Originally Posted by: Client26751 Em nghe nói các chuyên gia đang bàn về việc hạ lãi suất huy động về 7%. Các bác có ý kiến gì không ạ?
Việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà Nước hiện tại chỉ còn mang tính chất danh nghĩa, người dân và doanh nghiệp trở nên vô cảm với điều này vì họ chẳng được lợi gì từ lãi suất này, thậm chí người dân còn bị thiệt (gửi tiền lãi suất thực âm). Chúng ta dễ dàng nhận thấy:
1.- Về huy động, thực tế các Ngân hàng thương mại hiện nay đã bắt đầu lách trần lãi suất 9%.
2.- Về cho vay, việc hạ lãi suất thời gian qua cũng không tác động nhiều đến lãi suất cho vay. Thực tế cho thấy doanh nghiệp thông thường (không thuộc khối đặc quyền như: Vina..., EV..., TK..., SD...) thì vẫn phải vay với cái giá "cắt cổ". Nếu phân tích kỹ, chúng ta dễ dàng thấy rằng chỉ số CPI giảm liên tục, sự đình đốn sản xuất và thất nghiệp lộ rõ đã thể hiện: vốn rẻ không hề được bơm vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng mà đã chạy vào chỗ nào đó và không lối thoát (nợ xấu ngân hàng tăng mạnh).
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy rằng:
1.- Chính sách tài khoá hiện nay đang đi đúng hướng khi thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Do đó, chính sách tài khoá không thể dùng để kích thích kinh tế được. Và bây giờ, việc tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ.
2.- Nhưng chính sách tiền tệ hiện tại lại góp phần làm cho nền kinh tế bệnh càng thêm nặng. Tiền thuế của người dân không được dùng để kích thích tăng trưởng mà chỉ được dùng để giải quyết một số vấn đề cục bộ thuộc về nhóm lợi ích.
Trên đây là nguyên nhân, còn đây là tác động của chính sách này:
1.- Tỷ giá USD trong những ngày gần đây sau khi giảm mạnh giờ đã tăng trở lại. Cho thấy, trong ngắn hạn, một nhóm lợi ích đã biết trước điều này nên đã trục lợi, thao túng giá USD tự do.
2.- Như đã trình bày ở trên, việc hạ lãi suất này chỉ đem lại lợi ích cho 1 nhóm các con nợ đặc biệt của ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng vẫn cứ tăng vì thực chất những con nợ này đã phá sản, ngân hàng càng cho đáo hạn, vay mới hay giảm lãi suất thì vẫn cứ tiếp tục bị mất vốn. Trong dài hạn thì nợ xấu của ngân hàng vẫn tiếp tục tăng vì lãi suất không còn là liều thuốc cứu sinh cho những con nợ phá sản này.
3.- Niềm tin của người dân đang bị bào mòn vì lãi suất tiền gửi giờ chỉ còn 9% (có thể giảm còn 7%) trong khi CPI dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức 2 con số 12,2%. Do đó, làn sóng đầu tư tránh bão an toàn lại xuất hiện.
4.- Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đình đốn sản xuất và phá sản vì không dám vay với lãi suất cao, tồn kho vẫn tiếp tục tăng không tiêu thụ được.
5.- Thị trường chứng khoán lại tiếp tục u ám không khởi sắc được vì kết quả kinh doanh Q2/2012 đã phản ánh rõ thực trạng của doanh nghiệp. Dòng tiền từ chính sách cũng không hỗ trợ thanh khoản.
Do đó, tôi nghĩ chính sách giảm lãi suất lần này cũng chỉ là 1 gáo nước lạnh tát thẳng vào mặt nền kinh tế đang bị cảm cúm. Giải pháp căn cơ chính là hướng dòng tiền vào đúng nơi, đúng chỗ. Khi đó mới kích thích tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và không gây áp lực mạnh về lạm phát.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, phân tích dựa trên các thông tin số liệu công bố và khảo sát thực tế. Còn bác nào muốn hiểu rõ hơn thì có thể gặp 1 người, đó là Mr.SJC với phát biểu: "Vàng trong nước cao hơn thể giới từ 400 nghìn đồng/lượng trở lên là đầu cơ".
Nhà phân tích độc lập.