Quá trình chuẩn bị thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) đã gần xong, dự kiến sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động trong tháng 4/2013.
Theo thông tin đưa ra tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ vừa diễn ra ở Đà Nẵng, dự kiến trong tuần này Chính phủ sẽ ký quyết định phê duyệt đề án xử lý nợ xấu, ban hành nghị định về việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia.
Còn theo tìm hiểu của VnEconomy, sau khi khung pháp lý được ban hành, AMC sẽ chính thức được thành lập ngay từ tháng 4/2013. Sau hơn nửa năm chuẩn bị với nhiều tranh luận, một giải pháp cụ thể và được xem là có sức nặng để xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ chính thức hình thành.
Thông tin bước đầu cho biết, AMC dự kiến sẽ có quy mô vốn điều lệ là 500 tỷ đồng với 100% là của Nhà nước, là một tổ chức tài chính đặc thù trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn vốn chủ yếu của AMC dùng để mua nợ xấu các tổ chức tín dụng là qua phát hành trái phiếu. Loại trái phiếu đặc biệt này trở thành tài sản của các tổ chức tín dụng, được dùng để cầm cố vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu. Hiện cơ cấu quy mô, kỳ hạn, cơ chế xác định lãi suất… của trái phiếu chưa có thông tin cụ thể.
Tuy nhiên, thông tin mà VnEconomy tìm hiểu cho hay, khi đi vào hoạt động, AMC có thể tham gia xử lý được khoảng 50% nợ xấu của hệ thống hiện nay. Trên cơ sở dữ liệu cập nhật gần đây, quy mô đó ước khoảng gần 100.000 tỷ đồng.
Nhưng quy mô và tỷ lệ xử lý nợ xấu không phải là mục tiêu chính, hay ưu tiên của AMC, mà là những khoản nợ xấu đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Dự kiến trong thời gian đầu công ty này sẽ tập trung mua các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản bảo đảm trong tương lai là bất động sản, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
Việc mở rộng phạm vi mua nợ và tài sản đảm bảo sẽ được xem xét trên cơ sở thực tiễn hoạt động sau đó.
Mục tiêu chính của AMC là góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức an toàn; thêm khả năng tái tạo vốn cho họ để thúc đẩy nguồn cho vay đối với nền kinh tế.
Đi cùng với giải pháp này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai các giải pháp khác có trong đề án xử lý nợ xấu mà dự kiến Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt. Nhà điều hành cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách bổ trợ khác, như cơ chế phân loại nợ mới bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2013; sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự kiến cũng sẽ được ban hành cuối tháng này.
AMC cùng những giải pháp tổng thể đó có thể tạo một bước chuyển mới, căn bản trong yêu cầu xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nguồn tin cho rằng, nợ xấu là một vấn đề của kinh tế vĩ mô, nên cần có thêm sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng khác nữa.