bản lĩnh để chịu đựng được cái trừ 1 đó”. Đây là hai triết lý đầu cơ nổi tiếng nhất của Kostolany. Rất có thể đó là bài học cay đắng của Kostolany từ phi vụ đầu cơ bị thất bại thảm hại năm 1931. Lúc ấy ông trù tính giá cổ phiếu giảm nhưng đùng một cái, tổng thống Mỹ Hoover xóa cho nước Đức nhiều khoản bồi thường chiến tranh nên giá tăng cao khiến Kostolany mất gần hết những gì đã có được. Kostolany tự an ủi, được thua là chuyện bình thường. Điều quyết định là số lần đầu cơ đúng nhiều hơn số lần đầu cơ sai. Kostolany đoán rằng Đảng quốc xã lên nắm quyền ở nước Đức sớm muộn cũng sẽ đẩy các nước Châu Âu và thị trường tài chính, tiền tệ vào thảm họa, chậm nhất cũng chỉ đến cuối thập kỷ 30. Thực tế đã xảy ra đúng như vậy và Kostolany gỡ gạc lại được những gì đã bị mất.

Trong đầu cơ và cuộc sống, Kostolany dựa vào linh tính, bản năng nhiều hơn là tính toán lô gic, khoa học. Cũng có thể gọi đó là năng khiếu đầu cơ của con người này. Sau phi vụ nói trên, Kostolany đoán rằng chiến tranh sẽ xảy ra ở Châu Âu và khi đó thì Paris không còn là thánh địa cho đầu cơ chứng khoán nữa. Kostolany lại có gốc Do Thái. Vì thế cao chạy xa bay là thượng sách. Ngay trước khi quân đội Đức đánh chiếm Paris, Kostolany đã chạy sang Mỹ. Vẫn tư duy và triết lý ấy, vẫn nhằm vào giá cổ phiếu giảm để đầu cơ và vẫn không làm những gì mà số đông trên thị trường chứng khoán ở Mỹ thường làm, ông đã nhanh chóng trở thành cây đa cây đề ở Phố Wall, đầu cơ trận nào thắng trận ấy. Thành tích đầu cơ của Kostolany ở Mỹ vang dội đến mức làm chính nhà đầu cơ này đủ tự tin để mở khóa dạy về kinh doanh và đầu tư chứng khoán. Kostolany trở thành nhà đầu cơ chứng khoán đầu tiên công khai truyền bá ý tưởng và kinh nghiệm, triết lý và thủ thuật đầu cơ. Những cuốn sách của Kostolany bán chạy như tôm tươi. Những bài bình luận về thị trường chứng khoán của Kostolany trên các báo và tạp chí, đài phát thanh và truyền hình đều được đón nhận và trả giá cao. Thế hệ đầu cơ trẻ vốn rất khoái những khái quát hóa đầy hài hước của Kostolany như “Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào việc ở đó có nhiều thằng ngốc hơn hay nhiều cổ phiếu hơn. Nếu ở đó có nhiều thằng ngốc hơn cổ phiếu thì giá sẽ giảm và ngược lại”.

Theo Kostolany, nhà đầu cơ muốn thành công phải hội tụ được cả hai tố chất và hai nhân tố. Đó là, ý tưởng và kiên nhẫn, tiền và may mắn. Không nên ăn sổi ở thì mà phải có chiến lược lâu dài, không nên để bị chi phối bởi biến động giá cổ phiếu hàng ngày mà nên lựa chọn loại cổ phiếu thích hợp để đầu tư hoặc đầu cơ dài hạn, nên chọn cổ phiếu làm đối tượng để đầu tư hoặc đầu cơ chứ không nên chọn các hình thức hay sản phẩm khác trên thị trường chứng khoán bởi theo Kostolany “cổ phiếu chỉ rủi ro về ngắn hạn chứ không rủi ro về dài hạn” - đó là những kết luận thường được Kostolany nhắc đi nhắc lại.

Những năm tháng cuối đời, Kostolany sống ở Paris với vợ là người Pháp, bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm: vẫn ham muốn xung trận đầu cơ, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm như trước nữa. Ông công khai thổ lộ điều đó: “Bi kịch đối với những nhà đầu cơ già như chúng tôi là kinh nghiệm có thừa nhưng không còn đủ can đảm để đầu cơ nữa”. Ông tự ví mình như một phi công mà theo ông thì có phi công già và phi công quả cảm, nhưng lại không thể có phi công già mà quả cảm. Kostolany mất ở tuổi 93. Rất ít nhà đầu cơ trứ danh thọ được đến như vậy.
PHẠM NGỌC TÚ
#29 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:48:33(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
John Rusnak - Nhà đầu cơ độc nhất vô nhị trong giới đầu cơ

Trong thế giới đầu cơ, John Rusnak nổi danh không phải nhờ thành công mà do thất bại, không vì phô trương hào nhoáng mà bởi ẩn mình thầm lặng. Cho tới nay, trong thế giới đầu cơ, chỉ có mỗi nhà đầu cơ này tự đầu thú.

Trông mặt không bắt được hình dong

Thiệt hại do các hoạt động đầu cơ của John Rusnak gây ra được tính vào khoảng 691 triệu USD. Sự nghiệp đầu cơ của John Rusnak kéo dài tổng cộng chỉ không đầy 10 năm. Mức hình phạt đối với John Rusnak là ngồi tù bảy năm rưỡi và sau khi ra tù phải bồi thường mỗi tháng 1000 USD trong 5 năm. Những con số ấy thật ra chẳng bõ bèn và đáng kể gì trong thế giới đầu cơ. Cho nên điều khiến một nhà đầu cơ ẩn danh đến vô danh như John Rusnak lại được coi là nhà đầu cơ trứ danh chính là chỗ nhà đầu cơ này qua mặt được tất cả các cơ quan kiểm soát và giám sát, trong các ngân hàng mà anh ta làm việc cũng như trên thị trường tài chính. John Rusnak là bằng chứng sống về sự tồn tại của rất nhiều khe hở về pháp lý và quản lý trên thị trường tài chính, về mức độ quan liêu và bất lực của các cơ quan kiểm soát và giám sát thị trường tài chính. Nhà đầu cơ này nổi tiếng vì đã chứng minh được bằng chính thất bại của mình là tất cả những thể chế và cá nhân đều phải trả giá nếu coi thường thế giới đầu cơ.

John Rusnak cũng còn được lưu danh trong “sổ vàng” của thế giới đầu cơ bởi được coi là một trong những điển hình về đầu cơ tiền tệ, cụ thể là đầu cơ vào tỷ giá hối đoái, và về triết lý “lấy đầu cơ nuôi đầu cơ”. Rusnak đầu cơ không vì mục đích vụ lợi làm giàu cho cá nhân mà chỉ nhằm mục đích thể hiện khả năng của bản thân, gây dựng hình ảnh về một nhà kinh doanh tiền tệ tài ba trong con mắt của đồng nghiệp và giới lãnh đạo. Rusnak cần tiền, nhưng cần đầu cơ như một cuộc chơi còn nhiều hơn thế.

Nếu như chỉ gặp mà không có thông tin đầy đủ qua tìm hiểu kỹ thì chẳng ai ngờ được John Rusnak là một nhà đầu cơ. Một người cha tốt trong gia đình, một công dân mẫu mực ở nơi sinh sống, một nhân viên làm việc cần cù và mẫn cán – John Rusnak vừa là một tấm gương tốt lại vừa vô hình như thể một cái bóng. Tất cả những tính cách và phẩm hạnh như thế che đậy được rất khéo và rất kín ham muốn và bản chất đầu cơ trong con người này. Đầu cơ bài bản và có trọng điểm, nhìn về lâu dài chứ không ăn xổi ở thì, biết cách che chắn và phòng ngừa cả về pháp lý lẫn kỹ thuật – John Rusnak không tiến hành những phi vụ đầu cơ có tầm có cỡ khiến thế giới đầu cơ hay thị trường tài chính thế giới bị kinh thiên động địa, nhưng cũng đủ để được ghi nhận vào sách giáo khoa về đầu cơ, cả trên phương diện thành công cũng như thất bại. Một nhà đầu cơ như thế đến nay vẫn độc nhất vô nhị trong thế giới đầu cơ.

Bằng thất bại của mình John Rusnak đã chứng minh, tất cả những thể chế và cá nhân đều phải trả giá nếu coi thường thế giới đầu cơ

John Rusnak sinh năm 1971, học về ngân hàng và làm việc ở Phố Wall. Nếu chỉ đơn thuần như vậy thì chắc chắn thế giới đầu cơ không có được nhà đầu cơ trứ danh này. Phố Wall quá ồn ào và thị trường chứng khoán biến động quá náo nhiệt đối với tính cách và mục tiêu của Rusnak. Rusnak nhanh chóng nhận ra rằng đó không phải là nơi thích hợp để dụng võ. Cơ hội để thâm nhập vào thế giới đầu cơ và để thực hiện giấc mơ cuộc đời đến với Rusnak năm 1993 khi được tuyển vào làm kinh doanh tiền tệ cho Ngân hàng Allfirst Financial Inc. , một ngân hàng thuộc tập đoàn Allied Irish Bank (Ireland), có 250 cho nhánh ở nước Mỹ, có nghĩa là không lớn nhưng cũng không nhỏ. Đối với Rusnak thì đúng là cầu được ước thấy. Rusnak làm việc trong bộ phận kinh doanh ngoại tệ chỉ có hai nhân viên – Rusnak và vị trưởng phòng. Có thể thấy ngay, Rusnak không có quyền hạn gì nhiều, đầu cơ thoải mái, nhưng cũng không thể hơn gì ngoài cảnh “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” và “năng nhặt chặt bị”.
Lấy đầu cơ nuôi đầu cơ

Điều quan trọng đối với Rusnak là có danh, có tiền và có công cụ để đầu cơ, có thể kết hợp giữa tay không bắt giặc và lấy “mỡ nó rán nó”. Rusnak lựa chọn phương cách kinh doanh đầu cơ vào biến động của tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Yên của Nhật Bản. Triết lý đầu cơ của Rusnak rất đơn giản: Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Yên không thể ổn định lâu dài mà sẽ biến động thất thường, dù biến động theo chiều hướng nào thì cũng không ổn định lâu ở mép ngoài của biên độ biến động. Vất đề đặt ra chỉ là xác định đúng thời điểm để tiến hành đầu cơ, dự báo đúng khoảng thời gian của từng chiều hướng diễn biến mối quan hệ tỷ giá này để quyết định chấm dứt hay tiếp tục đầu cơ vào chiều hướng biến động tỷ giá đó. Cách suy tính và triết lý ấy hoàn toàn không sai về lý thuyết và cũng sẽ đúng trên thực tế nếu như không có đột biến. Sai lầm chết người của Rusnak là không tính được hết những cái đột biến ấy. Nhà đầu cơ dù trứ danh đến đâu cũng làm sao tường tỏ được hết mọi ngõ ngách của chính trị, mọi mê cung của cuộc chơi quyền lực thể hiện trên chính trường và trong xã hội.

Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Rusnak đầu cơ vào chiều hướng tỷ giá đồng USD tăng so với đồng Yên. Trong mấy năm đầu, diễn biến trên thị trường đúng như dự báo của Rusnak. Không biết vì ngủ quên trong đắc thắng hay quá tự tin vào tài ba của mình mà Rusnak không phòng ngừa cho cuộc khủng hoảng tiền tệ hồi cuối thập kỷ 90. Để che dấu thua lỗ và kiếm tiền về bù đắp vào chỗ thua lỗ, Rusnak lâm vào vòng xoáy của lấy đầu cơ nuôi đầu cơ và cứu đầu cơ, mở rộng phạm vi đầu cơ và bất chấp rủi ro đầu cơ với hy vọng gỡ gạc càng nhanh càng tốt. Giống như một con bạc khát nước, Rusnak càng thua càng muốn chơi tiếp vì cho rằng quả thắng sau sẽ bù đắp cho quả thua trước. Điều kỳ lạ là chẳng ai phát hiện ra điều đó cho tới tận năm 2001. Cơ quan kiểm soát chứng khoán Mỹ, hàng loạt ngân hàng cỡ bự và ngay đến chính người cấp trên trực tiếp của Rusnak cũng chẳng hề biết gì.

Đầu năm 2001, Rusnak đầu tư vào chiều hướng tỷ giá đồng Yên tăng so với đồng USD. Nhưng chẳng biết xui khiến thế nào mà đồng Yên lại mất giá so với đồng USD. Rusnak lại phải mở rộng quy mô áp dụng sách lược lấy đầu cơ nuôi đầu cơ. Đầu năm 2002, khi hàng loạt những hợp đồng mua bán đến kỳ hạn phải trả, Rusnak nhận ra rằng, không còn con đường nào khác ngoài phải đầu hàng. Tối ngày 5/2/2002, Rusnak rời nhiệm sở và không bao giờ quay trở lại đấy nữa. Ngày hôm sau, Rusnak ra đầu thú tại Cục điều tra liên bang (FBI). 691 triệu USD là thiệt hại do Rusnak gây ra cho Allied Irish Bank. Vụ việc này không làm ngân hàng ấy phá sản, nhưng làm chấn động cả hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính thế giới. Chẳng phải trước đó có một nhà đầu cơ khác tên là Nick Leeson đã đốt 1,4 tỷ USD trong đầu cơ và khiến ngân hàng Barings của Anh bị phá sản đó sao. Có sự cảnh báo nào sát thực và cấp thiết hơn thế được nữa. Mà rồi vẫn xảy ra chuyện John Rusnak. Cư dân của thế giới đầu cơ lại một lần hể hả về việc thế giới đầu cơ đánh bại thế giới pháp lý và quyền lực.
PHẠM NGỌC TÚ
#30 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:49:34(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Yasuo Hamanaka: 'Vua' đầu cơ lẫy lừng xứ Phù Tang

Yasuo Hamanaka

Nếu như cần có một bằng chứng sống về cái bạc bẽo trong thế giới đầu cơ cả về tính liều lĩnh của nhà đầu cơ trong hoạt động đầu cơ và sự lạm dụng nhà đầu cơ của giới chủ thì Yasuo Hamanaka có thể được coi là trường hợp điển hình.
Tên tuổi của Hamanaka gắn liền với thị trường đồng thế giới trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước và gắn với một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất trên thế giới...

