Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (World Bank) trong năm 2013 lạm phát tại Việt Nam sẽ khoảng 8,5%.
Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong tháng 12
+ Theo Cục thống kê Thành phố Hà Nội vừa công bố CPI tháng 12 trên địa bàn tỉnh.CPI tháng 12 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 6,29% so với tháng 12 năm 2011.
Bình quân 12 tháng năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giữ ở mức 1 con số, đạt mức tăng 8,57% so với năm ngoái.
Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của thành phố HCM chỉ tăng 0,17% so với tháng trước và 4,07% so với cuối năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2009.
CPI tỉnh Long An trong tháng 12/2012 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, trong đó hàng hóa giảm 0,02% và dịch vụ tăng 0,43%.
+ Cục thống kê Hà Nội vừa công bố báo cáo GDP thành phố năm 2012, dự kiến cả năm 2012, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 87,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với GDP năm 2011. Con số tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và mức tăng trưởng của các năm trước, nhưng xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
+ Kim ngạch xuất khẩu tháng 12/2012 của Hà Nội đạt 1 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 11/2012. Cả năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của thủ đô đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với 2011.
Giảm kim ngạch nhập khẩu, Hà Nội vẫn không tránh khỏi nhập siêu. Tháng 12/2012, Hà Nội nhập siêu 1,34 tỷ USD, nâng nhập siêu cả năm lên 14,25 tỷ USD.
Tăng giá điện 5% từ ngày 22/12/2012
Theo thông báo chính thức từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 22/12, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh, tương đương tăng khoảng 5%.Theo EVN, việc tăng giá điện là nhằm bù chênh lệch giá than, khí và phân bổ chênh lệch tỷ giá.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, lần tăng giá điện thêm 5% này sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,12%.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, EVN chọn vào thời điểm sau khi tổng kết năm để tăng giá điện do đã biết được các chỉ số cơ bản và cho rằng tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng đến tình hình chung.
Ở đợt tăng giá này, EVN thu được 7.000 tỷ đồng, trong đó bù cho chi phí than tăng 900 tỷ đồng, 3800 tỷ do giá khi tăng và 3.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
World Bank dự báo 2013 lạm phát tại Việt Nam khoảng 8,5%
Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa đưa ra báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo nhận định nền kinh tế của khu vực này vẫn khá kiên cường bất chấp những yếu tố bất lợi từ kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của World Bank, khu vực này sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức 8,3% của năm 2011.
Trong khi thị trường toàn cầu đang chứng kiến lực cầu yếu ớt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhu cầu nội địa vẫn là cỗ máy tăng trưởng chính của các nền kinh tế trong khu vực. World Bank dự báo khu vực này sẽ đóng góp khoảng 40% tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2012. Tỷ lệ trong năm 2013 được dự báo ở mức tương tự.
Đối với kinh tế Việt Nam, World Bank đưa ra tốc độ tăng trưởng dự báo lần lượt là 5,2%, 5,5% và 5,7% trong năm 2012, 2013 và 2014. Trong 3 năm này, chỉ số giá tiêu dùng được dự báo tăng lần lượt 9%, 8,5% và 7,3%.
Năm 2013 sẽ kiểm toán 28 doanh nghiệp và ngân hàng
Trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 161 cuộc kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính 9.089,4 tỉ đồng. trong đó có 5.765,6 tỉ đồng phải nộp, hoàn trả Ngân sách nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố trước báo giới kế hoạch kiểm toán nhà nước năm 2013. Theo đó, ngoài việc tập trung kiểm toán việc sử dụng NSNN thì KTNN cũng sẽ có một số chuyên đề kiểm toán việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản, đất đai... và những vấn đề nóng mà dư luận và Quốc hội quan tâm.
KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại 16 bộ ngành, 34 tỉnh, TP, 25 dự án đầu tư và 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng với 6 tập đoàn kinh tế (Than - Khoáng sản VN, Dệt-May, Dầu khí, Điện lực, Caosu, Bưu chính Viễn thông) và 18 TCty nhà nước sẽ được kiểm toán trong năm 2013.
Gần 1 triệu người Việt Nam thất nghiệp
Tổng cục thống kê công bố tại Hà Nội, số người có việc làm tăng thêm 1,1 triệu trong vòng ba quý vừa qua nhưng đồng thời, lực lượng lao động Việt Nam cũng tăng với con số tương tự.
Tính đến thời điểm 1-10-2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, bao gồm 52,1 triệu người có việc làm. Gần 70% lực lượng lao động thuộc khu vực nông thôn.
Đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 là TP Hồ Chí Minh với 3,92%. Tiếp theo là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 2,21%; của Hà Nội là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về vùng trung du và miền núi phía Bắc với 0,77%.
Về tỷ lệ thiếu việc làm, đứng đầu cả nước là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4,6%. Tiếp theo là vùng đồng bằng sông Hồng với 3,45%, Tây Nguyên là 2,9%. Tỷ lệ thiếu việc làm của Hà Nội là 0,98%. Tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất thuộc về TP Hồ Chí Minh với 0,54%.
Theo TTVN