John Law: Cứu nhân hay tội đồ?
Nếu như vào năm 1997, George Soros được cho là gắn liền với sự điêu đứng của nhiều nền kinh tế châu Á, thì cách đó gần 300 năm, nước Pháp đã phải điêu đứng vì một tội đồ tài năng.
John Law với thân thế khá đặc biệt đã làm khuynh đảo cả nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ của nước Pháp trong thế kỷ 18
Trong thế kỷ 18, ở nước Pháp xảy ra chuyện có một không hai trong lịch sử: một người nước ngoài, mà lại là một tội phạm của nước Anh người Scotland, được tin dùng và có quyền thế tới mức làm khuynh đảo cả nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ của đất nước. Đó là John Law, một lý thuyết gia về tài chính tiền tệ, một trong những tác giả đầu tiên của đồng tiền giấy, một nhà phát minh ra nhiều sản phẩm tài chính và đồng thời là một nhà đầu cơ quy mô và liều lĩnh hiếm thấy so với không chỉ đương thời mà cả với hiện tại.
John Law sinh năm 1671, là con thứ năm trong một gia đình làm nghề kim hoàn và kinh doanh cho vay tiền ở Edingburgh. Năm 17 tuổi ông đã đến học ở London và ngay từ thời đó đã là một tay cờ bạc có tiếng. Nhờ khả năng tính toán và suy xét rất nhanh, quyết đoán, chịu khó nghiên cứu và quan sát tỷ mỷ, John Law tích lũy được từ rất sớm những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các phi vụ đầu cơ sau này.
Đẹp trai, to cao (cao 1,80 m), khỏe mạnh, ăn vận sang trọng, cử chỉ và thái độ lịch thiệp, lại chơi bạc rất tài, John Law không chỉ giỏi chinh phục phụ nữ mà còn được phụ nữ rất ngưỡng mộ, nhiều mệnh phụ phu nhân theo đuổi, nhưng các đức ông chồng lại thù ghét và cánh đàn ông thì ganh tỵ. Một trong số những ông chồng bị cắm sừng là Beau Wilson đã thách thức John Law đấu kiếm và đã bị tử nạn. John Law bị buộc tội giết người và kết tội bị treo cổ. Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm trên cơ sở kháng án, John Law vượt ngục chạy sang châu Âu lục địa, bôn ba và học ở nhiều nước Châu Âu, sau đó trở về Scotland - lúc đó còn độc lập, và lại chạy sang châu Âu lục địa trước khi Scotland bị sáp nhập vào Anh để tránh bị trị tội.
Ngay từ năm 1705, Law đã công bố tác phẩm duy nhất và đồng thời cũng mang lại danh tiếng cho ông: “Quan sát tiền tệ và thương mại cùng với một khuyến nghị kiếm tiền cho quốc gia”. Law có nhiều quan điểm táo bạo và thức thời, nhưng đều không được các chính phủ sử dụng. Law là kẻ thù không đợi trời chung của đồng tiền kim loại quý được lưu hành (bằng bạc hoặc vàng) và là tín đồ của tiền giấy.
Law cho rằng, để phát triển kinh tế, quốc gia nào cũng cần tiền. Nhưng vì vàng và bạc đều thuộc loại hiếm, không thể là vô tận nên cần sử dụng loại tiền giấy. Law đề xướng một mô hình hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trên cơ sở đồng tiền giấy được đảm bảo bằng đất đai. Ngay từ thời đó, Law đã nhận ra được tầm quan trọng mang tính quyết định của hệ thống ngân hàng và tín dụng đối với sự phát triển kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng, phải mãi 200 năm sau mới có người tiếp tục phát triển ý tưởng đó của ông.
Paris là nơi phát tích của John Law. Nhờ tài đánh bạc, Law trở nên rất giàu, thậm chí còn được cho rằng là người giàu nhất thế giới. Nhưng đánh bạc chỉ là năng khiếu và công việc thường nhật, không phải tham vọng cuộc đời của Law. Ông muốn thực hiện những tư tưởng của mình và để đạt được mục tiêu đó thì cần phải có quyền lực, hoặc thân quen với thế lực có quyền lực. Nước Pháp thời ấy là nơi thích hợp hơn cả.
Vua Pháp Ludwig XVI (1638-1715) nổi tiếng về ăn chơi xa xỉ, sau khi qua đời để lại khoản nợ 2,8 tỷ Livres. Bá tước Orleans, người chấp chính thay cho vua mới, tìm cách giải quyết khoản nợ này không thành công. Đó chính là thời điểm Law được giới thiệu tiếp kiến bá tước Orleans. Có thể bá tước Orleans tin tưởng Law, cũng có thể ông ta không còn sự lựa chọn nào khác khi chấp nhận khuyến nghị của Law: “Tôi có một kế hoạch sẽ khiến cả Châu Âu phải ngạc nhiên. Nó sẽ làm thay đổi nước Pháp. Sự thay đổi này còn sâu sắc hơn cả việc phát hiện ra Châu Mỹ hay đưa vào sử dụng công cụ tài chính tín dụng”.