Tiền vận sang như sao

Năm 1985, Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản tuyển dụng một chuyên gia về kinh doanh chứng khoán theo thời hạn, đặc biệt về kim loại đồng, mới 37 tuổi tên là Yasuo Hamanaka. Tập đoàn này kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng kinh doanh chứng khoán được đặc biệt coi trọng. Đồng là kim loại được sử dụng nhiều trong công nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc về đồng lại ngày càng tăng.

Triết lý đầu cơ của Hamanaka rất đơn giản và thật ra thì cũng chẳng có gì mới lạ trong thế giới đầu cơ: một khi đầu cơ thành công, thực hiện phi vụ nào thắng đậm phi vụ ấy thì đương nhiên sẽ gây dựng được uy tín cá nhân đến mức đủ để có thể thao túng thị trường bằng chính hoạt động của mình hay thậm chí chỉ bằng vài phát ngôn. Đầu tiên, Hamanaka tập trung mua cổ phiếu của các tập đoàn và công ty khai thác, luyện và chế biến kim loại đồng. Để có tiền, Hamanaka thuyết phục lãnh đạo tập đoàn cho sử dụng nguồn vốn của các chi nhánh của tập đoàn. Trong những trường hợp không được phép, Hamanaka giả mạo chữ ký để lấy tiền. Chỉ riêng các khoản tiền Hamanaka lấy về bằng giả mạo chữ ký đã lên tới 770 triệu USD - ở thời điểm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Công cụ được Hamanaka sử dụng là các hợp đồng bán theo thời hạn mà ngôn ngữ chuyên môn kinh doanh chứng khoán gọi là Futures. Sau khi đã có các hợp đồng như vậy, Hamanaka tạo sự khan hiếm giả để đẩy giá đồng trên thị trường lên cao. Đến thời hạn đó, Hamanaka lại tung ra bán hết để kiếm lời. Thị trường đồng diễn biến theo chiều hướng ngược lại và cuộc chơi được Hamanaka chơi lại từ đầu. Bằng cách đó, Hamanaka kiếm được rất nhiều tiền cho tập đoàn và cho chính mình, thừa sống cuộc sống giàu sang và vương giả. Cũng bằng cách đó, Hamanaka một mình kiểm soát 5% thị trường đồng trên thế giới, vì thế mà còn được gắn cho biệt danh “Ngài 5 phần trăm”.

Tuy thế, nếu cứ nhìn cuộc sống thường nhật của Hamanaka, không ai có thể ngờ rằng con người này đã tiến hành các phi vụ đầu cơ mạo hiểm và phạm pháp đến như vậy. Hamanaka sống cùng vợ, hai con và một con chó trong một ngôi nhà nhỏ ở một thị trấn rất bình thường vùng ngoại ô thủ đô Tokyo. Chiếc xe ô tô mà Hamanaka và gia đình sử dụng cũng bình thường như của mọi gia đình trung lưu khác trên đất nước này. Và không ai có thể ngờ rằng Hamanaka có tài khoản nhiều triệu USD ở Thụy Sỹ và “chăm lo chu đáo” cho một người tình.

Mười một năm liền Hamanaka đầu cơ theo cung cách ấy và rất thành công. Sau này, khi vụ bê bối vỡ lở, thiên hạ đặt câu hỏi là tại sao trong suốt thời gian dài đến như vậy không ai phát hiện ra thủ đoạn đầu cơ của Hamanaka và có biện pháp ngăn chặn? Thật ra thì cơ quan kiểm soát kinh doanh chứng khoán của Mỹ và Anh đã nghi ngờ Hamanaka và đã tiến hành điều tra ngay từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, nhưng rồi đều không đi đến kết luận gì và cũng không áp dụng biện pháp gì đối với Hamanaka. Cho tới nay, không ai xác nhận, nhưng cũng không ai bác bỏ nghi ngờ - và thậm chí cả sự cáo buộc - là tập đoàn Sumitomo Corporation đã cố tình làm ngơ những hoạt động đầu cơ của Hamanaka vì suy cho cùng tập đoàn chỉ được lợi chừng nào Hamanaka còn kiếm được tiền về. Điều mà chính tập đoàn này cũng không thể ngờ tới có lẽ là Hamanaka đã đầu cơ ở quy mô quá lớn nên khi thất bại đã gây thiệt hại hữu hình và vô hình khổng lồ cho họ.

Hậu vận đen đủi

Thành tích đầu cơ đã giúp Hamanaka chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn, từ một chuyên gia phâ n tích về thị trường nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại đồng, trở thành một minh tinh trên bầu trời thế giới đầu cơ. Một câu nói ỡm ờ của Hamanaka cũng có thể làm biến động giá kim loại đồng trên thị trường chứ chưa nói đến chủ định đầu cơ của ông ta. Nguyên nhân thất bại của Hamanaka không phải do phân tích và dự báo sai về diễn biến trên thị trường, không phải do bị phát hiện ra thủ đoạn gian lận tài chính để có tiền đầu cơ, mà chính là đánh giá sai đối tượng đầu cơ vào năm 1993 - Trung Quốc.

Năm ấy, để ý thấy nhu cầu của Trung Quốc về đồng tăng đột biến, Hamanaka cho rằng đó là cơ hội đầu cơ béo bở. Cách làm vẫn như trước, chỉ có đối tượng được nhằm vào là thị trường kim loại đồng ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã sớm phát hiện ra ý đồ của Hamanaka và đã có biện pháp đối phó hữu hiệu, trong đó đặc biệt là biện pháp can thiệp vào thị trường bằng các cam kết miệng khiến cho giá kim loại đồng trên thị trường không tăng và không bị thao túng như Hamanaka dự định. Phi vụ đầu cơ mà Hamanaka vốn rất thuần thục, thường rất chắc thắng và đã giúp Hamanaka nổi danh trong thế giới đầu cơ nay bỗng nhiên trở thành trò mèo vờn chuột giữa chính phủ Trung Quốc và Hamanaka - mà trong đó con chuột tên là Hamanaka ngày càng yếu thế và đuối sức. Trong hoàn cảnh đó, ông ta phạm tiếp một sai lầm chết người là gian dối trong báo cáo cân đối tài chính để che giấu thua lỗ. Năm 1996, chuyện ấy bị vỡ lở và đi vào lịch sử với tên gọi Vụ bê bối Sumimoto - vụ bê bối tài chính lớn nhất thế giới cho tới thời điểm đó. Không biết trong những năm trước đó Hamanaka kiếm về cho tập đoàn bao nhiêu tiền, chỉ biết khi vụ việc vỡ lở thì thiệt hại vật chất thống kê được mà ông ta gây ra cho tập đoàn là 2,6 tỷ USD, bằng một phần mười tổng số vốn kinh doanh của Sumitomo. Năm 1998, Hamanaka bị một tòa án ở Tokyo xử 8 năm tù về tội lừa đảo và gian dối. Hamanaka ngồi bóc lịch 6 năm và được trả tự do vào mùa hè năm 2004. Ra tù khi 54 tuổi, Hamanaka bắt đầu cuộc sống mới với việc làm đầu tiên là học thi lấy bằng lái xe ô tô. Thỉnh thoảng, mỗi khi không cưỡng lại được tiếng gọi của quá khứ, Hamanaka lại làm một vài vụ đầu cơ nho nhỏ - cũng vẫn về kim loại đồng. Chỉ có điều thành công ở tiền vận không lặp lại nữa.

Thế đấy, không chỉ thành công, mà cả thất bại cũng làm không ít nhà đầu cơ nổi danh...
PHẠM NGỌC TÚ
#31 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:50:36(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Kirk Kerkorian trả giá cho đam mê

Để thành công trong đầu cơ, đã có mấy nhà đầu cơ không phải trả giá. Kể cả khi đã nổi danh trong thế giới đầu cơ, họ vẫn phải trả giá. Người này trả giá cho sai lầm, người kia trả giá cho đam mê. Kirk Keroian không phải trường hợp ngoại lệ.

Thánh địa cờ bạc và ăn chơi Las Vegas tạo nên tên tuổi của Kirk Keroian
Thế giới đầu cơ còn được gọi là “thế giới không có giới hạn”. Biệt hiệu đó không chỉ đơn thuần bao hàm một đặc thù trong tư duy của các nhà đầu cơ là chuyện gì cũng có thể xảy ra, mà trước hết hàm ý cái gì cũng có thể trở thành đối tượng đầu cơ. Điều quan trọng là phải biết nhận ra cơ hội và chấp nhận rủi ro.

Đối với Kerkorian, không phải thị trường chứng khoán New York mà thánh địa cờ bạc và ăn chơi Las Vegas mới là nơi giúp ông trở nên giàu có, thậm chí rất giàu có. Năm nay 92 tuổi, Kerkorian có trong tay khoảng 11,2 tỷ USD, được tạp chí Forbes của Mỹ xếp thứ 27 trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ trong năm 2008.

Bản lĩnh đầu cơ bẩm sinh

Áp lực phải kiếm tiền đến rất sớm với Kirk Kerkorian. Bố mẹ Kirk Kerkorian có một trang trại trồng nho ở California nhưng về sau bị mất trắng bởi luật lệ ở bang này thay đổi trong thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Gia đình Kerkorian phải chuyển nơi ở tới 20 lần và rồi cuối cùng phải về khu ổ chuột ở Los Angeles để kiếm sống. Khát vọng làm giàu và đổi đời, giành lại địa vị xã hội đã mất cho gia đình được Kerkorian ấp ủ trong hoàn cảnh đó.

Kerkorian ý thức được rằng, muốn làm giàu từ hai bàn tay trắng thì trước hết phải kiếm được một khoản tiền kha khá để làm vốn. Quyết định quan trọng đầu tiên của Kirk Kerkorian là đi lính. Con tính của Kerkorian là, nếu sống sót qua chiến tranh thì có được khoản tiền không nhỏ làm vốn giắt lưng. Rủi ro và lợi nhuận của việc đi lính cũng chẳng khác gì trong một phi vụ đầu cơ.

Thành tích lớn nhất của Kirk Kerkorian trong thời gian phục vụ quân ngũ là vận chuyển 33 máy bay Mosquito từ Canada sang Anh để quân đội Anh sử dụng chống lại quân đội phát xít Đức. Ngày ấy, máy bay không chứa đủ nhiên liệu để vượt qua Đại Tây Dương. Phi công phải biết lợi dụng triệt để sức gió và tuyến bay ngắn nhất để tránh khỏi bị rơi xuống đại dương. Tỷ lệ thành công là 50%. Đã 33 lần Kerkorian chấp nhận rủi ro tính mạng và cả 33 lần đều thắng cuộc. Sau chiến tranh, Kerkorian có được 60.000 USD.

Trở lại Los Angeles, Kerkorian biết rằng, với số tiền kiếm được nói trên sẽ không làm nổi trò trống gì. Từ những năm 30, luật pháp Mỹ đã cho phép mở sòng bạc và Las Vegas nhanh chóng phát triển thành thánh địa cờ bạc không những của nước Mỹ mà còn của cả thế giới. Kerkorian nhận ra rằng, cờ bạc lôi cuốn, thậm chí quyến rũ con người không chỉ vì tham vọng trở nên giàu có trong chớp mắt, mà còn là thú tiêu khiển. Tâm lý đó chính là cái để Kerkorian đầu cơ vì Las Vegas ở bang Nevada, trong khi Los Angeles ở bang California, không phải ai muốn đến đó cũng có thể đến được, đặc biệt là bằng cách nhanh nhất. Kerkorian dùng số tiền có được mua loại máy bay Cessna, một loại máy bay nhỏ, chở được ít người nhưng lại rất linh hoạt trong cất và hạ cánh. Từ chiếc máy bay nhỏ đầu tiên này, Kerkorian phát triển thành một hãng hàng không làm ăn phát đạt.

Nhưng Kerkorian nhận ra rằng, nếu muốn giàu có ở Las Vegas thì phải trở thành chủ nhân của khách sạn và sòng bạc, chứ không phải người chơi bạc. Kerkorian rút ra, phải đầu cơ vào bất động sản. Trong khi thiên hạ đổ xô vào sòng bạc, sát phạt đỏ đen thì ông săn lùng những khu đất đẹp ở ngoại ô, đón thời cơ thành phố ăn chơi và cờ bạc này phát triển và mở rộng. Mua rẻ, bán đắt, chỉ vài năm sau Kerkorian kiếm được bạc tỷ từ đầu cơ bất động sản. Ông để dành riêng cho mình khu đất đẹp nhất ở Las Vegas, không phải để xây dinh thự riêng, mà để xây khách sạn International đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Las Vegas. Năm 1969, khách sạn 1.500 phòng này được khánh thành. Vua Rock & Roll Elvis Presley và minh tinh màn bạc Hollywood Barbara Streisand đã tới dự và biểu diễn tại buổi lễ khai mạc này. Từ đó, một hậu duệ của gia đình Kerkor di cư từ Armenia sang Mỹ đã trở thành người danh giá ở Mỹ, là ông chủ của cả khách sạn lẫn sòng bạc ở chính nơi khách sạn đắt giá nhất và sòng bạc được tôn thờ nhất của nước Mỹ.

