Tiếp nối bài viết “Khi vĩ mô đã an bài, thời điểm mua sẽ đến !?”
link:
https://ezdiscuss.fpts.c...oi-diem-mua-se-den.aspx
Dựa trên bài viết trước, tính tới thời điểm hiện tại những chỉ tiêu vĩ mô cơ bản như GDP, CPI, tăng trưởng tín dụng… đều diễn biến rất sát với các dự báo. Với quan điểm cho rằng khi các thông tin vĩ mô yếu kém kìm hãm tâm lý thị trường được công bố đặc biệt là vào thời điểm kết thúc năm tài chính sẽ là lúc thị trường lấy lại trạng thái cân bằng, mua bán hạn chế, thanh khoản sụt giảm.
Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin và trong đó yếu tố đầu cơ luôn tồn tại. Vì vậy khi thị trường cân bằng chính là thời điểm lý tưởng cho các dòng tiền đầu cơ. Hiểu một cách khác, khi tâm lý ngại rủi ro và sự chán nản đi kèm với thận trọng của đa phần thị trường sẽ khiến cho các đợt “đánh lên” tại một số mã dễ dàng thu hút và lôi kéo các thành viên đang tham gia thị trường. Đây chính là “mầm mống” đầu tiên để hình thành những con sóng, dù mới chỉ ở mức độ khởi đầu, một sự hồi phục nhẹ hoàn bù cho con sóng giảm trước đó nhưng cũng hoàn toàn có thể trở thành một con sóng lớn nếu như có sự cộng hưởng bởi các yếu tố cơ bản và vĩ mô.
Có thể nói gần như năm 2012 là năm khá cân bằng so với diễn biến các năm trước. Một đợt sóng tăng nhờ kỳ vọng vĩ mô trong suốt 6 tháng đầu năm rồi giảm trở lại bởi các dữ liệu thực tế không hỗ trợ những kỳ vọng đó. Trạng thái hiện tại của thị trường đầu năm 2013 về cơ bản rất giống với năm 2012. Không chỉ có vậy, thị trường đang chứng kiến những bước “cụ thể hóa” các chủ chương đã tưởng như sẽ được triển khai trong năm 2012. Điển hình như các chính sách giảm, miễn thuế đối với các doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế, thành lập công ty quản lý tài sản ngay trong Quý I/2013. Hay cụ thể hơn đó là quyết định không kiểm soát tín dụng cho các ngành phi sản xuất gồm bất động sản và chứng khoán. Quyết định tăng biên độ giao dịch trên hai sàn chứng khoán sau khi đã rút ngắn thời gian thanh toán 1 ngày so với trước đây cũng là cú huých trực tiếp đối với thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới ( ngắn hạn 3-6 tháng)
Mùa báo cáo KQKD năm 2012, Quý I/2013 trong nước và quốc tếDiễn biến kinh tế thế giới hiện nay đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc đặc biệt tại Eurozone, Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tê Việt Nam có độ mở rất lớn, hoạt động sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng GDP lớn do đó nền kinh tế thế giới phục hồi và dần đi vào ổn định sẽ là động lực tiếp sức cho kinh tế trong nước hồi phục sớm và nhanh hơn. Trước mắt yếu tố tâm lý và niềm tin của giới đầu tư là điều quan trọng nhất và rất cần được củng cố, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi sớm nhất từ diễn biến này.
Ở trong nước, vào khoảng cuối tháng 1 năm 2012, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu công bố KQKD năm 2012. Đánh giá cá nhân tôi cho rằng, năm 2012 về tổng thể các báo cáo tài chính sẽ tiếp tục phản ánh sự khó khăn vì vậy sự đột biến tích cực sẽ không xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhờ vào loại hình sản xuất kinh doanh đặc thù (cổ phiếu phòng thủ) vẫn có khả năng dùy trì được KQKD tốt như cao su, mía đường, một số nhóm hàng thuộc lĩnh vực tiêu dùng…
Có một điểm đáng chú ý đó là các chính sách miễn, giảm, giãn thuế được triển khai khá mạnh mẽ do đó áp lực về tài chính cuối năm sẽ được giảm nhẹ hơn tuy nhiên điều này chỉ có lợi đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Nhóm cổ phiếu đặc biệt cần lưu ý đó là nhóm bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ có KQKD yếu kém trong năm 2012. Mặc dù vừa qua đã xuất hiện sóng tăng giá đáng kể nhờ thông tin về các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS tuy nhiên khi báo cáo KQKD được công bố, sự phân hóa mạnh chắc chắn sẽ xảy ra tại nhóm ngành này. Điều đó đồng nghĩa với việc không phải DN nào trong ngành BĐS có giá thấp vừa qua sẽ tăng giá mạnh mà sẽ dần định hình nhóm cổ phiếu tăng giá nhờ lợi thế tiếp cận được các nội dung trong chính sách có thể được triển khai sắp tới.
