Việc Chính phủ cho phép XK thêm 2 triệu tấn than theo đề xuất của Bộ Công Thương được đánh giá là đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt trong sản xuất, kinh doanh của các DN ngành than.
Xuất khẩu gặp khó, ngành than tập trung phục vụ sản xuất điện
Bộ Công Thương kiến nghị cho phép xuất khẩu than
Xuất khẩu than đá sang Lào tăng trên 60%
Vừa qua, trước tình hình các kho chứa đang ở mức quá tải do Chính phủ đang tạm hạn chế XK, để giải quyết tồn kho của ngành than, sau khi cân đối nhu cầu trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép XK để giảm lượng tồn kho. Theo đó, Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận cho ngành than được XK 2 triệu tấn than.
Về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành than có nhiều khó khăn do tồn kho, dù đã giải phóng được nhiều, song trước khi được Chính phủ cho phép XK 2 triệu tấn than, ngành than còn tồn kho trên dưới 10 triệu tấn. Vì thế, việc Chính phủ cho phép XK than theo đề xuất của Bộ Công Thương là hoàn toàn đúng, rất có lợi cho ngành than, trong đó có Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).
Liên quan đến tồn kho than, theo báo cáo của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm tình hình sản xuất than có tăng trưởng so với cùng kỳ khi sản lượng than sạch ước đạt gần 17,6 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, việc tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn khiến lượng tiêu thụ giảm khoảng 6% so với năm 2014, riêng than XK giảm còn gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK than giảm xuất phát từ việc Chính phủ hạn chế XK than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn than cung cấp cho ngành điện. Theo đó, đầu năm 2015, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được XK than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo cho sản xuất điện trong các năm từ 2018 – 2020.
Lý giải cho kiến nghị XK 2 triệu tấn than, Bộ Công Thương cho biết riêng năm 2015, sản lượng than thương phẩm của cả ngành ước đạt 40 triệu tấn (trong số này, chủng loại than đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho điện chiếm 60-95%), đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 là 36,34 triệu tấn thì năm 2015 sẽ thừa 3,5 triệu tấn.
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, tùy thuộc vào tình hình diễn biến của từng thời kỳ, việc XK một số loại than chất lượng tốt, có giá trị cao mà trong nước không tiêu thụ hết hoặc không có nhu cầu cũng là điều cần thiết, song song với việc tìm kiếm nguồn than NK phục vụ cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ than trong nước.
XK than cục, than cám chất lượng cao
Ông Trần Viết Ngãi cho biết thêm, trước đây, mỗi năm chúng ta XK 15-20 triệu tấn, giá XK than cao và chúng ta lấy giá đó bù lỗ cho than trong nước. Nhưng thời gian gần đây ta hạn chế XK để chuẩn bị than cho ngành điện nên lượng XK giảm xuống. Hơn nữa, giá XK gần đây thấp, chỉ bằng ½ so với trước, dù có XK đi nữa thì lãi cũng không nhiều. Do đó, trong cân bằng năng lượng cũng như trong hạch toán của ngành than nói riêng thì ngành than vẫn tích cực khai thác để đảm bảo được yêu cầu tối thiểu trước mắt.
Tuy nhiên, Chính phủ tính toán rằng, những loại than tồn kho, than không dùng cho sản xuất điện, xi măng được, hoặc không dùng cho các loại hoạt động khác thì cho XK. “Than XK này chủ yếu là than cục (than kiple), trong nước ít hộ tiêu thụ (chủ yếu là dùng cho luyện kim), không dùng cho sản xuất điện, trong khi các nước rất cần, do đó nên cho XK, vừa để tăng doanh thu, lợi nhuận đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN ngành than, còn loại than cám phục vụ cho ngành điện thì không bao giờ cho XK”, ông Ngãi cho biết. Trước tình hình tồn kho của ngành than và những khó khăn của DN trong ngành, ông Trần Viết Ngãi đề xuất, “nếu DN có tồn kho nên cho phép XK, vì nếu để lâu than sẽ bị phân hủy, kém phẩm chất thì không bán được nữa”.
Được biết, năm 2015 TKV lên kế hoạch tiêu thụ 38 triệu tấn than thương phẩm, trong đó XK 2 triệu tấn. Tuy nhiên, do chủ trương dừng XK than cám của Chính phủ nên đầu năm TKV đã yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm một phần sản lượng của các tháng còn lại so với kế hoạch đầu năm (giảm khoảng 3 triệu tấn). Trong nửa đầu năm 2015, DN XK được khoảng 700 ngàn tấn than cục và than cám chất lượng cao. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức XK than của các năm trước đó, chỉ bằng 18% so với cùng kỳ 2014. Trong số 2 triệu tấn than được phép XK đợt này, số lượng TKV được XK là khoảng 1,5 triệu tấn, chủng loại than chủ yếu là than cục, than cám chất lượng cao (không dùng cho sản xuất điện).
Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng phòng Kinh doanh than (TKV) cho biết: Việc Chính phủ cho phép TKV XK trở lại một số loại than đã giúp cho ngành than giảm được tồn kho các loại than chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng doanh thu của TKV và mang lại công ăn việc làm cho người lao động. Hơn nữa, việc XK các loại than cho ngành thép Nhật Bản giúp TKV nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các tổ chức kinh tế và Ngân hàng Nhật Bản trong việc hỗ trợ tài chính để phát triển mỏ than, đào tạo cán bộ kỹ thuật khai thác, chuyển giao công nghệ khai thác, thăm dò tài nguyên và phát triển quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản.
Việc cho phép DN XK loại than không có nhu cầu sử dụng cho các ngành, đặc biệt là ngành điện, đồng thời nhằm giải quyết tình hình tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN là cần thiết, song nhiều ý kiến cho rằng việc XK cần được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế việc lợi dụng cơ chế này.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng phòng Kinh doanh than (TKV):
Theo văn bản cho phép của Chính phủ, năm 2015 TKV được phép XK 2 triệu tấn, trong đó than cục 900 ngàn tấn, than cám 1,2,3: 990 ngàn tấn, than cám 5 XK sang Lào 110 ngàn tấn. Than cục sẽ được XK sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, chủ yếu phục vụ cho công nghiệp luyện kim hoá chất. Các loại than cám 1,2,3 chủ yếu được XK sang thị trường Nhật Bản cho các nhà máy luyện thép”.