Trả giá cho đam mê

Kerkorian rút ra cho mình hai kinh nghiệm đầu cơ thành công. Thứ nhất là, không được bỏ tất cả vốn liếng vào một phi vụ. Ở đây thể hiện rất rõ một điểm, Kerkorian luôn bị giằng xé giữa hai luồng tâm lý: liều lĩnh và chắc ăn, mà rồi cuối cùng thường thì lý trí vẫn luôn thắng tình cảm. Kinh nghiệm thứ hai là, phải sắt đá chứ không để mềm lòng trước mỗi quyết định đầu cơ. Bán hay mua là bài toán kinh tế thuần túy chứ không phải chuyện tình cảm, do vậy, có thể mua nhanh bán sớm, mua đi mua lại nhiều lần mà không ngần ngại, bởi mỗi thời mỗi khác, mỗi bối cảnh một khác. Điển hình nhất là chuyện Kerkorian ba lần mua rồi cũng ba lần bán đi hãng phim Metro Goldwyn Mayer.

Nhưng có hai đam mê khiến Kerkorian không cưỡng lại được và cũng làm ông mất nhiều tiền bạc nhất là phụ nữ và ô tô. Ba lần kết hôn và ly hôn là ba lần tốn kém và bê bối, ba lần phải dùng đến tòa án để phân xử chuyện của cải và chứng minh con cái. Những người vợ đã làm Kerkorian hạnh phúc và đau khổ, hao tài tốn của và cả tai tiếng. Rùm beng nhất là chuyện với người vợ thứ ba Lisa Bonder, một vận động viên tennis mà sắc đẹp tỷ lệ nghịch với thành tích thi đấu thể thao. Cô nàng này kém Kerkorian 50 tuổi. Hai người kết hôn năm 1999, khi Kerkorian đã 82 tuổi. Cuộc hôn nhân này kéo dài được đúng một tháng. Cô vợ trẻ đòi Kerkorian phải trả tiền nuôi đứa con chung 300.000 USD/tháng. Kerkorian cho kiểm định ADN và kết quả là đứa con không phải của ông. Kerkorian không bị mất tiền, nhưng lại trở thành trò cười cho thiên hạ.

Năm 1990, Kerkorian bỏ ra một khoản tiền lớn mua cổ phiếu của hãng ô tô Chrysler. Nhà đầu cơ này không chỉ yêu thích ô tô đến cuồng tín, mà còn có tham vọng trở thành ông chủ hãng chế tạo ô tô nổi tiếng này. Năm năm sau, Kerkorian mở cuộc tấn công giành quyền kiểm soát hãng này nhưng thất bại, và đương nhiên ông đã mất không ít tiền. Năm 2005, Kerkorian khi đó đã 88 tuổi, có ý định tương tự với hãng General Motors, nhưng rồi cũng không thành công. Năm nay, Kerkorian nuôi ý đồ tấn công vào thành lũy của hãng Ford. Xem ra, cả hai niềm đam mê nhất này của Kerkorian đều không mang lại thành công cho nhà đầu cơ trứ danh này. Cũng dễ hiểu, vì mấy ai đã may mắn tới mức muốn gì được nấy, chỉ thành mà không bại, chỉ vui mà không buồn. Thăng trầm âu cũng là lẽ thường ở đời. Kerkorian không phải không biết điều đó và cũng chẳng hối hận, vì ông cho rằng rất đáng để trả giá cho những đam mê đó.

Trong thế giới đầu cơ còn lưu truyền một câu cửa miệng của Kerkorian: “Hãy làm việc như thể sống mãi không chết và hãy chơi như thể ngày mai sẽ chết”.
PHẠM NGỌC TÚ
#32 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:51:37(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nicola Horlik - Nữ "siêu nhân" trong cuộc chơi chứng khoán

Nếu như Hetty Green được mệnh danh là “Mụ phù thủy Phố Wall” từ hồi đầu thế kỷ 20 thì trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ ấy có một người phụ nữ khác được mệnh danh là “siêu nữ nhân”. Đó là Nicola Horlik.

Nicola Horlik không đầu cơ bằng vốn riêng của mình mà bằng vốn của người khác
Cả Hetty Green và Nicola Horlik đều giàu lên từ đầu cơ. Cả hai đều khiến đồng nghiệp và dư luận nể phục. Cả hai đều viết nên trang sử riêng trên thị trường chứng khoán. Nhưng mỗi người có cách đầu cơ thành công khác nhau và triết lý cuộc sống khác nhau.

Bất hạnh bất ngờ

Nicola sinh năm 1960 ở Nottingham (Anh), theo học tại Trường Đại học tổng hợp Oxford nổi tiếng, năm 1983 gia nhập công ty SC Warburg trước khi đến với tập đoàn Morgan Grenfell năm 1992. Tại đây, Nicola phụ trách mảng kinh doanh đầu tư của các quỹ hưu trí. Năm 1997, Nicola chuyển sang làm việc cho ngân hàng Societe General của Pháp. Năm 2005, cô thành lập công ty đầu tư chứng khoán riêng với tên gọi là Bramdean Asset Management.

Quản lý quỹ, nhất là các quỹ đầu cơ (hedge fund) là một trong những lĩnh vực kinh doanh đầy thách thức. Mỗi lần xảy ra khủng hoảng tài chính và náo động trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu cơ thường bị nêu danh và phê phán như tội đồ, còn các nhà quản lý quỹ thì bị coi như thủ phạm. Những chính trị gia cơ hội chủ nghĩa lại thường lên tiếng đòi kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các quỹ này và những nhà quản lý chúng. Nicola Horlik thành công trong điều hành hoạt động đầu tư và đầu cơ bao nhiêu thì lại bất hạnh trong đời tư bấy nhiêu. Người phụ nữ này có 6 con và một trong những lý do để Nicola được coi là “nữ siêu nhân” cũng ở đó. 6 đứa con này là kết quả của một cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm. Với số tài sản cá nhân hơn 30 triệu EURO, với danh tiếng nổi như cồn trên thị trường chứng khoán và trong thế giới đầu cơ, với một gia đình đông con và cuộc hôn nhân bền chặt như vậy - hạnh phúc và may mắn dường như đều đã tới với Nicola. Nhưng số phận vốn không mỉm cười lâu với riêng ai. Năm 1998, cô con gái đầu lòng của Nicola bị chết vì bệnh máu trắng. Năm 2003 vợ chồng họ chia tay nhau sau hơn 20 năm chung sống.

Với ai khác thì những chuyện đó có thể là bình thường, nhưng với Nicola thì lại khác. Cô là người coi trọng cuộc sống gia đình hơn kinh doanh kiếm tiền, coi hạnh phúc gia đình hơn là giàu sang và nổi tiếng. Cuốn sách cô viết kể về những trải nghiệm trong thế giới tài chính ở London mang tên “Bạn có thể có được tất cả hay không?” được đánh giá và tiếp nhận như một cẩm nang đầu tư thông qua các quỹ đầu cơ. Trong đó, chính cô đã đưa ra câu trả lời cho riêng mình, nhưng cũng để cho hậu thế là: Tiền bạc có thể quan trọng, nhưng quan trọng hơn là một cuộc sống gia đình tốt đẹp. Tiền bạc có thể làm cho người ta trở nên giàu sang, nhưng cũng có thể làm họ trở thành bệnh hoạn. Cái chết của đứa con đầu lòng và sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân vốn đã trải qua thời gian đến mức tưởng như không thể đổ vỡ được là hai cú đòn số phận giáng xuống Nicola. Cái mà người phụ nữ này vốn tôn thờ đã tan biến. Bài học mà Nicola rút ra được từ chính cuộc đời mình là, thành đạt trên lĩnh vực kinh doanh không phải là sự đảm bảo tất yếu cho cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Vượt lên số phận

Những cú đòn số phận ấy đã ảnh hưởng rất đáng kể tới triết lý đầu cơ của Nicola Horlik. Cô không đầu cơ bằng vốn riêng của mình vì số tài sản riêng quá nhỏ so với số tiền cần phải có để tiến hành các phi vụ đầu cơ. Cô đầu cơ bằng vốn của người khác với danh nghĩa là người quản lý các quỹ đầu tư. Cô hiểu rằng bởi mạnh vì gạo, bạo vì tiền nên rất nhiều người không thể tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán với số vốn ít ỏi, nhưng đầu tư vào đó lại là cơ hội để họ làm giàu, hoặc ít ra có thêm tiền. Để huy động vốn ở bộ phận công dân này, cô nêu ra khẩu hiệu “Tất cả trở nên giàu có”. Cô hạ thấp mức độ góp vốn tối thiểu xuống chỉ còn 1.000 EURO, tức là bằng một phần ba so với các quỹ khác tương tự. Mức phí quản lý quỹ của quỹ cô cũng thấp hơn (chỉ 1,5% trong khi các quỹ khác là 2%), dù tỷ lệ lợi nhuận được hưởng của quỹ cô cũng thấp hơn (15% trong khi các quỹ khác là 20%).

Một triết lý đầu tư khác nữa của Nicola Horlik là chắc chắn và thận trọng, nhưng phải thắng trong mọi chiều hướng diễn biến của thị trường, có nghĩa là phải xây dựng chiến lược đầu tư sao cho giá chứng khoán tăng hay giảm đều vẫn kiếm được lời. Thuật ngữ chuyên môn của chiến lược này là “long only”. Nghe về lý thuyết thì dễ, nhưng thực hiện mới khó vì phải phân tích đúng tình hình thị trường, dự báo chính xác xu thế tương lai và phải rất quyết đoán thì mới có thể thành công. Nicola Horlik nổi danh với chiến lược này tới mức còn được đặt cho biệt danh là “Bà Long Only”, bao hàm cả nể phục lẫn ganh tỵ.

Không có những phi vụ đầu cơ giật gân và tầm cỡ, nhưng bù lại lần nào cũng thắng; không kiếm được khoảng lời lớn trong thời gian nhanh nhất nhưng bù lại chưa lần nào thất bại; đó là nền tảng cho uy tín cá nhân của nhà đầu cơ này và chỉ như vậy thôi cũng đủ để Nicola Horlik được coi như một cây đa cây đề trên thị trường chứng khoán và thế giới tài chính ở London. Không chỉ ở đó mà ở trong thế giới tài chính và đầu cơ nói chung, số phụ nữ trụ vững được và thành đạt vốn đâu có nhiều.

Nicola Horlik vốn không phải người đã phát minh ra cái gọi là “đầu cơ thay thế”, nhưng đã đưa lại cho nó diện mạo và nội hàm mới. Cô gọi đó là “dân chủ hóa thị trường chứng khoán”, và trên thực tế nó là một trong những cách quảng cáo đắc dụng nhất cho thị trường chứng khoán..

Một trong những phi vụ mới đây nhất của Nicola Horlik là thành lập một quỹ đầu tư trị giá 250 triệu EURO, với mệnh giá của mỗi chứng chỉ quỹ chỉ là 100 cents. Ban đầu, những công ty có máu mặt trên thị trường chứng khoán không tin rằng Nicola có thể thương mại hóa được loại chứng chỉ quỹ với mệnh giá rất thấp như vậy. Nhưng chỉ một năm sau, họ đều phải công nhận Nicola Horlik đã thành công.

Có thể số phận đã mỉm cười trở lại với Nicola Horlik khi công chuyện làm ăn thành công và một cuộc hôn nhân mới cũng đã được tác thành. Nhưng những gì mà Nicola tâm niệm và tâm đắc vẫn không thay đổi. Một phần tư thu nhập cá nhân hàng năm của mình được cô sử dụng vào các mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong thế giới tài chính và mọi hoạt động đầu cơ, cô vẫn cố gắng hành xử như một con người chứ không phải một cỗ máy làm ra tiền. Tiền là cần thiết và quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Có người coi đó là sáo rỗng, nhưng đối với Nicola Horlik thì đó là một nhận thức phải trả giá một cách đau đớn.
PHẠM NGỌC TÚ
#33 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:52:40(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Hetty Green - Mụ phù thủy Phố Wall

Thế giới đầu tư tài chính khắc nghiệt, đặc biệt là ở Phố Wall, dường như lâu nay chỉ dành cho đàn ông. Thế nhưng, có một phụ nữ đã ghi danh của mình tại đây từ rất sớm.

Hetty Green là người phụ nữ giàu nhất thế giới và cũng bị ghét, bị ganh tỵ nhất thế giới
Đầu thế kỷ 20, ở nước Mỹ có một bài hát rất được ưa chuộng về một người phụ nữ không được ưa chuộng. Đó là bài hát “If I were as rich as Hetty Green” (tạm dịch là: Giá tôi giàu như Hetty Green). Tên của bà không chỉ đơn thuần là Hetty Green, mà còn luôn đi cùng với một biệt danh. Biệt danh đó cũng độc nhất vô nhị: Mụ phù thủy Phố Wall. Ở Phố Wall, số người thành công và có cá tính không ít, nhưng chỉ có một phù thủy.

Hetty Green là người phụ nữ duy nhất trong hai trăm năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ thành đạt trong thế giới Phố Wall

Bài hát ấy và cái biệt danh ấy đủ để khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh, đầu cơ của bà. Bà được coi là người phụ nữ giàu nhất thế giới và cũng bị ghét, bị ganh tỵ nhất thế giới. Bà nổi tiếng về tài đầu cơ, về khả năng kiếm tiền, nhưng đồng thời cũng cả về tính tiết kiệm đến keo kiệt bủn xỉn. Bà là hiện thân của khá nhiều nghịch lý ở nước Mỹ và trong thế giới đầu cơ thời đó. Ngày nay, ở nước Mỹ có không ít công trình công cộng và nhân đạo mang tên bà, cho dù cái biệt danh nói trên đã bị thời gian phủ bụi đến mức chỉ còn thoang thoảng như một giai thoại trong lịch sử Phố Wall.
Có thể nói, Hetty Green là người phụ nữ duy nhất trong hai trăm năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ thành đạt trong thế giới Phố Wall – nơi đến tận bây giờ vẫn được coi là chỉ dành cho đàn ông là chính. Cho dù mức độ giàu có ngày càng tăng, nhưng Hetty Green vẫn chỉ luôn vận bộ váy áo cũ, luôn ăn ở tiệm ăn rẻ tiền với món ăn rẻ tiền, ở thuê trong căn hộ thuộc loại xoàng xĩnh cho dù sở hữu không biết bao nhiêu bất động sản. Nét mặt bà luôn nghiêm nghị, khó chịu và rất hiếm khi thấy bà cười. Tạp chí Broadway Magazine bầu bà là “người phụ nữ ít hạnh phúc nhất”. Bà đam mê kiếm tiền và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng gần như lại không sử dụng số tiền ấy cho chính mình. Tài kiếm tiền, tính tiết kiệm thái quá và diện mạo bề ngoài là gốc rễ của cái biệt danh nói trên.