Cụ thể đó là các đối tượng thuộc diện được các được hưởng lợi trong chính sách hỗ trợ thị trường BĐS, giải quyết nợ xấu trong ngành điển hình như các DN đã có quỹ đất sạch, các dự án đang dở dang hay thuộc diện nhà ở xã hội, giá thấp… Nhóm ngành vật liệu xây dựng, xi măng sẽ tăng chậm hơn và sẽ chịu tác động gián tiếp từ diễn biến các thông tin hỗ trợ ngành BĐS.
Nhóm đáng chú khác sẽ là nhóm công ty chứng khoán. Mặc dù KQKD năm 2012 sẽ còn rất bi quan tuy nhiên với diễn biến và thanh khoản thị trường chứng khoán hiện nay, đặc biệt là kỳ vọng vĩ mô sẽ có diễn biến tích cực ít nhất là giống như 6 tháng đầu năm 2012 thì KQKD trong Quý I/2013 sẽ được cải thiện đáng kể. Trong tháng hai tới, hoạt động magin sẽ được mở rộng lên mức 50/50 mặc dù không nhiều nhưng cũng là yếu tố hỗ trợ, giúp cải thiện hoạt động môi giới. Tuy nhiên những công ty chứng khoán có lỗ lũy kế có lẽ sẽ chưa thể tạo sức bật mạnh mẽ do đó nhà đầu tư cần xem xét kỹ các mức giá để thực hiện chiến lược mua bán hợp lý. Lĩnh vực kinh doanh chứng khoán năm 2013 sẽ chứng kiến nhiều biến động về giải thể, sáp nhập và có thể sẽ có sự xuất hiện những tên tuổi mới có yếu tố ngoại.
Mùa trả cổ tứcThường trong Quý I, khi các DN tiến hành họp ĐHĐCĐ cũng là thời điểm công bố KQKD và phân chia lợi nhuận. Sự kiện này là một trong những yếu tố thường gây ra sóng tăng tại một số mã và nhóm chứng khoán theo ngành và KQKD. Do đó nếu như thời điểm đó thị trường đang tiếp tục tăng điểm thì sự kiện này sẽ hỗ trợ đẩy thị trường đi xa hơn. Trong trường hợp thị trường đang trong quá trinh điều chỉnh thì sự kiện này sẽ làm thị trường phân hóa rõ rệt và sẽ phản ánh mạnh vào giá chứng khoán.
Các chỉ báo Kinh tế Vĩ mô Quý I được công bốTheo nhận xét cá nhân thì thời điểm công bố KQKD Quý I/2013 sẽ không có nhiều đột biến so với Quý IV/2012 và cùng kỳ năm trước. Trước tiên phải kể đến yếu tố dịp nghỉ lễ dài ngày trong tháng 2 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế, giá cả lương thực trong tháng 2 sẽ có thể làm CPI Tháng 2/2013 tăng nhẹ. Ngoài ra các dấu hiệu tăng giá điện theo lộ trình, giá xăng có thể tăng do nhu cầu tiêu thụ khi kinh tế phục hồi cũng là những rủi ro tiềm ẩn đẩy lạm phát gia tăng trong tháng 3/2012.
Tuy nhiên, cần chú ý là sau giai đoạn hai năm liên lạm phát tăng cao là năm 2010 và 2011 thì xu hướng tiết kiêm chi tiêu bắt đầu hình thành trong nền kinh tế. Điều này là một yếu tố quan trọng giúp tạo ra thành quả kiềm chế lạm phát trong năm 2012 (đạt dưới 8%) mặc dù giá xăng, điện và giá dịch vụ y tế, học phí GD đã có điều chỉnh tăng đáng kể. Nhờ yếu tố này, đặc biệt là khả năng bơm tiền giải cứu BĐS là không có nên sẽ làm giảm khả năng lạm phát do cung tiền. Điểm mấu khác đó là khả năng chi tiêu và cầu tiêu dùng trong nước có được tiếp tục đáp ứng đầy đủ hay không trong thời gian tới.
Mặc dù là Quý báo cáo đầu tiên của nền kinh tế tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng yếu tố chu kỳ và đặc biệt là yếu tố bước ngoặt của nền kinh tế sẽ chủ yếu rơi vào thời điểm cuối Quý II/2013 khi mã đã có 6 tháng chạy đà để kiểm chứng hiệu quả của các hoạt động chính sách điều tiết nền kinh tế. Thời điểm này cũng chính là thời điểm để năm 2013 có chuyển biến khác biệt với năm 2012 hay không. Thị trường chứng khoán do đó cũng sẽ có những biến động lớn tại thời điểm này nếu như các yếu tố niềm tin của thị trường tiếp tục được củng cố.
