Nhận định của FPTS: Chúng tôi nhận thấy mức tăng 6.68% là mức tăng cao nhất của Việt Nam kể từ sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2007, điều này cho thấy nền kinh tế đã có một năm hồi phục và tăng trưởng rõ nét, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng của GDP đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng khi khu vực này đã tăng đến 9.64% so với năm 2014 và đóng góp 3.2% vào tăng trưởng năm 2015. Các yếu tố tác động đều có sự cải thiện, chúng tôi chú ý có 2 yếu tố chính tác động đáng kể lên tăng trưởng đó là sản lượng công nghiệp gia tăng và đầu tư nước ngoài đạt mức kỉ lục. (1) Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung cả năm 2015 ước tính tăng 9.8% so với năm 2014 và đây là con số đáng khích lệ khi cao hơn nhiều so với mức tăng 5.9% của năm 2013 và 7.6% của năm 2014. Chính phủ, Bộ ngành địa phương đã có những giải pháp chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển, ước tính cả năm 2015, có 21,506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39.5% so với cùng kì năm 2014. (2) Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có một năm tăng trưởng rõ nét khi có thêm 2013 dự án được cấp phép với số vốn đăng kí đạt 15.58 tỉ USD, tăng 26.8% về số lượng dự án so với cùng kì năm 2014, cùng với đó 814 dự án đã cấp phép từ trước được cấp bổ sung 7.18 tỉ USD. Tính chung cả năm, tổng vốn đăng kí và cấp bổ sung đạt 22.76 tỉ USD, tăng 12.5% so với cùng kì năm 2014 và vốn thực hiện đạt 14.5 tỉ USD, tăng 17.4% so với cùng kì năm 2014. Về xu hướng GDP năm 2016, ngày 28/12/2015, Chính phủ đã công bố hàng loạt chỉ tiêu lớn cho năm 2016, theo đó mục tiêu năm 2016 tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế với GDP tăng trưởng 6.7%. Chúng tôi nhận thấy đây là một mức dự báo khá sát với mức tăng trưởng 6.6% của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khi các Tổ chức này cho rằng với sự điều hành đúng hướng, kiên định và hiệu quả trong 3 năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao trở lại; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp; kiểm soát ngân sách tốt và thâm hụt không quá lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Đáng chú ý là thâm hụt thương mại không đáng lo ngại vì chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa vốn và nhập khẩu là để phục vụ cho xuất khẩu. Nợ công của Việt Nam tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và đang thực hiện khá tốt chiến lược cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm nợ vay nước ngoài, bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục thu hút một lượng lớn vốn FDI cũng như khôi phục được lòng tin của người tiêu dùng.