Những gì hậu thế kể về bà đều giống như huyền thoại, không biết cái gì là thật và cái gì chỉ là lưu truyền. Thông tin về bà hiện tại không thống nhất, thậm chí còn có phần trái ngược nhau, làm cho chuyện về bà càng thêm bí hiểm. Chẳng hạn như việc bà có được hay không được thừa kế khoản tiền hơn 7 triệu USD của cha cũng chẳng bao giờ có thể được xác minh rõ.

Chỉ biết rằng Henrietta Howland Robinson Green, tên họ khai sinh là Robinson, tên gọi thân mật là Hetty sinh ngày 21-11-1834 ở New Bedford/Massachusetts, mất ngày 3-7-1916 ở New York City. Bố mẹ bà là chủ của một hạm đội tàu thuyền săn cá voi và là triệu phú. Năm lên sáu, Hetty đã đọc báo chí kinh tế và đã mở tài khoản riêng, năm 13 tuổi đã phụ trách toàn bộ mảng việc kế toán trong công ty của bố mẹ, hay nói cách khác, bà liên quan đến tiền và chứng khoán từ rất sớm. Bố bà mất năm 1846. Có người cho rằng bà được thừa kế tài sản của bố, có người lại bảo bà chỉ được hưởng khoản tiền hàng tháng nhất định. Điều chắc chắn là năm 1868, Hetty chuyển sang nước Anh và kết hôn với triệu phú Edward Green. Họ có với nhau một con trai và một con gái.

Nước Anh cũng là nơi bà thành công với phi vụ đầu cơ đầu tiên: mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Thời đó, chính phủ Mỹ của tổng thống Abraham Lincoln trang trải tài chính cho cuộc nội chiến bằng phát hành trái phiếu chính phủ. Năm 1865, nội chiến kết thúc nhưng gần như tất cả - trừ Hetty Green - các nhà đầu tư và đầu cơ đều không tin rằng chính phủ tuy thắng trận nhưng không thể phục hồi được kinh tế và phát triển đất nước. Vì thế, giá trái phiếu tiếp tục giảm. Hetty dùng tất cả tiền bạc mua về tất cả trái phiếu có thể mua được bất chấp mọi can ngăn, cười chê và nhạo báng. Và rồi chuyện xảy ra đúng như dự đoán của Hetty. Nước Mỹ không chỉ tái thống nhất mà còn dần phục hồi. Trái phiếu chính phủ Mỹ lại tăng giá, giúp cho Hetty trong vòng không đầy một năm kiếm được 1,25 triệu USD. Thành công đó còn giúp Hetty tự tin đủ mức để trở lại Mỹ với mục đích chinh phục Phố Wall.

Vụ đầu cơ nổi tiếng thứ hai của Hetty là đầu tư vào các công ty xe lửa ở Mỹ. Hetty cho rằng sau chiến tranh, nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng rất lớn và cấp thiết mà xe lửa sẽ được dành ưu tiên hàng đầu. Hetty tập trung mua cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp vào tất cả các hãng xe lửa, dù đó là xây dựng các tuyến đường sắt hay vận hành mạng lưới xe lửa trên khắp nước Mỹ. Kết quả là chỉ trong vòng có vài năm, Hetty tăng được gấp bốn lần số vốn bỏ ra.

Từ sau vụ này, Hetty Green chuyên tâm vào đầu cơ chứng khoán ở Phố Wall. Hàng ngày, người ta thấy Hetty trong bộ váy áo thường màu đen, nhàu cũ, đi bằng phương tiện giao thông công cộng từ căn hộ ở thuê đến Ngân hàng Chemical National Bank ở bên cạnh Phố Wall. Khi mua hay bán, khi nghiên cứu hay biết tin thắng đậm, người ta đều thấy nét mặt bà vẫn đăm đăm cau có, ít nói, hiếm khi cười. Hetty Green không liên minh, liên kết với ai, không đánh bóng tên tuổi mình bằng các hoạt động xã hội hay từ thiện như nhiều nhà triệu phú khác. Các con bà sau này dùng tiền bà để lại để làm từ thiện và các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng tại quê hương bà. Để bất cứ lúc nào cũng có thể thực hiện thành công các phi vụ đầu tư và đầu cơ quy mô lớn, Hetty Green luôn trữ sẵn hàng chục triệu USD tiền mặt hoặc bất động sản dễ bán. Thành công của Hetty Green ở Phố Wall được coi là bằng chứng sống động nhất - mà từ cách đây hơn một thế kỷ - là phụ nữ cũng có thể đầu tư và đầu cơ hiệu quả chẳng kém gì đàn ông ở Phố Wall, và thế giới đầu cơ không phải là thế giới của riêng đàn ông. Khi qua đời vì bị nhồi máu cơ tim, bà để lại tài sản ngang bằng với John D. Rockefeller và J.P. Morgan. Nếu tính về giá trị của đồng tiền thì với số tiền đó ở thời điểm bây giờ, Hetty Green còn giàu hơn cả Warren Buffett.

Nổi tiếng không kém tài kinh doanh là những mẩu chuyện về tính tiết kiệm đến keo kiệt bủn xỉn của bà. Chẳng hạn như còn lưu truyền câu chuyện về việc bà thức trắng cả đêm để tìm một cái tem 20 xu, về bà không cho đốt nến cắm trên bánh sinh nhật lần thứ 21 mà gỡ ra cất đi để dùng cho sinh nhật lần sau, về chỉ dùng 200 USD trong số tiền 1.200 USD bố cho để mua váy mặc trong lễ trưởng thành, về chỉ chi 30 xu cho một bữa ăn, về uống sữa lạnh để tiết kiệm tiền khí bếp. Nhưng nổi tiếng nhất là chuyện khi cậu con trai đi trượt tuyết bị tai nạn, bà không cho đi chữa chạy trong bệnh viện tốt nhất mà chỉ đến bệnh viện dành cho người nghèo để tiết kiệm, với kết quả là cậu ta bị nhiễm trùng tới mức phải cưa chân. Bà tự biện minh cho mình bằng lập luận rằng, ở nơi đó không mất tiền thật nhưng đâu phải vì thế mà việc chữa chạy không tốt. Người ta cũng còn kể lại câu chuyện có lần một cô gái lấy hết can đảm để hỏi bà làm thế nào để trở nên giàu có như bà. Hetty Green nhìn cô gái trẻ như quan tòa nhìn tội phạm rồi nói: “Bằng cách đừng bỏ nhiều tiền ra mua quần áo như cháu”. Cái biệt danh nổi tiếng “Mụ phù thủy Phố Wall” bao hàm sự nể phục và ganh tỵ, ghen ăn tức ở của các đồng nghiệp nhưng cũng còn bởi những cá tính của chính bà.

Không phải ai khác mà chính bà đã tổng kết bí quyết thành công của mình như sau: “Tôi mua vào khi chứng khoán rẻ và chẳng ai muốn mua chúng. Tôi giữ chúng lại cho tới khi giá chúng tăng cao và ai cũng muốn mua chúng”. Nghe thì thật đơn giản và đúng là bản chất của đầu cơ, nhưng mấy ai đã làm được như vậy. Chắc chắn chỉ có phù thủy thì mới làm lần nào thắng lần ấy - như Hetty Green.
PHẠM NGỌC TÚ
#34 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:53:44(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Thủ phạm của “ngày thứ sáu đen tối”

Thứ sáu, ngày 14/9/1869 đã đi vào lịch sử nước Mỹ với cái tên “Ngày thứ Sáu đen tối” khi mà giá vàng ở Mỹ bắt đầu tụt giá thảm hại, kích hoạt một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ. James Fisk chính là một trong những thủ phạm chính của sự kiện này.

James Fisk được coi là một trong những thủ phạm chính của sự kiện “Ngày thứ Sáu đen tối” tại Mỹ
“Bá tước ăn cướp” là một trong những khái niệm đặc trưng cho thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản khi nền kinh tế chưa bị điều tiết hay kiểm soát gì, dành để ám chỉ những nhà tư bản kiếm lời, làm giàu bất chấp thủ đoạn, coi nền kinh tế chẳng khác gì một sòng bạc không giới hạn. Không ít những nhà đại tư bản hay đại công nghiệp sau này của nước Mỹ đã từng là bá tước ăn cướp - như John D. Rockefeller hay Cornelius Vanderbilt - và nhờ đó mới có thể trở thành những con người như vậy. James Fisk không chỉ đơn thuần là một trong số đó, mà còn là người thành công và tai tiếng hơn cả, vinh quang và cũng bi thảm hơn cả, để lại dấu ấn thiên thu không phai mờ trong lịch sử kinh tế nước Mỹ. Trong cuộc đời và sự nghiệp đầu cơ ngắn ngủi của mình, James Fisk thắng tất cả những trận đầu cơ lưu truyền hậu thế, nhưng lại thua trong canh bạc mà Fisk luôn cho rằng dễ chơi và dễ thắng nhất, nhưng rồi lại chứng tỏ là khó lường và nguy hiểm nhất, đó là tình yêu.

James Fisk theo học ở trường ít đến mức có thể coi như không đi học. Ngay từ rất nhỏ ông đã theo cha đi bán hàng lưu động, rồi tham gia một đoàn xiếc nhưng chẳng được bao lâu lại trở về hành nghề cùng cha và cũng chẳng bao lâu sau đó xây dựng gánh hàng của cha trở thành một công ty thực thụ và làm ăn phát đạt với 5 cỗ xe ngựa và cả tá nhân viên. Chính vì thế mà James lọt vào tầm ngắm của tập đoàn thương mại Jordan and Marsh đóng trụ sở ở thành phố Boston và được tập đoàn này tuyển dụng làm đại diện. Sự kiện này là dấu mốc trọng đại đầu tiên trong cuộc đời của James. Nó đã mở ra cánh cửa bước vào thế giới kinh doanh lớn và đầu cơ vốn vẫn luôn là tham vọng và sở trường của James.

Ngày 12/4/1861 là dấu mốc trọng đại thứ hai trong cuộc đời James, đó là ngày bùng nổ cuộc nội chiến ở Mỹ. James nhận ra được ngay cơ hội mà cuộc chiến tranh này đem lại cho mình. Nếu được coi là nhà cung ứng hậu cần cho quân đội thì không chỉ có thể kinh doanh kiếm lời từ những gì cung ứng cho quân đội vốn được ưu tiên hàng đầu, mà còn cả từ những gì quân đội có mà không cần đến nhưng bên ngoài lại khan hiếm. Hơn nữa, cái hỗn loạn của chiến tranh cũng như danh nghĩa cung ứng hậu cần cho quân đội là điều kiện tốt nhất để buôn lậu. James vận động, tranh thủ, lôi kéo, mua chuộc, hối lộ, gài bẫy và dọa ép gần như tất cả những nhân vật chủ chốt trong quân đội mà James tiếp cận được để giành lấy độc quyền ấy. Mua rẻ, bán đắt và buôn lậu chi phối hành động của James, chứ không phải mua của ai và bán cho ai. Cuộc nội chiến này đã giúp miền Bắc nước Mỹ đánh bại miền Nam và giúp James trở thành người giàu có cũng như tự tin đủ mức để bắt đầu cuộc chinh phục Phố Wall ở New York.

Những phi vụ đầu cơ ra mắt Phố Wall của James bị thất bại, trừ lần đầu cơ vào trái phiếu của những bang miền Nam trong thời gian rất ngắn sau nội chiến khiến James phải từ bỏ đầu cơ chứng khoán chuyển sang kinh doanh hàng dệt và may mặc. Nhưng công ty này của James bị phá sản sau đó không lâu. Kinh doanh thất bại, nhưng bài học có được từ đó lại đắt giá: đầu cơ chứng khoán mới là nơi James tung hoành, Phố Wall mới là đỉnh cao cần chinh phục. Đối với James, vấn đề không phải là tiền, mà là phiêu lưu mạo hiểm, cuộc chơi càng mạo hiểm thì lại càng hấp dẫn và càng đáng để chơi.

James trở lại Phố Wall và có được bước ngoặt tiếp theo của đời mình là gặp Daniel Drew, một doanh nhân cũng bất chấp thủ đoạn không kém gì James, nhưng cao tuổi hơn và lão luyện hơn trên thương trường. Ý định của James lừa Drew không thành, nhưng lại gây ấn tượng sâu đậm ở Drew tới mức người này mời James cùng cộng sự. Lúc đó, Drew đang sống mái với ông trùm về đường sắt nước Mỹ Cornelius Vanderbilt để giành giật công ty Erie Railroad có tuyến đường sắt từ New York tới biên giới Mỹ - Canada. Drew và Vanderbilt vốn là cừu thù của nhau từ lâu. Năm 1866, Vanderbilt quyết tâm giành quyền kiểm soát Erie Railroad mà cho tới khi đó Drew nắm giữ đa số cổ phiếu. Cách làm của Vanderbilt cổ điển đến mức dễ bị nhận thấy và bị lừa cho nên đã bị Drew và Fisk đưa vào bẫy. Đầu năm 1866, Drew bỏ tiền túi ra cho công ty Erie Railroad vay 3,5 triệu USD, đổi lại nhận được quyền sở hữu 58.000 cổ phiếu của công ty đường sắt này. Drew và Fisk nêu mục đích là nâng cấp tuyến đường sắt, nhưng trên thực tế nhằm hạ giá cổ phiếu để gây thiệt hại cho Vanderbilt. Họ lập hẳn một xưởng in riêng để in số cổ phiếu nói trên, chờ thời điểm thuận lợi và tung cùng một lúc ra thị trường. Chỉ trong vòng vài ngày, giá cổ phiếu của Erie Railroad giảm từ 80 cents xuống còn có 50,3 cents. Vanderbilt bị lỗ 5 triệu USD.