Đề nghị đầu tiên của Law là được thành lập một ngân hàng tư nhân nhưng có quyền phát hành tiền giấy, đó là ngân hàng Banque Generale, ngân hàng đầu tiên ở Pháp, sau này đổi tên thành Banque Royal sau khi được nhà nước mua lại. Tiền giấy do ngân hàng Banque Generale phát hành được đảm bảo bằng cam kết của nhà nước và được người Pháp tin dùng. Để hỗ trợ cho việc chấp nhận và sử dụng tiền giấy, Law thuyết phục được bá tước Oreans áp dụng biện pháp hành chính: không sử dụng tiền kim loại nữa mà thay thế bằng tiền giấy. 250 năm sau, chính phủ Mỹ cũng áp dụng đúng mô hình này khi quyết định hủy bỏ chế độ bản vị vàng của đồng đô-la Mỹ (năm 1973).
Đề nghị thứ hai của Law và cũng là thành phần thứ hai trong hệ thống tài chính của Law là thành lập Công ty Occident, một công ty thương mại có quyền quản lý và khai thác tài nguyên của vùng hạ lưu sông Mississipi (bang Louisiana ngày nay của Mỹ). Law cho rằng, ở đó có rất nhiều vàng cho dù không có trong tay bằng chứng xác thực và Law phát minh ra cái gọi là “cổ phiếu nhân dân”. Bất kể người dân Pháp nào cũng đều có thể mua cổ phiếu của Occident. Công ty phát hành cổ phiếu để huy động vốn cho việc khai thác vàng ở Louisiana, như vậy triển vọng cổ tức rất sáng sủa. Mệnh giá cổ phiếu là 500 Livres.
Dân Pháp, từ người có học đến vô học, từ quý tộc đến gia nhân, từ chính trị gia đến nông dân, đổ xô đi mua cổ phiếu. Họ chẳng hề quan tâm đến một thực tế là, ở Louisiana khi đó chỉ có khoảng 500 người Pháp và 500 người da đỏ. Cổ phiếu này được ưa chuộng tới mức giá của nó có lúc lên tới 12.000 Livres/cổ phiếu. Law không chỉ lạm dụng lòng tin của triều đình mà còn khai thác triệt để tính hám lợi của con người. Law rất thành công trong việc khắc đậm vào đầu óc các nhà đầu tư rằng, có thể làm giàu không chỉ bằng lao động chăm chỉ mà còn cả bằng đầu cơ. Làn sóng đầu cơ này đã phá tan những xiềng xích xã hội ở Pháp và khơi dậy ước vọng kiếm được tiền, trở nên giàu có một cách nhanh chóng.
Khi biết ở Louisiana không có vàng, Law tìm cách trấn an cổ đông để kéo dài thời gian, trong đó có cách tập hợp người ăn mày, cho vác cuốc xẻng đi từ trung tâm Paris ra cảng La Roche - bến cảng đi sang Mỹ - để tạo ấn tượng công ty đang làm ăn phát đạt. Thế nhưng, cổ đông không thể chờ mãi. Họ thất vọng và giận dữ, tranh nhau bán tống bán tháo cổ phiếu. Tháng 2 năm 1720, hệ thống tài chính của Law bị sụp đổ, làn sóng đầu cơ cổ phiếu ở Pháp lắng xuống. Tháng 11 năm ấy, đồng tiền giấy và cả ngân hàng đều bị xóa sổ, nước Pháp đưa vào sử dụng lại đồng tiền kim loại. Cho tới cuối đời, Law vẫn tin vào học thuyết và hành động của mình, cho rằng mình là nạn nhân của các âm mưu lật đổ, chống đối của những kẻ ghen ăn tức ở. Law chạy trốn sang Venice (Italia), lại kiếm tiền bằng trò cờ bạc và chết tại đây vào tháng 2 - 1729 vì viêm phổi.
Law là bằng chứng đầu tiên về việc: người ta có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cũng có thể bị mất hết vì đầu cơ. Ông đã làm thay đổi xã hội Pháp đến mức thi hào Voltaire trong “Tùy bút về thương mại và xa xỉ” đã coi Law là “số phận của nước Pháp”. Cũng có không ít ý tưởng của Law mà mãi nhiều thế kỷ sau hậu bối mới thấy hết giá trị. Vì thế, cuộc tranh luận Law là cứu nhân hay lừa đảo ở nước Pháp thời ấy vẫn còn kéo dài đến ngày nay.