Cập nhật ngành cao su đến tháng 8/2015
1. Sản xuất và xuất khẩu cao su thế giới:
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA), sản lượng cao su thiên nhiên của nước này có thể giảm 15% xuống mức thấp nhất gần 2 thập kỷ trong niên vụ này. Nguyên nhân là do nông dân ngừng trồng cao su và diện tích cao su đang phát triển bị ảnh hưởng bởi mưa kéo dài. Sản lượng cao su Ấn Độ niên vụ trước (vừa kết thúc vào tháng 3/2015) đạt 655.000 tấn, song năm nay cao su thiên nhiên của Ấn Độ có thể tăng 4% so với 1,02 triệu tấn năm ngoái. Ấn Độ là thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới, nước sản xuất lớn thứ 5 thế giới, do đó, sản lượng cao su giảm sẽ buộc nước này phải tăng nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Việt Nam, In-đô-nê-xia. Thực tế, nhập khẩu cao su thiên nhiên của nước này tăng 5 lần trong vòng 7 năm lên hơn 414 nghìn tấn niên vụ 2014/15. Niên vụ này, Ấn Độ có thể nhập khẩu tới 500 nghìn tấn cao su. Đây có thể là tín hiệu tốt cho giá cao su vốn đang ở sát mức thấp nhất 7 tháng do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chững lại.
Theo Bộ Thương mại Cam-pu-chia, nước này đã xuất khẩu 61.969 tấn cao su trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng 47% so với 42.189 tấn cùng kỳ năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cam-pu-chia đã thu được 84,2 triệu USD từ xuất khẩu cao su, tăng 12% so với 75 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bán 1 tấn cao su đạt khoảng 1.533 USD trên thị trường thế giới vào ngày 17/8/2015, giảm 17% so với 1.848 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu bao gồm Ma-lai-xia, Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu. Theo Bộ Nông nghiệp Cam-pu-chia, diện tích trồng cao su tại nước này trong năm 2014 đạt khoảng 357.809 ha.
2. Tình hình thị trường cao su Việt Nam:
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tác động tới nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cao su. Giá cao su nguyên liệu trong tháng 8 giảm mạnh, với giá mủ 32 độ/kg tại Bình Phước hiện được thu mua với giá 6.720 đ/kg, giảm so với 7.040 đ/kg hồi đầu tháng. Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cũng đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá cao su SVR3L giảm 2.400 đ/kg, từ mức 26.200 đ/kg (31/7) xuống còn 23.800 đ/kg (21/8); cao su SVR10 giảm 2.000 đ/kg, từ 21.600 đ/kg xuống còn 19.600 đ/kg.
Giá cao su giảm sâu trong khi chi phí đầu tư chăm sóc cũng như khai thác mủ lớn, hiệu quả kinh tế mang lại không nhiều nên từ đầu năm đến nay, nhiều vườn cao su tiểu điền tại các tỉnh đã bị chặt bỏ. Tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.800ha cao su bị chặt bỏ hoặc thay thế bằng các cây trồng khác. Tương tự, diện tích vườn cao su bị đốn hạ tại Đồng Nai cũng đã lên đến hàng trăm ha. Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, diện tích vườn cao su bị đốn hạ đang có xu hướng tăng dần, dù cơ quan này chưa có thống kê chính xác về diện tích vườn cao su bị chặt bỏ.
3. Tình hình xuất khẩu cao su ở Việt Nam:
Đầu tháng 8, đợt mưa lũ kéo dài hai tuần liên tục ở Quảng Ninh khiến đường quốc lộ đến Móng Cái bị chìm ngập nhiều đoạn ở hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, gây tắc nghẽn giao thông nên hoạt động xuất khẩu cao su sang Trung Quốc bị ngưng trệ. Sau khi lũ rút, hoạt động xuất khẩu cao su hỗn hợp sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái lại gặp khó khăn do các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng Trung Quốc. Các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu của Trung Quốc tại Đông Hưng đang thực thi việc đóng và mở cửa giao dịch một cách thất thường. Các tuần lễ cuối tháng 7/2015, không có một lô hàng cao su nào được thông quan tại đây. Tuy nhiên, tuần đầu tháng 8/2015 giao dịch đã mở trở lại và hiện nay lại lúc đóng lúc mở. Điều này làm cho các nhà xuất khẩu cao su của Việt Nam bối rối, khó dự đoán, dự báo về nhu cầu thực sự của đối tác, do đó không thể định giá xuất khẩu mặt hàng cao su hỗn hợp đúng thời điểm. Trong bối cảnh đó, phía nhập khẩu là người chiếm lợi thế khi mặc cả giá và có thể ép giá theo ý muốn. Tuần qua, các cửa khẩu Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai xuất được 3.800 tấn cao su, giá xuất khẩu ở mức 9.100 NDT/tấn đối với sản phẩm loại 1, và 9.000 NDT/tấn đối với loại 2.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong tháng 8/2015, từ ngày 01 – 21/8/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.508 USD/tấn, giảm 130 USD/tấn (-7,9%) so với mức trung bình trong tháng 7/2015, và giảm 270 USD/tấn (-15,2%) so với tháng 8/2014.
Mặc dù xuất khẩu cao su thiên nhiên thời gian qua giảm mạnh về giá trị do giá sụt giảm liên tục trên toàn cầu dưới áp lực cung vượt cầu nhưng ngành cao su vẫn đảm bảo mục tiêu về lượng và đạt trên 1 triệu tấn mỗi năm nhờ doanh nghiệp ngành cao su luôn tích cực đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Giá trị của sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đã phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 3 năm 2012 – 2014 đạt 21,3% mỗi năm. Trong đó, lốp xe có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các sản phẩm cao su sản xuất tại Việt Nam, chiếm khoảng 35,3% trong tổng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm cao su. Tiếp theo là linh kiện cao su thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô và nhiều ngành khác, chiếm khoảng 28,9%. Ngoài ra, những sản phẩm cao su có kim ngạch xuất khẩu khác như đế giày cao su (9,7%), găng tay cao su (7,5%), săm xe (5,8%),… Đến cuối năm 2014, ngành cao su đã hoàn thành vượt chỉ tiêu quy hoạch 800.000 ha của Chính phủ về diện tích, sản lượng cao su tiến đến gần mục tiêu 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt hoặc vượt mục tiêu 1,8 tỷ USD/năm; kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su (gồm nguyên liệu, sản phẩm, gỗ cao su) đạt khoảng 3,88 tỷ USD năm 2014.