Để gỡ gạc, Vanderbilt tìm cách liên kết với Drew và Fisk nhằm đẩy giá cổ phiếu tăng bằng cách đổ tiền mua cổ phiếu. Hai người này thỏa thuận, nhưng lại không thực hiện thỏa thuận với Vanderbilt. Trong khi Vanderbilt mua vào thì họ lại bán ra. Vanderbilt mua chuộc và hối lộ cảnh sát cũng như tòa án ở nơi này để cấm Drew và Fisk hoạt động thì họ cũng làm như vậy ở bang khác để được hoạt động. Khi cuộc chiến giữa hai bên chính thức chấm dứt vào ngày 10-3-1866 thì cũng là lúc Vanderbilt bị thua thiệt tổng cộng hơn 8 triệu USD và Fisk đã gây dựng được vị thế vững chãi trong thế giới đầu cơ.

Nhưng lũng đoạn thị trường vàng ở Mỹ xem ra mới là thành tựu đầu cơ lớn nhất của Fisk. Fisk nhận ra cơ hội đó từ một hệ lụy của cuộc nội chiến: Chính phủ Mỹ dùng lạm phát để tài chi cho cuộc nội chiến bằng cách phát hành giấy bạc ngân hàng (được gọi là Greenback) không được bảo đảm bằng vàng, nhưng với cam kết là sau chiến tranh sẽ đổi lại ra vàng. Tổng thống Ulysses Grant khi tranh cử cũng dùng cam kết đó để vận động cử tri bỏ phiếu cho mình. James Fisk cùng với đối tác là Jay Gould âm mưu thống trị thị trường vàng trước khi chính phủ bán vàng ra để mua lại Greenback. Họ mua chuộc em rể của Tổng thống Grant để tác động Tổng thống trì hoãn việc bán vàng để cho họ có thời gian đầu cơ tích trữ vàng, đẩy giá vàng lên cao, nhưng sẽ bán đi trước thời điểm chính phủ bắt đầu bán vàng. Khi tổng thống Grant phát hiện ra và ra lệnh bán vàng ngay lập tức thì cũng đã quá muộn. Fisk và Gould đã tẩu tán hết số vàng đầu cơ và sau đó giá vàng sụt xuống thảm hại bắt đầu từ ngày Thứ Sáu, 14 - 9 - 1869, đẩy nền kinh tế nước Mỹ lâm vào khủng hoảng thực sự. Sự kiện đó đi vào lịch sử nước Mỹ với cái tên “Ngày thứ Sáu đen tối”, trở thành biểu tượng cho cơn ác mộng trên thị trường tài chính và chứng khoán. Fisk không dấu diếm cảm xúc riêng tư về sự việc này khi nói: “Chúng tôi được tất cả, chỉ mất có danh dự thôi”. Đối với Fisk, đầu cơ và danh dự là hai thứ mà muốn có được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia.

Nhưng sự đời lại thật trớ trêu. Fisk thành công trong đầu cơ bao nhiêu thì lại đen đủi bấy nhiêu trong chuyện tình ái. Tất cả tình yêu của Fisk đều dành cho một cô gái điếm cao cấp tên là Josie Mansfield. Fisk lo cho nàng cuộc sống vương giả trong xã hội New York đương thời, nhưng rồi về sau nàng lại phải lòng đối tác của Fisk là doanh nhân cũng rất thành đạt Edward Stokes. Cả hai lập mưu dùng những bức thư tình của Fisk gửi cho nàng để tống tiền Fisk. Cả hai đều không hiểu rằng ngay đến cả danh dự cũng đã được Fisk dùng để đầu cơ thì Fisk đâu có hãi mấy trò tống tiền ấy. Bực tức vì sự từ chối và khinh bỉ của Fisk, ngày 6/2/1872, Stokes đã bắn chết Fisk ngay tại cửa vào một khách sạn ở New York. Stokes chỉ bị đi tù có 6 năm, nhưng Fisk đã chết ở độ tuổi 37. Những tín đồ của môn đạo đầu cơ thương tiếc Fisk, còn đối thủ của Fisk thở phào nhẹ nhõm vì tất cả họ đều biết rằng, năng lực đầu cơ của Fisk đang rất sung mãn và nếu Fisk còn sống thì rồi không biết chuyện gì sẽ còn xảy ra trong thế giới đầu cơ.
PHẠM NGỌC TÚ
#35 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:54:49(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Cú lừa thế kỷ” của Madoff

Mặc dù cho tới nay Citigroup và các đại gia ngân hàng khác của Mỹ vẫn chưa dính tới vụ scandal của Madoff nhưng đây sẽ là một ví dụ điển hình về sự đáng tiếc xảy ra đối với lĩnh vực tài chính Mỹ.


Ponzi Bernard Madoff bị cáo buộc với 11 tội danh trong gian lận chứng khoán, tổng hình phạt lên tới 150 năm tù giam

Hiện nay những thua lỗ của tập đoàn Madoff vẫn đang được thanh tra. Tuy nhiên dù các công ty tài chính Mỹ tránh được tác động lớn của bi kịch này cũng sẽ không cứu vãn nổi danh tiếng đã bị đổ vỡ của họ.
Tập đoàn chứng khoán đầu tư Bernard L. Madoff Investment Securities đã chính thức sụp đổ từ ngày thứ 5 (11/12) khi Madoff - nhà sáng lập ra công ty giao dịch môi giới này - bị bắt giữ với tội danh tẩu tán 50 tỷ USD của các nhà đầu tư bằng một kế hoạch hình tháp hoạt động lâu dài. Sự sụp đổ của công ty Madoff đã cướp đi hàng nghìn khoản tiết kiệm của các nhà đầu tư.

Cho đến nay chưa có ngân hàng đầu tư lớn nào của Mỹ lên tiếng về những thiệt hại của họ do đầu tư vào công ty Madoff. Ngân hàng Mỹ (Bank of America) và Citigroup đã từ chối bình luận về khả năng thiệt hại do đầu tư vào Madoff. Và, JP Morgan cũng không trả lời ngay trước những kêu gọi làm rõ vụ scandal này.

Goldman Sachs đã không đề cập đến “tội danh nào của Madoff” khi thông báo mức thua lỗ tài chính quý IV với 2,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi xem liệu Morgan Stanley sẽ nói gì về các đầu tư liên quan đến Madoff khi thông báo kết quả quý IV của họ. Cổ phiếu của các ngân hàng đã sụt giảm giá trị đột ngột trong những ngày gần đây, điển hình JP Morgan với mức sụt giảm gần 8% theo chân của Merril Lynch. Rõ ràng rằng việc lật tẩy một “cú lừa ngoạn mục” trong thời điểm đầy khó khăn của các nhà đầu tư trong hàng thập kỷ nay đã không cứu vãn được niềm tin của các nhà đầu tư. Nhà kinh tế của Merri Lynch, ông David Rosenberg đã nhấn mạnh sự vụ của Madoff như một tác lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư. Thua lỗ lớn nhất trong vụ này là do các công ty đầu cơ đã hướng các nhà đầu tư lớn tới công ty Madoff và một số ngân hàng nước ngoài lớn.

HSBC, ngân hàng lớn có trụ sở tại Anh cho biết họ có thể thua lỗ khoảng 1 tỷ USD trong vụ của Madoff. Liên quan đến “cú lừa” này còn có các ngân hàng BNP Paribas của Pháp và Royal Bank of Scotland. Và, Banco santander - ngân hàng Tây Ban Nha, tổ chức tài chính lớn nhất của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu – cũng cho biết họ đã đầu tư 3 tỷ USD của khách hàng vào Madoff qua dịch vụ đầu tư tối ưu. Tuy nhiên nếu các con số tổng thua lỗ này chưa đủ để làm sợ hãi các tổ chức tài chính với tờ quyết toán trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD thì họ cũng sẽ không hành động được gì để lay chuyển những mối nghi ngờ rằng lĩnh vực tài chính đã thất bại nặng nề trong việc thực hiện nghĩa vụ định hướng cho khách hàng tránh khỏi những đầu tư có vấn đề.

Khi Madoff sụp đổ hàng loạt đợt sóng thủy triều của thị trường dâng lên làm cho các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu đã mất điểm tới 40-50% thậm chí các nhà đầu tư đặc biệt mánh khóe cũng đã bị đánh gục.
PHẠM NGỌC TÚ
#36 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:55:50(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
George Soros: Thiên tài hay tội nhân?

Trong thế giới đầu cơ có một cư dân kiếm được nhiều tiền và rất nhanh nhờ đầu cơ, lại không hề giấu diếm bí quyết đầu cơ và dùng rất nhiều tiền có được từ đầu cơ để làm chính trị. Cư dân này tự tin đến mức dám tuyên bố công khai rằng: “Tôi có thể làm thay đổi thế giới”. Người đó là George Soros.

George Soros là một trong những nhà đầu cơ có được nhiều biệt danh phụ nhất, thậm chí còn được coi là “nguyên thủ quốc gia không có quốc gia”.

Về mọi phương diện, con người này đều có những cá tính rất riêng.
Là người Do Thái, sinh năm 1930 ở Hungari, George Soros di cư sang Tây Âu năm 1946 và năm 1947 sang Anh, theo học Trường Đại học Khoa học chính trị và kinh tế London cho tới năm 1952 và sang Mỹ định cư từ năm 1956. Mấy dòng tiểu sử đơn giản ấy đủ để cho thấy hai nét đặc thù nhất xuyên suốt cả cuộc đời của nhà đầu cơ này là hoạt động kinh tế và chính trị, cụ thể hơn nữa là đầu cơ và dùng tiền có được từ đầu cơ để hậu thuẫn phe đối lập ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây cũng như tài trợ cho các hoạt động chính trị theo hướng xây dựng “xã hội mở” ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới sau này.

Chỉ qua một đêm trở thành huyền thoại

Mười hai năm đầu tiên ở nước Mỹ là thời kỳ học việc của George Soros, là thời kỳ Soros để tâm nghiên cứu kinh tế và theo dõi biến động thị trường để tìm ra những khe hở có thể lợi dụng được. Không có nhiều vốn liếng, Soros biết rằng không thể làm ăn lớn ngay được, không thể kiếm tiền nhanh ngay được, lại càng không thể có chuyện đầu tư lâu dài, cho dù đó là đầu tư vào công nghiệp hay dịch vụ, bất động sản hay chứng khoán. Đầu cơ không chỉ có sức lôi kéo quyến rũ. Soros đủ tri thức để hiểu rằng, muốn thành công thì cũng phải biết cách đầu cơ. Giải pháp của Soros rất đơn giản: không có vốn thì phải sử dụng vốn của kẻ khác; muốn kiếm tiền nhanh thì phải trốn thuế và phải liên danh với đối tác để giảm bớt rủi ro.

Cơ hội đến với George Soros năm 1968 khi ông gặp Jim Rogers. Công bằng mà nói thì gặp George Soros cũng là cơ hội đối với Jim Rogers. Cuộc hội ngộ này, không biết do tình cờ hay là chủ ý của số phận, đã mở đường cho cả hai về sau đều nổi danh trong thế giới đầu cơ. Cả hai thành lập ra cái gọi là Quỹ bảo lãnh đầu tư Quantum Funds để huy động vốn của kẻ khác và sử dụng số vốn đó để đầu tư, trả cho người góp vốn hoặc là lãi suất, hoặc là lợi tức từ các phi vụ đầu tư. Quỹ này được đăng ký tại Curacao, một hòn đảo ở ngoài khơi Venezuela, nơi được coi là một trong những thiên đường thuế thời đó mà các cơ quan kiểm soát tài chính và chứng khoán Mỹ không với tới được. Trong kinh doanh chứng khoán, việc sử dụng thông tin của người trong cuộc bị xử phạt rất nặng vì nó thường đem lại lợi nhuận rất lớn. Soros và Rogers đã xây dựng mạng lưới thông tin riêng để thu lượm và khai thác triệt để nguồn thông tin này. Cả hai giàu lên nhờ đầu cơ trên cơ sở ấy. Về sau, có người nói họ may mắn, nhưng cũng có kẻ đổ cho sự yếu kém của bộ máy quản lý và kiểm soát thị trường chứng khoán mà cả hai đều không bị phát hiện. Nhưng thời kỳ Soros và Rogers đường ai nấy đi mới là thời kỳ huy hoàng nhất của Soros.

Phi vụ đầu cơ nổi tiếng đầu tiên của Soros được thực hiện vào năm 1988. Ngày ấy, Soros vận hành liên hoàn giữa mua và bán cổ phiếu của ngân hàng Societe Generale, một ngân hàng lớn của Pháp, và kiếm được 2,2 triệu USD. Mãi đến năm 2006, một tòa án ở Pháp mới kết tội Soros sử dụng thông tin của người trong cuộc ở vụ đầu cơ này và đòi Soros phải hoàn trả tất cả lợi nhuận. Soros kháng án lên tận Tòa án Nhân quyền của châu Âu. Một phán xử như vậy vào năm 1988 đủ để hủy hoại toàn bộ sự nghiệp đầu cơ của Soros, nhưng lại chẳng làm được gì nhà đầu cơ này vào thời điểm năm 2006.

