Chào bác!
Trước tiên thanks bác nhiều lắm vì những trao đổi cùng em!
Về một số nhận định của bác em có một số ý kiến sau:
- Về việc VDB sẵn sàng cho AVF để hỗ trợ (theo như bác nói là tin từ đội lái cho biết). Trước tiên bác có thể tham khảo bài báo này:
“VDB hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
(Ngày đăng: 28/05/2012 )
(vasep.com.vn) Ngày 24/5/2012, VDB đã gửi VASEP công văn số 1664/NHPT- TTKH thông báo, Ngân hàng sẵn sàng tham gia giải quyết khó khăn về vốn theo quy định hiện hành để các doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm, cân đối được tài chính, ổn định công việc và đời sống cho người lao động.
Sau buổi tọa đàm về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ngày 15/5/2012 tại Cần Thơ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã yêu cầu các chi nhánh VDB tại khu vực ĐBSCL thực hiện việc rà soát các doanh nghiệp chế biến XK thủy sản đã và đang vay vốn của VDB để cùng doanh nghiệp có biện pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
Theo đó, ngày 24/5/2012, VDB đã gửi VASEP công văn số 1664/NHPT- TTKH thông báo, Ngân hàng sẵn sàng tham gia giải quyết khó khăn về vốn theo quy định hiện hành để các doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm, cân đối được tài chính, ổn định công việc và đời sống cho người lao động.
Cụ thể:
- Ngân hàng hỗ trợ trước hết đối với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuát, xuất khẩu bình thường, có khả năng lan tỏa cho vùng sản xuất và các doanh nghiệp khác.
- Trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính bình thường nhưng tạm thời khó khăn về vốn lưu động, ngân hàng có thể xem xét cho vay dòng tiền mới, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền luân chuyển cho hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đang vay vốn của VDB, thì ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ theo quy định và tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm.
- Mức cho vay được xem xét theo quy định của nhà nước trên cơ sở doanh nghiệp cần phải có vốn đối ứng, vốn tự có trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh.
- Thời hạn cho vay phù hợp với chu trình sản xuất – xuất khẩu sản phẩm trên nguyên tắc rút ngắn tối đa để luân chuyển vốn cho vay các doanh nghiệp khác. Lãi suất cho vay là lãi suất ưu đãi theo quy định của Bộ Tài chính.”
Đây có thể là cam kết của VDB với VASEP sau buổi tọa đàm tìm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thủy sản. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nào chính thức được nhận hỗ trợ cho vay từ VDB trước tiên cần qua bộ lọc một số điều kiện từ ngân hàng này. Và liệu AVF có thể chính thức được vay vốn thêm từ VDB thì vẫn chưa thể kết luận được. Đối với những ngân hàng hiện tại đang cho AVF vay (Rất tiếc không được doanh nghiệp thuyết minh rõ ràng cho nhà đầu tư), liệu sẽ bao nhiêu ngân hàng sẵn sàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn khi tỉ lệ nợ đang quá cao hiện tại?
- Về thông tư 22/2012/TT-NHNN vừa được ban hành, xin lưu ý bác đây là thông tư hướng dẫn cho Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 02/12/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Cái này đã được ban hành từ lâu và thông tư chỉ là hướng dẫn cụ thể hơn cho quyết định cũ. Ngoài ra, đây cũng là chính sách để hỗ trợ cho việc mua máy móc, thiết bị, xây kho lạnh phục vụ thu hoạch nông sản và phục vụ việc nuôi trồng, thu hoạch, lưu kho thủy sản để giảm thất thoát, tổn thất cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Chính sách này dù sao cũng hỗ trợ phần nào cho ngành nông thủy sản nhưng theo em tác động tích cực cụ thể tới từng doanh nghiệp là không nhiều khi khó khăn chính hiện tại của doanh nghiệp thủy sản là thiếu vốn lưu động để thực hiện nuôi trồng, thu mua nguyên liệu cho hoạt động sản xuất (Hiện VASEP và Bộ NNPTNN đang kiến nghị lên chính phủ để ban hành gói hỗ trợ mạnh và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp thủy sản).
- Về ý thứ 3 của bác, hiện thị trường EU của AVF đang chiếm hơn 20% doanh thu (theo số liệu năm 2011), và AVF khó có thể đứng ngoài khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này. Hiện có một điều tích cực hơn cho công ty là thị trường Châu Mỹ (có lẻ chủ yếu là từ Mỹ) vẫn giữ được đà tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu bác xem kỹ BCTC trong các năm qua thì sẽ thấy khoản phải thu của công ty tăng khá mạnh do phải bán chịu cho khách hàng (có lẻ đây là hệ quả của việc mở rộng thị trường nhanh của công ty), hệ số vòng quay các khoản phải thu đang giảm mạnh (năm 2008 là 5,43 nhưng 2011 chỉ còn 2,44 và Q1/2012 là 0,62). Đây là điều không mấy tích cực, nó khiến công ty thiếu hụt vốn hoạt động và buộc phải tăng vay nợ ngắn hạn trong các năm qua, làm tỉ lệ nợ hiện tại vọt lên khá cao. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, dòng tiền thực thu được luôn quan trọng hơn doanh thu và lợi nhuận.
Về hội chợ Vietfish sắp tới, đây là hội chợ thủy sản lớn được tổ chức hằng năm, và không chỉ AVF, mà cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác tìm kiếm thêm khách hàng, thị trường mới, nhưng cụ thể doanh nghiệp có thu hút thêm được nhiều khách hàng mới hay không cần phải chờ thời gian để thấy rõ hơn điều đó.
Tóm lại, dưới góc độ chi phí cơ hội, em nghĩ trên sàn hiện tại và ngay cả trong ngành thủy sản vẫn còn nhiều cổ phiếu có tình hình tài chính ổn định và tiềm năng phát triển hơn AVF, không nhất thiết phải để tham gia cổ phiếu đang có nhiều rủi ro. AVF vẫn sẽ được xem xét nếu công ty cải thiện tốt hơn tình hình tài chính khó khăn hiện tại.
Một lần nữa em cảm ơn những ý kiến trao đổi của bác nhiều lắm, bác luôn là một trong những thành viên rất tích cực trên diễn đàn của FPTS. Hi vọng sẽ luôn nhận được những trao đổi của bác để diễn đàn ngày càng lớn mạnh.
Chúc bác nhiều sức khỏe và luôn đầu tư thành công.
Chào quí nhà đầu tư!
Em xin gửi mọi người báo cáo cập nhật ngắn về AGF. Quí nhà đầu tư có gì thắc mắc, có thể trao đổi thêm tại đây
Thanks all !
https://ezdiscuss.fpts.com.vn/Uploads/2012/06/152/Cap%20nhat%20AGF.pdf