Chính thức thành lập Công ty Quản lý tài sản (Công ty mua bán nợ)Thông tin này dù được đồn đoán nhiều tuy nhiên trước mắt đề án này cần phải được Bộ Chính trị thông qua rồi mới có những bước triển khai cụ thể. Do không sử dụng ngân sách nhà nước mà chủ yếu thông qua các công cụ như trái phiếu và các sản phẩm có thể mua bán được trên thị trường tài chính do đó lượng cung tiền trên thị trường sẽ không đột biến. Dòng tiền sẽ được cộng hưởng và thu hút từ các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ nhờ so sánh về rủi ro và lợi nhuận. Do đó thị trường chứng khoán sau khi chính sách được triển khai thì cũng sẽ gián tiếp hưởng lợi nhờ vào tình trạng cải thiện dần về nợ xấu tại các doanh nghiệp đang niêm yết trong đó có nhóm BĐS. Nếu diễn biến này được tiếp tục duy trì thì khả năng sẽ thu hút thêm được dòng tiền từ kênh đầu tư vàng vốn đang có chiều hướng ngày càng bị hạn chế.
BID vẫn chưa niêm yếtNhư đã phân tích ở bài trước, mức giá kỳ vọng 28.700đ trong phiên chào sàn vẫn là mức giá quá cao nếu so với bình quân nhóm ngành hiện đang niêm yết. Do đó việc BID đã hoãn việc niêm yết vừa qua là lựa chọn đúng đắn và có phần khôn ngoan dựa trên KQKD toàn ngành Ngân hàng năm 2012 (tổng lợi nhuận ngành NH giảm 50% so với năm trước). Tuy nhiên hiện vẫn bỏ ngỏ yếu tố có thể gây đột biến khi BID niêm yết vì tỷ trọng BID trên HOSE là rất lớn. Vì vậy nếu thời điểm ấn định lên sàn của BID được xác đinh vào lúc thị trường đang tăng sẽ là tốt hơn cả cho toàn thị trường. Ngược lại BID niêm yết trong sóng giảm có thể sẽ làm cho thị trường điều chỉnh trầm trọng hơn như trường hợp của GAS trong năm 2012.
Hiện tại thị trường đang xuất hiện những dấu hiệu điều chỉnh đầu tiên (tại ngưỡng 470 điểm) sau đợt sóng từ cuối tháng 12/2012 đến nay. Dấu hiệu chốt lời bắt đầu mạnh dần và quyết tâm hơn trước mức lợi nhuận đủ để thỏa mãn trong sóng vừa qua. Do đó thị trường điều chỉnh là tất yếu để chạy đà tăng tiếp theo. Điều quan trọng là mức điều chỉnh sẽ ra sao, mức nào là hợp lý.
Do tăng rất nhanh nên sóng tăng vừa qua không thực sự thu hút được toàn bộ sự tham gia của các thành viên thị trường. Trong khi đó mức tăng cũng nhanh và mạnh nên điều chỉnh giảm đến sớm là điều tất yếu. Mức 440-445 điểm theo PTKT có thể sẽ xảy ra hoạt động bắt đáy tích cực đầu tiền trong đợt điều chỉnh này. Trong khi đó, trước các đợt nghĩ lễ đặc biệt là dịp Tết (hiện khoảng 20 ngày nữa = khoảng 3 tuần giao dịch) thì xu hướng chốt lời cũng thường xảy ra. Ngoài ra tại mức điểm hỗ trợ 440-445, nhà đầu tư có mức chịu rủi ro cao, hoặc nhóm đầu tư dài hạn thường sẽ quay lại tham gia nhóm cơ bản tốt sau khi giá đã được điều chỉnh tương đối. Mức hỗ trợ cứng sẽ quanh mức 430 điểm hình thành trong sóng tăng vừa qua có thể sẽ khiến chỉ số hồi phục. Kết hợp các yếu tố trên, cá nhân tôi cho rằng, sự điều chỉnh giảm này sẽ khiến chỉ số đi ngang đan xen với giảm dần đều về mức 430-440 để thử độ “bền” của mức hỗ trợ. Với kịch bản tích cực, sóng tăng sẽ trở lại ngay trong những phiên sau dịp bán chốt trước đợt nghỉ tết.
Trong trung hạn các tín hiệu vĩ mô hiện vẫn rất tích cực, khi hứa hẹn sẽ còn nhiều các chính sách vĩ mô được triển khai cụ thể hóa. Dòng tiền trong và ngoài nước cũng đang duy trì ở mức tốt sẽ giúp thị trường duy trì được thanh khoản hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Như đã phân tích ở trên thì thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ có điều kiện thuận lợi trong 6 tháng đầu năm nhờ dựa vào sự khởi sắc về niềm tin của thị trường vào các chính sách điều tiết nền kinh tế. Biến động vĩ mô sau 6 tháng sẽ đầy đủ và sẽ là kim chỉ nam cho các chiến lược đầu tư tiếp theo. Do đó ở góc độ thận trọng, thời điểm Quý II có thể là mốc hợp lý để nhà đầu tư xem xét lại chiến lược và hiệu quả hoạt động đầu tư của mình, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư mới cho nửa cuối năm 2013.