Nhưng nổi tiếng nhất là vụ đầu cơ đồng Bảng Anh mà lịch sử đầu cơ thế giới cũng như lịch sử tài chính thế giới gọi là “Ngày thứ Tư đen tối” - ngày 16/9/1992. Ngày ấy, Soros cho rằng đồng Bảng Anh được giữ ở tỷ giá quá cao và sẽ không thể trụ lại lâu ở mức độ đó. Soros dùng tất cả vốn liếng của mình và vay mượn bằng đồng Bảng Anh với hết khả năng của mình để bỏ ra mua về đồng Deutsche Mark và USD, khuấy động hẳn một làn sóng đầu cơ nhằm vào đồng Bảng Anh, đến mức khiến Ngân hàng Anh buộc phải phá giá đồng Bảng Anh và nước Anh buộc phải ra khỏi Hệ thống Tiền tệ châu Âu, còn Ngân hàng Anh thì phải trải qua quá trình cải tổ. Khi đồng Bảng Anh bị phá giá, Soros bỏ ngoại tệ kia ra mua lại Bảng Anh - đương nhiên với giá thấp hơn, thanh toán công nợ và thu về 1 tỷ USD chỉ sau có một đêm. Vụ đầu cơ này giúp Soros trở thành huyền thoại sống trong thế giới đầu cơ.

Năm 1993, mục tiêu tấn công của Soros là đồng Deutsche Mark của Đức, năm 1998 là đồng Rúp của Nga và năm 1999 là đồng Euro. Thời điểm 1997 - 1998, Soros nhằm vào đồng Baht của Thái Lan và vì thế bị coi là người đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á. Thủ tướng Malaysia Mahathir thời đó đã công khai đổ trách nhiệm cho Soros, cho dù chẳng ai có thể chứng minh được rõ ràng và Soros bác bỏ hoàn toàn mọi trách nhiệm. Dù thế nào thì chúng cũng giúp Soros càng thêm nổi tiếng và được nể vì. Năm 2007, Soros trù đoán là kinh tế Mỹ còn suy thoái và nhận ra cơ hội đầu cơ tuyệt vời sau nhiều năm giải nghệ. Kết quả là chỉ một năm sau, Soros thu về được hơn 1 tỷ USD. Việc hậu thuẫn tài chính cho những lực lượng đối lập ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây được coi là phi vụ đầu cơ chính trị đáng kể nhất của Soros và giúp Soros có được ảnh hưởng không nhỏ ở các quốc gia Đông Âu sau chiến tranh lạnh.

Công khai bí quyết

George Soros là một trong số rất ít nhà đầu cơ dám công khai bí quyết đầu cơ của mình. Qua những sách, bài viết, tham luận và trả lời phỏng vấn, người ta đã tổng kết nên 24 bí quyết đầu cơ thành công của Soros, trong đó nổi bật nhất là bí quyết “dám liều, nhưng liều có mức độ và thận trọng cao nhất có thể”. Nghe thì thấy rất dễ và không ai có thể phản bác được, nhưng thực hiện cụ thể mới là cái khó. Soros thực hiện đầu cơ rất thành công bởi nhà đầu cơ này rất am hiểu thị trường, am hiểu đến mức có thể đoán biết được trước phần nào diễn biến của thị trường trong thời gian tới. “Tôi hiểu thị trường tốt hơn những người khác. Vì thế tôi kiếm được tiền. Vì thế tôi nhận biết được những lỗi của thị trường”, Soros vẫn thường nói như vậy mà không hề cho rằng mình đã quá tự tin hay tự cao tự đại.

Soros chuyên đầu cơ tiền tệ và vì thị trường tiền tệ chịu tác động rất lớn bởi chính sách của các chính phủ và các ngân hàng trung ương quốc gia nên Soros luôn đặt hoạt động đầu cơ của mình trong mối liên hệ với các diễn biến trên chính trường. Những dự đoán của Soros làm cơ sở cho quyết định đầu cơ được dựa trên cơ sở ấy và triết lý đầu cơ của Soros cũng được đặt trên cơ sở ấy: dùng đầu cơ để tác động tới chính sách khiến chính sách buộc phải được điều chỉnh sao cho có lợi nhất cho hoạt động đầu cơ. Không phải lần nào Soros cũng thành công với chiến lược đầu cơ này, nhưng cho tới nay Soros vẫn luôn thắng ở những trận cần phải thắng nhất và đáng phải thắng nhất.

Đương nhiên, nhà đầu cơ trứ danh nào chẳng có tố chất năng khiếu đầu cơ bẩm sinh. Năng khiếu ấy cùng với tri thức và kinh nghiệm có được theo thời gian và ở thời khắc quyết định được xúc tác bằng tính liều lĩnh có tính toán chính là những thứ đã giúp Soros trở thành nhân vật có một không hai trong thế giới đầu cơ. Chứ còn những hoạt động chính trị của Soros chẳng phải là chuyện hiếm ở các cư dân của thế giới đầu cơ.
PHẠM NGỌC TÚ
#37 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:57:30(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
John Meriwether đã tham, lại liều

Trong thế giới đầu cơ John Meriwether thường được đưa ra làm ví dụ chứng minh cho lời răn “leo càng cao, ngã càng đau”. Nhà đầu cơ này được coi là hiện thận của sự tham lam và liều lĩnh.

Quỹ phòng ngừa rủi ro (Hegde Fund) vốn là công cụ đầu cơ được nhiều nhà đầu cơ ưa thích. John Meriwether cũng vậy. Cái khác ở nhà đầu cơ này chỉ là cách sử dụng. Đối với Meriwether, quỹ bảo lãnh đầu tư chỉ có chức năng và giá trị duy nhất là giúp huy động được vốn của kẻ khác một cách hợp pháp.

Cùng công cụ, khác cách dùng

Meriwether sinh ra trong gia đình không nghèo ở Mỹ, nhưng cũng chẳng phải thuộc diện giàu sang. Theo học ở những trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, nhưng bản thân ông ta cũng không có tiền để đầu cơ mà phải tính kế dùng tiền của người khác theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Ba lần khởi hành chinh phục thế giới đầu cơ, cả ba lần ông ta đều thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro: Long-Term Capital Management (LTCM) năm 1994, JWM Partners năm 1999 và JW Advisors năm 2010. Ngay từ đầu và kể cả sau hai lần thất bại cay đắng, Meriwether đều chỉ đánh bạc may rủi và đều chỉ muốn làm chơi ăn thật! Tung hoành ngang dọc trên thị trường tài chính thế giới thật đấy, nhưng mọi quỹ phòng ngừa rủi ro của Meriwether đều được đăng ký chính thức ở “những thiên đường trốn thuế” như đảo Cayman, nơi thuế lợi tức thấp và kiểm soát tài chính lỏng lẻo.

Mặc dù vậy, thời điểm hoàng kim, LTCM của Meriwether là quỹ phòng ngừa rủi ro lớn nhất thế giới: năm 1998, LTCM huy động được 4,7 tỷ USD tiền gửi và vay thêm được 120 tỷ USD. Tổng giá trị của tất cả các loại chứng khoán, công cụ và sản phẩm tài chính có liên quan đến LTCM lên tới 1500 tỷ USD - lớn hơn cả GDP của Áo hay Tây Ban Nha. John Meriwether thành công với LTCM tới mức được tạp chí Forbes gắn cho cái tên “Archimedes”, còn tạp chí Business Week gọi ông là “siêu nhân trong kinh doanh chứng khoán”.

Bí quyết thành công của Meriwether trước hết là tài thuyết phục được người có tiền nhàn rỗi và ham được lợi tức cao tin vào chiến lược đầu cơ của mình. (Con người dù khôn ngoan và tỉnh táo đến mấy, dù đã nếm trải biết bao kinh nghiệm thành công và thất bại, đã được bao lần cảnh báo và nhắc nhở vẫn rất dễ bị xiêu lòng trước những viễn cảnh đẹp và lời đường mật, cam kết và hứa hẹn của những kẻ không có tiền nhưng lại không thiếu tham vọng như Meriwether!). Nhưng cũng còn có một nhân tố khác nữa khiến người ngoài dễ bị Meriwether thuyết phục là ông ta đã thành công trong việc lôi kéo được rất nhiều nhà kinh doanh chứng khoán tài ba, nhiều giáo sư đại học và nhà khoa học nổi danh trên lĩnh vực khoa học tài chính cũng như nhiều chuyên gia tiền tệ về làm việc cho mình. Câu chuyện ngụ ngôn “cáo mượn oai hùm” đã chứng tỏ sự thâm thúy của nó ngay trên thương trường.

Trong số “hùm” ấy, đáng kể nhất là Myrton Scholes và Robert Merton. Hai nhà kinh tế học này được trao Giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế năm 1997 về một phương trình và công thức dùng để phân tích và dự báo biến động trên thị trường tài chính. Meriwether sử dụng chính công thức ấy làm triết lý và sự đảm bảo đầu cơ. Trong thế giới đầu cơ cho tới nay chưa có nhà đầu cơ nào sùng bái toán học để thực hiện các hoạt động đầu cơ của mình như Meriwether. Công thức ấy giúp Meriwether thành công, nhưng cũng làm ông ta lụn bại.

Scholes và Merton cùng nhau tìm ra được một công thức biểu hiện sự biến động về giá giữa hai loại chứng khoán khác nhau. Nếu như có được một chương trình máy tính theo dõi những biến động đó và phát hiện ra rằng chúng khác biệt so với bình thường thì có nghĩa là đã xuất hiện một trạng thái mới, nhưng sẽ không mãi như vậy, vì đến một lúc nào đó chúng sẽ lại phải trở về trạng thái cũ. Đúng vào lúc ấy, nếu biết cách đầu cơ thì sẽ lãi lớn. Đó chính là cách tư duy, suy tính và gốc rễ sâu xa của mọi quyết định đầu cơ của Meriwether. Meriwether không đầu cơ vào cổ phiếu, mà vào các loại chứng khoán được cấu trúc rất phức tạp trên thị trường tài chính. Ông ta đầu cơ vào sự biến động bất bình thường của mối quan hệ về giá của hai loại chứng khoán khác nhau. Meriwether thành công với LTCM suốt bốn năm trời chỉ nhờ cách thức đầu cơ ấy.

Giải phẫu thất bại

Cuối năm 1998, đồng Rúp của Nga bị phá giá và Chính phủ Nga buộc phải hoãn trả nợ. Thị trường chứng khoán thế giới trở nên hỗn loạn và chẳng còn theo bất cứ quy luật nào, bởi trước hết, nhân tố tâm lý và hiệu ứng đầu cơ từ đó cũng… chẳng theo bất cứ quy luật nào!

Nếu như không có động đất và giông tố trên thị trường tài chính thế giới thì tượng đài mà Meriwether tự xây dựng cho mình có thể đã không bị đổ vỡ

Và thế là tất cả những mô hình tính toán của LTCM đều mất tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Quá tin vào công thức toán học, Meriwether và LTCM xuống dốc không phanh, chỉ riêng trong mấy tháng cuối năm 1998 đã bị mất trắng hơn 3 tỷ USD. Khi đó, với quy mô vốn và vay của LCTM, quỹ bảo lãnh đầu tư này đã ăn sâu bén rễ vào thị trường tài chính thế giới đến mức sự sụp đổ của nó sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống. Cho nên Cục Dự trữ liên bang Mỹ và một loạt ngân hàng lớn khác ở Mỹ và châu Âu đã phải bỏ ra hơn 3,6 tỷ USD để khắc phục hậu quả của việc LTCM bị phá sản. Chỉ đến khi đó, người ngoài mới có được đầy đủ thông tin về mức độ liều lĩnh trong các hoạt động đầu cơ của Meriwether: số vốn thật của LTCM rất nhỏ so với số nợ và không cần phải chờ đến khủng hoảng mà vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian tồn tại của quỹ này những thành quả đầu cơ của Meriwether cũng không bao giờ đủ để trả nợ.
Vậy mà chỉ một năm sau, Meriwether lại thành lập ra một quỹ mới là JWM Partners. Bình mới đựng rượu cũ. Tất cả vẫn như xưa, từ triết lý đầu cơ đến phương cách thực hiện, từ cái vỏ bên ngoài đến tổ chức bộ máy nhân sự ở bên trong. Bi kịch của Meriwether có lẽ ở chỗ tham quá và liều quá. Đầu năm 2008, Meriwether tập trung đầu cơ vào trái phiếu chính phủ của Nhật thì cuối năm đó bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. JMW Partners kết thúc không khác gì LTCM đã kết thúc.

Đam mê đầu cơ, cuồng vọng làm giàu và bản chất liều lĩnh ở con người này lớn đến mức không chịu dừng bước. Năm 2010, Meriwether thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro mới là JM Advisors, vẫn bình mới rượu cũ như hai lần trước…

Thế giới đầu cơ về sau đã tổng kết 5 nguyên nhân thất bại của Meriwether để cảnh tỉnh hậu bối. Đó là quá tin tưởng vào kết quả phân tích kỹ thuật và không để ý thỏa đáng đến những nhân tố khác như chính trị và tâm lý; là bỏ qua những nguyên tắc sơ đẳng nhất về thận trọng trong đầu cơ; là lừa cả khách hàng, bạn hàng lẫn cơ quan kiểm soát ngân hàng và chứng khoán; là không có chiến lược kiểm soát rủi ro đầu cơ và không biết điểm dừng. Thế nhưng trong thế giới đầu cơ có không ít kẻ cho rằng Meriwether được coi là “nhà đầu cơ trứ danh” bởi chính 5 sai lầm đó!
PHẠM NGỌC TÚ
#38 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 01:59:51(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nhà đầu cơ Do Thái trứ danh: Dùng tiền lật ngược thế cờ

Samuel Oppennheimer đầu cơ không chỉ để thêm giàu có, mà để thay đổi thân phận của người do thái trong lãnh thổ của Đế chế Áo - Hung

Những cuộc chiến tranh giữa đế chế Osman của Thổ Nhĩ Kỳ và đế chế Áo - Hung trong thế kỷ 17 và 18 cũng còn là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Sau không ít thất bại và nhiều khốn đốn, quân đội Áo - Hung và đồng minh đã giải vây được cho thành Viên, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến chống sự xâm lăng, bảo vệ Châu Âu trước sự lan tỏa của Đạo Hồi và mở đầu cho sự tan vỡ của đế chế Osman. Về sau, đế chế Áo - Hung cũng sụp đổ và hậu thế chỉ nhờ sử sách để biết được rằng có một người do thái đã đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến này. Không có ông, quân đội Áo - Hung không còn là đối thủ của quân đội Osman.

