Tại Hội thảo bất động sản Việt Nam 2015 “Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới” mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan bắt đầu tăng mạnh vào bất động sản.
Song song với đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm cao vào từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, dự báo con số này sẽ tăng trong vòng 2 – 3 năm tới đây. “Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với một lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường. Chiến lược đầu tư này chủ yếu thông qua các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A)”, ông Winfield K Wong, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định.
Còn theo ý kiến từ ông Mathew B. Winn, Giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ toàn cầu Cushman & Wakefield, hiện nay các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước để nhanh chóng tiến vào thị trường hơn là bắt đầu từ con số 0. Về mặt lợi ích thì họ sẽ mang lại tiềm lực tài chính tốt hơn, sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản suất, hệ thống phân phối…được chú trọng đầu tư hơn, công tác đào tạo nhân lực được nâng cao, từ đó giá trị sản phẩm và thương hiệu được nâng tầm.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng trong thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự gia nhập thị trường của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn. Trong năm 2014 vừa qua, các vụ giao dịch M&A diễn ra giữa các tập đoàn trong nước, đa số các nhà đầu tư nước ngoài đang trong tình trạng chờ đợi thời cơ thích hợp để nhảy vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2017 sẽ là thời điểm bùng nổ mạnh các thương vụ M&A giữa các tập đoàn trong nước với nước ngoài.
Để khai thác hiệu quả nhất giá trị quỹ đất, trong năm 2015 công ty CP Địa ốc Nam Long (NLG) sẽ thực hiện kế hoạch huy động vốn cho 2 dự án là Waterpoint và Aquamarine Residences. Trong đó, công ty này cũng tính đến chiến lược làm việc với các đối tác chiến lược là quỹ đầu tư nước ngoài nhằm huy động được nguồn vốn hiệu quả nhất dựa trên mô hình đôi bên cùng có lợi (win-win).
Tháng 3-2015, NLG đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án Flora Anh Đào với hai nhà đầu tư bất động sản lớn của Nhật Bản là công ty Hankyu Realty và công ty Nishi Nippon Railroad. Các bên sẽ đóng góp vốn 50-50 vào quá trình đầu tư xây dựng dự án.
“Việc hai nhà phát triển bất động sản hàng đầu Nhật Bản lần đầu tiên ký kết hợp tác chiến lược với doanh nghiệp bất động sản trong nước đã chứng minh cho thấy tiềm năng lĩnh vực BĐS của Việt Nam nói chung và riêng tại TP.HCM nói riêng đang ngày càng hấp dẫn. Trong tương lai, nhiều nhà đầu tư bất động sản của Nhật Bản sẽ tăng cường sự hiện diện tại TP.HCM”, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG, cho biết.
Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng đang tiến hành các phương án thu hút vốn ngoại để hiện thức hóa một số dự án lớn trong năm nay. Theo đó, HQC quyết tâm đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 dự kiến 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận 320 tỷ đồng (gấp 10 lần năm 2014), cổ tức 8%. Riêng trong quý 1-2015, HQC ước tính lợi nhuận đạt ít nhất là 30 tỷ đồng. Hiện nay, HQC đang thương lượng với các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có 3 quỹ đầu tư nước ngoài. Khả năng tối thiểu là HQC có thể bán được cho các nhà đầu tư chiến lược giá trị khoảng 20 triệu USD.
Quỹ Đầu tư Jen Capital - thuộc Chiaphua Limited (một trong những quỹ đầu tư tư nhân quản lý nhiều công ty ở Hồng Kông đã phát triển trên 200 dự án tại châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông) cũng đang tìm kiếm những dự án bất động sản tiềm năng trong trung và dài hạn ở Việt Nam.
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ Jen Capital, hiện tổ chức tài chính này đang tập trung vào các dự án ở vùng đô thị đông dân cư, quy mô khoảng vài trăm căn hộ như ở quận Tân Bình, quận 4, quận 7, quận 10…Trung bình mỗi dự án quỹ này chỉ rót vốn từ 10-20 triệu USD và không chọn những dự án cao cấp ở trung tâm thành phố. Nguồn vốn đến từ các tổ chức tài chính, quỹ đấu tư quốc tế lớn.
Tuy nhiên, ông Trân cũng cho rằng cản trở lớn nhất cho các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A là họ khó chấp nhận những dự án nào vẫn chưa phải là “đất sạch”, còn vướng các thủ tục pháp lý về đền bù giải tỏa… Khó khăn thứ hai của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện M&A tại Việt Nam là vấn đề giá đất chưa rõ ràng. Thứ ba, chính sách cần phải được rõ ràng, minh bạch về mặt xin giấy phép, trả tiền sử dụng đất, chính sách tài cho người mua…
“Nếu chấp nhận rủi ro thì chúng tôi cũng không thể nào xác định được thời điểm chính xác nhận được đất sạch để phát triển dự án. Nhưng, nếu vốn bị chôn trong dự án từ 1-2 năm thì lẽ dĩ nhiên lợi nhuận sẽ không còn”, ông Trân nói.