Với mong muốn được chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về phương pháp Phân tích Kỹ thuật, tôi xin được mở đầu thư mục với những kinh nghiệm cá nhân khi sử dụng phương pháp này để phân tích và nhận định diễn biến thực tế của các cổ phiếu đang niêm yết hoặc các chỉ số như VN-Index và HNXIndex.
Một số khái niệm cơ bản:“Nguyên lý của thành công trong đầu tư chứng khoán là dựa trên giả định rằng trong tương lai người ta sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm mà họ đã mắc phải trong quá khứ.”
(Edwin Lefevre, Reminiscenses of a Stock Operator)
Trên đây chỉ là một quan điểm cá nhân tuy nhiên nó chuyển tải ý nghĩa cốt lõi về phương pháp Phân tích Kỹ thuật đó là “lịch sử sẽ lập lại nếu như tất cả những yếu tố cấu thành nên lịch sử đó lại xuất hiện”.
Một cách hiểu đơn giản hơn đó là coi Phân tích Kỹ thuật là việc nghiên cứu tình trạng sức khỏe hiện tại của toàn thị trường hay của một chứng khoán với mục đích dự báo biến động giá trong tương lai thông qua đối chiếu với những chỉ báo và các hình mẫu kĩ thuật đã từng xuất hiện trong quá khứ.
Như vậy, để có thể sử dụng phương pháp này nhà đầu tư cần thu thập những dữ liệu đầu vào lịch sử và có các công cụ phân tích kỹ thuật để xử lý các dữ liệu đó.
Nguồn dữ liệu: Hiện nay nguồn dữ liệu khá đa dạng, tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý chọn lọc những nguồn cung cấp có sự tin cậy và ổn định để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả nghiên cứu.
Phần mềm: Metastock 10.1
Cách đọc đồ thị:Có rất nhiều các dạng đồ thị biểu diễn các biến động về giá cổ phiếu hoặc chỉ sổ gồm đồ thị đường thẳng (Line), nến (Candlesticks), que (Bars)…
Trong khi đồ thị đường thẳng được vẽ dựa trên phương pháp nối các mức giá đóng cửa từng phiên thì đồ thị nến đem lại hiệu qủa trực quan khá tốt với nhiều thông tin cụ thể về diễn biến tăng giảm trong từng phiên giao dịch. Do đó tôi khuyến nghị nên sử dụng đồ thị nến.
Hình 1: HNX-Index thể hiện qua đồ thị Nến (Candlesticks) và Đường thẳng (Line)
Hình 2: Ý nghĩa của nến Candlestick
Dựa trên Hình 2, chúng ta có thể thấy có hai loại nến biểu diễn cho hai trạng thái tăng và giảm của phiên giao dịch.
Cấu tạo một nến gồm hai phần chính đó là thân nến và bóng nến (bóng trên & bóng dưới).
Toàn bộ cây nến (gồm cả bóng nến và thân nến) sẽ thể hiện toàn bộ biên độ dao động tăng giảm của giá trong một phiên.
Một nến rỗng (màu trắng bên trong nến) thể hiện một phiên tăng điểm.
Với nến rỗng, bóng nến phía trên bao giờ cũng thể hiện giá cao nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch. Phần bóng dưới sẽ thể hiện giá mở cửa và giá thấp nhất.
Ngược lại, với nến đặc (màu đen kín thân nến) sẽ thể hiện một phiên giảm điểm. Bóng nến trên vẫn thể hiện giá cao nhất trong phiên nhưng đồng thời sẽ thể hiện giá mở cửa của phiên. Phần bóng dưới sẽ thể hiện giá đóng cửa và giá thấp nhất.
Chú ý: Có nhiều trường hợp nến không tồn tại bóng nến nguyên nhân do giá đóng cửa và mở cửa nằm trùng với giá thấp nhất và cao nhất trong phiên. Những mẫu nến này thể hiện biến động rất mạnh của giá trong phiên giao dịch.
Ngoài ra trường hợp nến không có thân nến cũng có thể sẽ xảy ra khi giá đóng cửa, mở cửa trùng nhau. Tín hiệu này phản ánh diễn biến lưỡng lự giữa cả 2 bên mua và bán. Như vậy, với một chuỗi các nến xếp cạnh nhau chúng ta có thể quan sát được diễn biến giá qua từng giai đoạn. Đặc biệt người phân tích có thể so sánh các mốc như giá đóng và mở cửa, giá cao và thấp nhất trong từng phiên và qua các phiên với nhau.
Điều này là rất quan trọng mà nhờ đó chúng ta có thể phân biệt những tín hiệu tích cực hay tiêu cực, những dấu hiệu đảo chiều hay các tín hiệu bẫy giá tăng hoặc giảm.
Ví dụ: với diễn biến giá đóng cửa phiên sau cao hơn giá đóng cửa phiên trước rõ ràng đây là một tín hiệu tích cực, hay thậm chí giá đóng cửa phiên sau cao hơn điểm cao nhất cửa phiên trước, đều là những tín hiệu đáng chú ý về khả năng bắt đầu một chu kỳ tăng giá ngắn hạn của một cổ phiều hoặc chỉ số.