Tận dụng đồng tiền

Dòng họ Oppenheimer sinh sống ở Đức và rất thành đạt trong kinh doanh. Thời đó, những thương gia thành đạt nhất và giàu có nhất thường là người do thái. Samuel Oppenheimer sinh ngày 21 - 6 - 1630 trong một gia đình như thế. Thời ấy ở khắp Châu Âu, các vương triều và giới quý tộc phong kiến đều là những con nợ lớn do nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống xa hoa và xây dựng cung điện, lâu đài, vui chơi quá lớn. Tầng lớp thương nhân do thái thường được hoàng gia và giới quý tộc cầu cạnh vì là các chủ nợ dễ bảo, lại vừa bị ghanh ghét vì thành đạt trong kinh doanh và giàu có. Samuel Oppenheimer là một trong số dó.

Phương pháp kinh doanh và đầu cơ của Oppenheimer rất đơn giản và hiệu quả: cho các vương triều vay tiền với lãi suất cao (từ 12 - 20%) và rồi sử dụng chính cái danh chủ nợ ấy để kinh doanh. Nhưng phi vụ đầu cơ lớn nhất và nổi tiếng nhất của Oppenheimer lại không phải ở nước Đức, mà ở Áo, với mục đích đầu cơ không chỉ để thêm giàu có, mà để làm thay đổi thân phận của người do thái trong lãnh thổ của Đế chế Áo - Hung.

Chiến lược của Oppennheimer là đề tài chính của triều đình phụ thuộc vào mình

Ngày nay, mỗi khi đề cập đến việc bài xích người do thái, thiên hạ thường nghĩ tới thời kỳ chủ nghĩa phát xít cầm quyền ở nước Đức và tới cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai. Nhưng thật ra thì trước đó từ rất lâu, người do thái ở Châu Âu đã bị bài xích.
Năm 1670, theo ý muốn của Hoàng hậu Margarita, Hoàng đế Áo - Hung Leopold Đệ Nhất đã quyết định đuổi tất cả người do thái ra khỏi khu vực lãnh thổ đế chế của mình. Mấy năm sau, Samuel Oppenheimer, lúc đó đã trở thành ông chủ ngân hàng thành đạt và nổi tiếng, mạo hiểm đến Viên để đòi nợ sau khi làm việc đó từ nước Đức không thành bởi quyết định đuổi người do thái cũng còn đồng thời là quyết định rũ bỏ mọi trách nhiệm trả nợ cho các chủ nợ người do thái. Oppenheimer bị bắt và tống giam ngay, chờ ngày ra pháp trường mà không được xét xử. Vào thời điểm đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vây ép sát thành Viên và chuyện công thành chỉ là vấn đề thời gian. Tình thế của quân đội Áo - Hung vô cùng khốn khó vì thiếu lương thực và vũ khí, không được đảm bảo hậu cần chu đáo và không thấy triển vọng tình trạng đó sớm được cải thiện. Ngân quỹ của triều đình lại trống rỗng và dẫu triều đình có ép thì cũng chẳng có chủ nợ nào có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tài chính của triều đình và cuộc chiến tranh. Các thương nhân do thái trở thành cứu cánh duy nhất. Họ bị tước bỏ hết các quyền nhưng lại có tiền. Họ không có tài chỉ huy trên chiến trường nhưng lại có tài trong tổ chức kinh doanh. Họ tuy bị ngược đãi và phân biệt đối xử nhưng vẫn muốn có tước vị và sự công nhận để thay đổi thân phận cho chính mình và các thế hệ sau bởi không phải ai cũng có ý định di cư sang châu lục khác.

Trong bối cảnh ấy và theo đề nghị của Hoàng tử Eugen, Samuel Oppenheimer được thả và được giới thiệu với Hoàng đế Leopold Đệ Nhất. Vị hoàng đế này không ưa gì người do thái nhưng không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải ủy thác cho Oppenheimer toàn quyền giải quyết việc cung ứng cho quân đội đang chiến đấu ở ngoại ô thành Viên.

Samuel Oppenheimer nhận lời vì đó trước hết là cơ hội thoát chết, nhưng đồng thời còn là canh bạc cuộc đời: nếu thắng thì sẽ được đổi phận cho chính mình và cho cộng đồng người do thái. Bí quyết thành công của Oppenheimer trong phi vụ này là đã đánh giá đúng khả năng của chính mình và thực trạng tài chính của triều đình. Oppenheimer biết rằng triều đình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào khả năng kinh doanh và tiềm lực tài chính của người do thái. Bởi thế, điểm mấu chốt quyết định nhất trong chiến lược của Oppenheimer là phải làm sao để toàn bộ nền tài chính của triều đình phụ thuộc vào mình. Đó là năm 1683.

Kết cục bất hạnh

Các sử gia sau này đánh giá khác nhau về cách làm của Oppenheimer. Người thì cho rằng đó là đầu cơ chính trị, kẻ lại coi đó là lũng đoạn về tài chính. Nhưng, điều họ luôn nhất trí với nhau là quyết tâm của Oppenheimer giúp quân đội Áo - Hung chiến thắng vì chỉ chiến thắng mới đưa lại bằng chứng về khả năng và công lao của người do thái. Sau khi có được danh chính ngôn thuận, Oppenheimer tổ chức một mạng lưới về nhân sự và cơ sở trong khắp đế chế để thu mua và vận chuyển lương thực, vũ khí và quân trang, vận chuyển quân đội và hệ thống kho tàng hậu cần. Oppenheimer cũng thiết lập mạng lưới thông tin tình báo ở khắp nơi, kể cả trong quân đội và triều đình, để chủ động đối phó trong mọi tình huống và trên mọi mặt trận.

Phần lớn số tiền mà Oppenheimer sử dụng đến để trợ giúp cho triều đình đều là đi vay, mà là cá nhân đi vay, với cam kết sẽ trả lại đủ sau khi chiến tranh kết thúc. Con tính của Oppenheimer là một khi thắng trận thì đế chế Osman sẽ phải bồi hoàn và cống nạp, khi đó triều đình sẽ hoàn trả những gì đã nợ Oppenheimer, kể cả vốn lẫn lãi. Còn nếu thất bại thì cùng lắm cũng chỉ lại vào tù chờ ngày bị hành quyết như trước. Những gì mà Oppenheimer nhân danh triều đình đi vay nợ - mà đúng hơn là triều đình nợ Oppenheimer - là khoản tiền lớn nhất trong ngân sách của triều đình và lãi suất cũng cao nhất, thậm chí tới 20%. Sau chiến tranh, triều đình nợ Oppenheimer tổng cộng hơn 6 triệu Gulden. Đó là năm 1697. Triều đình Áo - Hung đẩy lui được cuộc xâm lăng của đế chế Osman, nhưng cái giá phải trả không chỉ là sự lệ thuộc về tài chính vào Oppenheimer, mà còn là sự hiện diện trở lại của người do thái.

Hoàng đế Leopold Đệ Nhất tìm mọi cách để phá vỡ vị thế độc quyền của Oppenheimer nhưng không thành công, kể cả tống giam Oppenheimer thêm 2 lần nữa. Trong phi vụ đầu cơ này, Oppenheimer đã thành công trong mọi con tính và cuộc đấu trí với Hoàng đế Leopold Đệ Nhất.

Nhưng cuộc trả thù của triều đình lại diễn ra sau khi Samuel Oppenheimer qua đời ngày 3/5/1703 ở Viên. Để tránh phải trả nợ, triều đình buộc gia đình Oppenheimer tuyên bố phá sản. Do Oppenheimer toàn sử dụng tiền của kẻ khác để phục vụ cho triều đình nên sự phá sản này gây nên khủng hoảng thực sự đối với nền tài chính của triều đình và ở các trung tâm tài chính khác, từ Frankfurt đến London, từ Paris đến Roma. Không nơi nào sẵn sàng cho triều đình vay mà chỉ sẵn sàng cho Oppenheimer vay tiền. Không có ai trong triều hiểu cặn kẽ, biết tường tận cung cách kinh doanh và bí quyết đầu cơ của Oppenheimer. Những người con trai của Oppenheimer lại được trọng dụng để cứu vãn nền tài chính, nhưng cuộc trả thù của triều đình đã làm gia đình Oppenheimer lụn bại mà phải bao nhiêu năm sau, mới gượng dậy nổi.

Samuel Oppenheimer đã chiến thắng trong phi vụ đầu cơ đổi đời này nhưng số phận riêng lại đen đủi, là người có công lớn mà rồi nhanh chóng bị quên lãng. Ngày nay, tại nghĩa trang Rossau ở Viên, tấm bia mộ đơn giản trên ngôi mộ của Oppenheimer không nói lên được gì về những chuyện xảy ra mấy trăm năm trước. Bi kịch chính ở chỗ ông là người do thái, lại sống ở thời và nơi người do thái bị bài xích.
PHẠM NGỌC TÚ
#39 Đã gửi : 19/10/2013 lúc 02:00:57(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Dacid Ricardo: Đầu cơ để làm cách mạng

Bất cứ ai nghiên cứu kinh tế học đều không thể không biết đến David Ricardo. Thế nhưng, không phải ai cũng biết ông đã từng là một nhà đầu cơ chứng khoán xuất chúng.

Cùng với Adam Smith, David Ricardo được coi là một trong hai nhà kinh tế học kinh điển vĩ đại nhất ở thời trước Karl Marx. Nếu như Adam Smith đã phát hiện ra được “bàn tay vô hình của thị trường” thì David Ricardo lần đầu tiên đưa ra khái niệm “lợi thế so sánh về chi phí”, xây dựng nên “mô hình ngoại thương” và trường phái “chủ nghĩa tiền tệ” cũng như đặt nền móng lý thuyết cần thiết cho tự do hóa mậu dịch trong khuôn khổ quốc gia cũng như trên bình diện toàn cầu. Sự nổi tiếng của Ricardo trên lĩnh vực nghiên cứu chính trị kinh tế học và kinh tế đã làm lu mờ một thực tế là, trước khi sáng tạo ra những tác phẩm để đời như vậy ông đã đến với đầu cơ chứng khoán khi mới 14 tuổi. Chỉ 11 năm sau ông đã là một nhà đầu cơ chứng khoán rất thành công, trở thành một trong những người giàu có nhất ở nước Anh đương thời và không cần phải tiếp tục đầu cơ nữa. Sự tiếp xúc với chính trị kinh tế học và thức dậy niềm đam mê nghiên cứu chỉ là tình cờ đối với Ricardo, nhưng nếu không giàu có nhờ đầu cơ thì Ricardo đâu có được thời gian và tâm trí cần phải có để làm nên cuộc cách mạng trong chính trị kinh tế học thời ấy. Suốt cuộc đời mình, David Ricardo gần như không theo học bất kỳ trường lớp chính quy nào.

Dòng họ Ricardo có gốc do thái ở Bồ Đào Nha. Vào thế kỷ 17 họ di tản sang Italia, Hà Lan và rồi trụ lại ở Anh. Bố ông kinh doanh chứng khoán rất thành đạt ở Amsterdam và từ năm 1760 ở London. David Ricardo sinh ngày 19 - 4 - 1772 và được cha dẫn dắt vào thế giới buôn bán chứng khoán ngay từ khi mới 14 tuổi. Tuy là con thứ 3 trong tổng số 17 anh em, nhưng nhờ vào năng khiếu kinh doanh bẩm sinh mà chỉ vài năm sau David Ricardo đã được giao trọng trách quản lý toàn bộ công ty của gia đình. Nếu như việc tiếp cận với chứng khoán ngay từ khi còn nhỏ là bước ngoặt quyết định đối với cuộc đời Ricardo thì việc đoạn tình với cả tứ thân phụ mẫu vào năm 1793 là bước ngoặt quyết định thứ hai của ông. Anh chàng David 21 tuổi chấp nhận bị bố mẹ đẻ đuổi ra khỏi nhà, đoạn tuyệt tình cha con, và chấp nhận cả sự ghẻ lạnh của bố mẹ vợ tương lai chỉ để có thể kết hôn được với người mình yêu. Không được học hành và với hai bàn tay trắng, Ricardo chỉ có năng khiếu và kinh nghiệm 7 năm kinh doanh chứng khoán. Vì thế, sự lựa chọn duy nhất và cũng là thông minh nhất của ông là thành lập công ty chứng khoán riêng.

Thời đó, trên sàn giao dịch chứng khoán London có hai loại hình kinh doanh chứng khoán: loại buôn bán chứng khoán theo yêu cầu và ủy thác của khách hàng (stock broker) và loại tự doanh (stock jobber). Ngày ấy, buôn bán cổ phiếu bị luật pháp nước Anh hạn chế nghiêm ngặt cho nên đa phần chứng khoán được giao dịch trên thị trường chứng khoán là trái phiếu chính phủ.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu có thể lý giải thành công của David Ricardo trong đầu cơ chứng khoán ở Anh với 3 nguyên nhân sau.

Thứ nhất, nhân tố con người. Ricardo hoặc phải có năng khiếu bẩm sinh trong kinh doanh chứng khoán hoặc đã gặp rất nhiều may mắn trong kinh doanh hoặc đã trưởng thành vượt bậc trong 7 năm hành nghề cùng với cha mình. Một trong những nhận xét rất tinh tế của Ricardo từ quá trình theo dõi diễn biến thị trường và nghiên cứu tâm lý khách hàng là ông nhận thấy con người thường đánh giá quá cao ý nghĩa và tác động của những sự kiện, vụ việc ngắn hạn. Cho nên trong các quyết định đầu tư hay đầu cơ của mình, Ricardo luôn để ý tới những tác động lâu dài của các sự kiện chính trị, kinh tế và quân sự, tìm cách đi trước sự kiện chứ không chạy theo sự kiện.

