Tổng cục thống kê công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2016. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 2 tăng 0.42% so với tháng 1 năm 2016 và đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2014. So với cùng kì năm 2015 chỉ số CPI tăng 1.27% và với mức tăng là không đổi của tháng 1, sau 2 tháng đầu năm mức tăng của CPI là 0.42%. Đóng góp vào mức tăng của CPI đáng kể nhất đến từ chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi nhóm này tăng 1.98%, đồ uống và thuốc lá tăng 1.15%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0.71%. Chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm khác có biến động tăng nhẹ như: may mặc, mũ, nón, giày dép tăng 0.45%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0.19%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.06%. Chỉ số giá tiêu dùng các nhóm giao thông giảm mạnh nhất với tỉ lệ 3.96%, chỉ số giá tiêu dùng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, viễn thông giảm với tỉ lệ lần lượt là 0.41% và 0.16%
Nhận định của FPTS:
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng diễn biến khá phù hợp với nhận định của chúng tôi trong tháng 1 năm 2016 khi CPI đã có diễn biến tăng do nhu cầu tiêu dùng, các hoạt động lễ hội và mua sắm thực phẩm, đồ uống, quần áo phục vụ dịp Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, thời gian trước Tết Nguyên Đán là thời điểm miền Bắc rơi vào đợt rét lịch sử nên sản lượng nông sản bị ảnh hưởng và điều này đã thúc đẩy giá nông sản tăng. Giá các loại thực phẩm chính như thịt lợn, thịt bò, thủy sản, gia cầm cũng có mức độ tăng khá mạnh trong tháng vừa qua, đóng góp vào mức tăng đáng kể lên nhóm lương thực thực phẩm, nhóm có tỉ trọng cao nhất trong rổ tính CPI của Việt Nam. Ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông giảm mạnh đến từ việc giá xăng tiếp tục giảm khi ngày 18/2 vừa qua, liên bộ Công Thương – Tài chính đã có quyết định giảm giá xăng RON 92 thêm 961 đồng/lít và xăng E5 giảm thêm 942 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm khi giá gas giảm và các hoạt động xây dựng trong tháng Tết giảm.
Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn CPI có thể tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng sẽ không đột biến khi khoảng thời gian nhu cầu cao điểm về thực phẩm, tiêu dùng trong dịp lễ hội đã đi qua, bên cạnh đó phản ánh vào việc giá xăng giảm, một số doanh nghiệp vận tải, taxi có thể hạ giá cước. Các hoạt động đầu tư, xây dựng, giáo dục, y tế trở lại bình thường có thể sẽ thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng các nhóm này tăng cao hơn so với thời điểm tháng 2. Trong dài hạn, chỉ số giá tiêu dùng hiện đang duy trì thấp một thời gian dài sẽ tạo áp lực tăng tiềm ẩn, giá các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới đã giảm mạnh 46% trong thời gian qua, (chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg đã giảm từ đỉnh tháng 3 năm 2014 tại 138.7 xuống 74.8 thời điểm hiện tại), giá nhiên liệu cũng đã giảm mạnh. Mục tiêu lạm phát năm 2016 của Quốc hội ở mức 5% có thể đạt được do (1) Giá dầu thế giới đang có những dấu hiệu tích cực hơn, giá hàng hóa có thể hồi phục nhẹ. (2), Một số dự báo về hiện tượng thời tiết như El Nino có thể tác động lên nguồn cung nông sản và thúc đẩy giá chuyển biến tăng. (3) Giá một số dịch vụ công sẽ tăng lên, học phí có thể tăng theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ.