MUA MẠNH cổ phiếu CTI với giá mục tiêu là 31.800 đ/cp (upside 22%). Cổ phiếu CTI hiện được giao dịch tại mức P/E FW pha loãng và P/B lần lượt là 10,31x và 1,63x. Thu phí BOT mang lại nguồn doanh thu ổn định với rủi ro thấp. Triển vọng kinh doanh dài hạn đến từ khả năng mở rộng các dự án thu phí BOT và đưa vào khai thác các mỏ đá.
Dự báo KQKD 2016. DTT được dự báo đạt 1.329 tỷ đồng (+60%), LNST đạt 114 tỷ đồng (+68% yoy), tương đương EPS pha loãng 2016 là 2.521 đồng/cp.
Hoạt động thu phí BOT mang lại dòng tiền ổn định, rủi ro thấp. Tính đến năm 2016, CTI thu phí trên 3 tuyến đường huyết mạch với lưu lượng xe lưu thông cao là QL 1A, QL91 và tỉnh lộ 16. Tổng doanh thu phí BOT 2016 được dự báo đạt 563 tỷ đồng. Đặc trưng của các dự án BOT là dòng tiền ổn định, lãi suất hoàn vốn nội bộ (IRR) được đảm bảo và duy trì ở mức cao (từ 12%-14%) trong khi đó, dự án được tài trợ chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng với thời hạn trả nợ kéo dài.
Doanh thu phí BOT dự kiến tăng nhanh. (1) Tăng thêm 2-3 tuyến thu phí quan trọng là nút giao 319 nối vào cao tốc Long Thành-Dầu Giây, BOT chuyên chở vật liệu xây dựng, đàm phán mua lại 49% quyền thu phí QL 51. Nếu đàm phán thành công, CTI sẽ vận hành 6 tuyến đường với 9 trạm thu phí, doanh thu hàng năm ước tính trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so ới 3 doanh nghiệp niêm yết là HTI, HUT và CII. (2) Phí sử dụng QL 1A tăng trung bình 70% kể từ 01/01/2016 và được điều chỉnh tăng 3 năm/lần.
Tiềm năng khai thác các mỏ đá. CTI sở hữu 3 mỏ đá là Tân Cang 8, Đồi Chùa 3 và Bình Lợi với trữ lượng còn lại lớn nhất (lên tới 38 triệu m3), thời gian khai thác còn lại dài nhất, (đến năm 2034) trong bối cảnh nhiều mỏ đá trong khu vực sẽ hết hạn giấy phép khai thác trong 2 năm tới. Nhu cầu đá xây dựng cao từ các dự án sân bay Quốc tế Long Thành và các dự án mở rộng đường ở Đồng Nai và Đông Nam Bộ.