Thứ hai, nhân tố thời thế. Thời Ricardo là thời chiến tranh giữa nước Pháp của Napoleon và nước Anh do Thủ tướng William Pitt trị vì. Những hậu quả về tài chính đối với nước Anh thật tai hại và một nửa nhu cầu tài chính cho cuộc chiến tranh của nước Anh chống lại nước Pháp được thủ tướng Pitt đáp ứng bằng vay nợ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ vô thời hạn mà lại với lãi suất cố định là 3%, có nghĩa là chỉ khi nào nhà nước mua lại trái phiếu thì khi đó người mua trái phiếu mới được thanh toán lại tiền. Vì thế, trái phiếu này trở thành món hàng kinh doanh và đầu cơ rất được ưa chuộng mà khi đó chính phủ chỉ dành cho các ngân hàng có tên tuổi. Chiến lược của Ricardo là gây dựng uy tín cá nhân và tập hợp lực lượng để trở thành một tổ hợp tài chính, đầu tư và đầu cơ có thể cạnh tranh được với các ngân hàng để giành được loại chứng khoán béo bở này.

Thứ ba, nhân tố cơ hội. Cơ hội đã đến với Ricardo vào năm 1807. Lần đầu tiên chính phủ Anh ủy thác cho tổ hợp của Ricardo - không phải ngân hàng có tên tuổi - bán trái phiếu ra thị trường. Sự kiện này đã biến nhà đầu cơ chứng khoán David Ricardo trở thành một ông chủ ngân hàng đầu tư. Phi vụ trước trót lọt mở đường cho phi vụ sau và lợi tức Ricardo thu về được từ đầu cơ trái phiếu chính phủ khi thấp nhất cũng là 3,8%, cao là ở mức 6,3%. Năm 1815, khi rời bỏ thị trường, Ricardo đã tích lũy được 700.000 Bảng Anh – một khoản tiền khổng lồ vào thời đó. Với số tiền kiếm được từ đầu cơ chứng khoán, Ricardo chuyển sang đầu cơ bất động sản, kinh doanh đất đai, dinh thự, điền trang và lâu đài, trong đó có cả khu Gatcome Park mà sau này bán lại cho Hoàng gia, hiện nay là nơi ở của Công chúa Anne, con gái của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị.

Dù vậy, hậu thế ngày nay mỗi khi nói đến David Ricardo lại thường chỉ quan tâm đến những tư tưởng của ông về kinh tế và chính trị kinh tế học. Năm 1799, do tình cờ mà ông đọc được cuốn sách nổi tiếng “Sự thịnh vượng của các quốc gia” của Adam Smith và để tâm đến chính trị kinh tế học từ đó. Rất có thể ông đã phát hiện ra đam mê mới để khi có đủ điều kiện vật chất thì chấm dứt hoạt động đầu cơ và chuyên tâm vào nghiên cứu kinh tế, chính trị kinh tế học.

Hậu thế xếp ông vào diện những người tiên phong ủng hộ mậu dịch tự do và chủ nghĩa tiền tệ, chống bảo hộ mậu dịch và nhà nước tăng vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Những nguyên lý của chính trị kinh tế học và đánh thuế” công bố năm 1817. Nhưng cả những bài viết trước và sau đó của ông đều bao hàm nhiều ý tưởng vĩ mô và đều được vận dụng ở các thời sau. Những phát kiến của ông được coi như một cuộc cách mạng thực sự về chính trị kinh tế học và quản lý kinh tế vĩ mô. Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”, Karl Marx đánh giá rất cao những công trình nghiên cứu của David Ricardo, đặc biệt liên quan đến quá trình làm ra và tăng giá trị trong nền sản xuất tư sản. Không ít chính trị gia và học giả ngày nay vẫn viện dẫn Ricardo để lập luận cho những quan điểm hay quyết định chính sách của mình. Ricardo mất năm 1823 vì bệnh ở tuổi 51. Những công trình nghiên cứu đem lại cho ông danh tiếng của một nhà lý luận kinh tế học kinh điển vĩ đại nhất trước Karl Marx và một nhà cách mạng.
PHẠM NGỌC TÚ
#40 Đã gửi : 21/10/2013 lúc 10:00:34(UTC)

Cảm ơn: 13 lần
Được cảm ơn: 45 lần trong 37 bài viết
Nicholas Roditi - "Lãnh chúa ẩn mình" đằng sau George Soros

Thế giới tài chính nhắc đến George Soros như nhà tiên tri, ông vua chứng khoán. Còn vũ khí tối thượng của đế chế Soros ở phố Wall lại là một cái tên khác, Nick Roditi.

Phố Wall như một lẽ đương nhiên không cần bàn cãi đó là thị trường tài chính nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng có những con người gắn với sự thịnh suy nơi đây cũng làm khắp thế giới đổ dồn mọi cặp mắt để dõi theo.

George Soros, kẻ khuynh đảo dòng tiền

Thế giới nay đã không lạ với trùm tài phiệt, tỷ phú mang tên George Soros, kẻ đã từng có những dự đoán ma mị, đầu tư không tưởng, nhiều lần liều lĩnh tung hứng với những con số chứng khoán để trong nháy mắt ẵm cả một gia tài. Cái tên Soros song hành được xưng tụng như một anh hùng vì những công cuộc từ thiện và một tội đồ vì các phi vụ đầu cơ phá hỏng cả định chế tài chính của một quốc gia. Năm 1992, với khoản tiền đầu tư 10 tỷ USD vào đồng bảng Anh sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, chỉ trong một tuần ông đã mang về cho mình hơn 1 tỷ USD lợi nhuận khiến đồng bảng Anh chới với. Ngay cả sự kiện khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái do đồng baht Thái bị phá giá xuống còn một nửa, Soros không thoát khỏi vòng nghi ngờ đã nhúng tay vào gây nên hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến cả thị trường Mỹ.

G. Soros tổ tiên gốc Do Thái nhưng ra đời tại Hungary năm 1930 với tên Schwartz. Sáu năm sau, ông đổi tên thành Soros nhằm tránh họa diệt chủng phát xít. Điều đặc biệt, theo quốc tế ngữ Esperanto, Soros khi đọc ngược đọc xuôi đều mang ý nghĩa “vút cao”. Năm 1947, ông sang Anh làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. 18 tuổi, Soros vào Học viện Kinh tế London nhờ vào số tiền làm thuê dành dụm được. Năm 1952, tốt nghiệp rồi thử việc tại công ty Singer & Friedlander, nhưng do “trái ngành nghề” ông liền sang phục vụ cho một công ty chứng khoán tại New York, Mỹ. Năm 1956, George Soros đến Mỹ chỉ với 5.000 USD nhưng với hoài bão trở thành nhà tài chính chuyên nghiệp. Mười ba năm sau, với 4 triệu USD, Soros lập quỹ Quantum. Chỉ sau một thập niên con số này đã là 300 triệu USD và sau đó cứ tăng dần, có giai đoạn đỉnh điểm lên đến 12 tỷ USD. Các quỹ của Soros luôn là những điều bí ẩn cho giới đầu tư. Một phần do nguyên tắc điều hành, một phần do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quỹ này.


Nguyên tắc đầu tư của Soros đa phần dựa vào trực quan, linh cảm của một con buôn. Nhiều người cho rằng, Soros luôn đi ngược đường và nghĩ khác với những quy tắc đầu tư, nhưng theo ông, những nơi nhạy cảm, bất ổn chính là nhưng nơi sinh lợi nhiều nhất. Các sự kiện đầu cơ của Soros luôn để lại nhiều cảm xúc khác nhau trong giới tài chính thế giới. Với những người thất bại dưới tay Soros, ông bị xem là tên phá bĩnh, là kẻ thù. Nhưng, với những người và những nơi được ông giúp đỡ, ông là một thiên tài kinh bang tế thế. Quỹ Soros hiện có mặt ở 27 quốc gia châu Phi và 32 quốc gia khác trên thế giới. Nay, ở tuổi 79, trong khi không ngừng tìm kiếm những cơ hội đầu tư kiểu mới, Soros tập trung nhiều hơn vào từ thiện, giáo dục ngành tài chính, truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho các thế hệ trẻ. Dù bên ngoài, dư luận luôn cho rằng George Soros là nhà đầu tư mạo hiểm, ngược đời và thiên nhiều về cảm tính. Song, thực sự để có được vị trí trong danh sách những người giàu nhất thế giới trong hơn 10 năm liền, nhân vật làm từ thiện nhiều nhất trong thế kỷ 20, Soros không chỉ vận động một mình. Công ty quản lý quỹ Soros Fund Management (SFM) ở đại lộ số 7, New York, Mỹ là tập hợp của nhiều chuyên gia, với hơn 100 con người. Lực lượng này do chính tay Soros tuyển chọn. Vị tướng lãnh điều hành ê-kíp chất xám này lại là một cái tên khác, Nick Roditi.

Nick Roditi, vị lãnh chúa giấu mặt

Theo tạp chí Thế giới Tài chính, Mỹ, Nick Roditi được xem là người giữ tiền cho George Soros. Từ sau một phi vụ kiếm được 80 triệu bảng Anh năm 1996, Nick Roditi chính là nhân viên được trả lương cao nhất nước Mỹ. Năm 2008 quỹ Quantum của các nhánh khác giảm trung bình 1,5% thì quỹ trong tay Nick Roditi tăng đột biến đến 85%. Chính “cái đầu lạnh” của Nick Roditi đã mang về các món hời cho SFM và cho chính ông khiến giới tài chính phố Wall xanh xám mặt mày. Nick Roditi luôn được nhìn là người đàn ông trung niên tài ba, giàu có, tóc hoa râm với thu nhập 1,5 triệu bảng Anh/tuần. Kín tiếng, biệt lập, nhưng siêu năng động, sống âm thầm ở London đấy nhưng sẽ có mặt ở bất cứ đâu lúc cần. Con số 5.000 quỹ Hedge Fund trên khắp thế giới, 80% tập trung ở Mỹ và Anh chỉ một tay Nick mà cũng vận hành trơn tru.

Vừa hoàn tất chương trình học tại Rhodesia, Nick tham gia ngành luật ở Nam Phi, sau đó chuyển về theo mảng kinh doanh tại đại học London, Anh. Năm 1969, Nick thực tập tại ngân hàng thương mại Schroders. Từ đây cuộc đời Nick đã bước sang một bước ngoặt khác: quản lý tiền cho Soros. Nick chính thức bắt đầu sự nghiệp đầu tư của mình với tư cách là nhà phân tích tại J. Henry Schroder Wagg & Co. Ltd. Năm 1970 ông sang Nhật nghiên cứu thị trường chứng khoán tại đây. Năm 1977, ông cùng một đối tác lập văn phòng đại diện của Schroder Group ở Seoul, Hàn Quốc. Được hai năm Roditi trở thành đại diện của Schroder Group tại Nhật Bản trước khi trở về London, cùng thành lập Công ty Chứng khoán Schroder rồi trở thành Giám đốc J.Rothschild Holdings PLC, chủ yếu quản lý quỹ đầu tư tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ năm 1992-2001, Nick làm “cố vấn ngoài” cho Quỹ Quota Fund NV, một trong số các quỹ của Soros. Từ đó, Nick cũng được ủy thác quản lý luôn Bảo tàng tài chính Mỹ ở New York.

Kể rành rọt là thế nhưng đầu óc kinh tài phù thủy như Nick đời nào chịu “chỉ đâu đánh đó”. Ông còn vươn vòi đầu tư khá nhiều khoản bên ngoài SFM. Nick hiện đang là giám đốc của một số công ty ngoài khơi ở Jersey, Bermuda và quần đảo Cayman, kể cả Ripley Engingeering và Plantation & General ở Basingstoke. Một bài viết năm 2004 trên tờ Telegraph, Anh, từng nhận định, các nhà quản lý quỹ tài chánh đều có những kỹ năng đặc biệt, từ bất thường đến phi thường. Họ có thể trở thành những ngôi sao chói sáng trên thị trường tài chính chỉ sau 15 phút. Nhưng cũng có thể sau ngần ấy thời gian, con đường và sự nghiệp họ cũng sẽ tắt lịm. Những ngôi sao phố Wall một thời như Anthony Bolton của Quỹ Fidelity, Philip Gibbs của Jupiter Split Trust, James Barstow của Aurora, Max Ward của Independent Investment Trust nay đã lặng tiếng. Chỉ riêng Nick Roditi của SFM vẫn sáng một cách lạ lùng với độ chói ấn tượng giữa nền kinh tài thế giới. Mạo hiểm nhưng trung thành, đó là hai bí quyết chủ lực để Roditi làm thuê mà vẫn giàu, lệ thuộc mà vẫn độc lập.

Khi guồng chứng khoán thế giới quay theo triều xoắn ốc lên đến cao trào cực thịnh, Nick Roditi mang danh nhà đại tài phiệt âm thầm, kẻ thế lực số một trong con mắt chuyên gia phố Wall, nhưng vẫn là một tay nhà giàu bình thường với đại đa số dân chúng. Cũng bởi ông không quá phô trương trong cuộc sống hàng ngày. Nick gần như sống khép kín ở Hamstead, "cưỡi" một chiếc Volvo cũ, thường dùng bữa trưa với yaourt và bàn chuyện phiếm không liên quan đến đồng tiền. Nick Roditi còn sở thích sưu tập đồ cổ, thảm Ba Tư, tủ cẩn xà cừ phong thái Hàn Quốc. Bên ngoài trông ông thong dong tựa một gã chỉ biết “cưỡi ngựa xem hoa” trong lĩnh vực tiền tệ, nhưng thực tế những “canh bạc” của Nick luôn mang về nguồn lợi nhuận gấp nhiều lần cho cả bản thân lẫn SFM.
Trả lời nhanh Hiển thị Trả Lời Nhanh
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (4)
3 Trang<123>
Gửi chủ đề Trả lời
Di chuyển  
Bạn có thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn có thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn có thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn có thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn có thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn có thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Bản quyền © Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT.