Để đánh giá về các biến động lãi suất vừa qua, chúng tôi có tổng hợp và so sánh bình quân lãi suất huy động trong 1 năm vừa qua (của hơn 10 NH lớn) và thấy một số điểm đáng chú ý.
Hiện tượng lãi suất huy động ngày càng giảm với sự đi đầu của các NH lớn đang định hướng lại mặt bằng lãi suất huy động theo hướng ngày càng thấp hơn.
So với 1 năm trước đây có thể thấy lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn 1,3,6 tháng đang có dấu hiệu tích cực. Cụ thể ở các kỳ hạn này lãi suất đã giảm gần 1 nửa cho thấy sự ổn định về dòng tiền ngắn hạn.
Ngoài ra, ở các kỳ hạn dài chủ yếu là trên 1 năm cũng đã có sự điều chỉnh giảm tuy nhiên chưa thực sự mạnh. Điều này là phù hợp để tạo tính hấp dẫn thu hút các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn. Như vậy đường cong lãi suất đang dần được định hình rõ hơn và trở về với trạng thái ổn định mà NHNN đang mong muốn.
Ở góc độ người dân, mặc dù lãi suất huy động có xu hướng giảm nhưng do tập trung chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn và mạnh nhất ở kỳ hạn 1 tháng do đó tác động thực sự không đáng kể. Tuy nhiên so với 1 năm trước thì mức giảm gần một nửa (khoảng 12% xuống mức 7%) ở kỳ hạn ngắn cũng đang khiến người gửi tiền phải lo lắng và suy tính nếu như chiều hướng này tiếp tục xảy ra.
Kịch bản có thể xảy ra cao đó là các khoản tiền được gửi ở các kỳ hạn ngắn sẽ dần dịch chuyển sang kỳ hạn dài hơn. Khả năng rút tiền khỏi hệ thống NH để chuyển sang hình thức đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, BĐS trong bối cảnh kinh tế hiện nay mặc dù có nhưng là không cao.
Nếu nguy cơ lãi suất huy động nếu tiếp tục xuống quá thấp trong khi CPI mục tiêu cả năm khoảng 8% có thể sẽ gây lo ngại nếu lan tỏa sang các kỳ hạn dài (>12 tháng). Nếu giả thuyết này xảy ra thì hiện tượng LS thực âm sẽ trở thành sự thật và NHNN có thể phải triển khai mạnh các biển pháp điều chỉnh các lãi suất điều hành(LS chiết khẩu, LS tái cấp vốn). Đặc biệt, các NH sẽ tự động phải quay lại điều chỉnh mức lãi suất huy động theo hướng tăng trở lại cho phù hợp, tránh bị rút vốn gây ảnh hưởng đến hoạt động của NH, điều này là bình thường theo quy luật dòng tiền. Hiện tại như thống kê cá nhân cho thấy mức LS kỳ hạn trên 12 tháng là 9%, vẫn đang nằm trên mức lạm phát dự báo 8%.
Trong khi đó, việc giảm các lãi suất chủ chốt vừa qua sẽ có tác dụng tạo thêm nguồn với chi phí vốn rẻ cho các NH, sự tích lũy sẽ tạo ra các nguồn cung cho vay với lãi suất thấp cho các NH. Trong bảng thống kê có thể thấy các mức LS điều hành cũng giảm rất mạnh (từ 12-14% xuống 5-8%) cho thấy NHNN cũng rất linh động để hỗ trợ cho hệ thống NH trong điều kiên thanh khoản thấp hiện nay. Mặc dù sẽ có độ chễ nhưng chắc chắn xu hướng giảm của lãi suất cho vay sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.