|
Tổng cục thống kê Việt Nam vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1.CPI tăng khá mạnh so với tháng trước với mức tăng 1,25%, CPI tháng 1/2012 tăng 7,07% so với tháng 1/2012
Lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi
Thủ tướng ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm Phó Trưởng Ban.
Các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
CPI cả nước tháng 1 tăng 1,25% so với tháng trước
Tổng cục thống kê Việt Nam vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1.
Không nhiều bất ngờ khi tháng cận tết nguyên đán, chỉ số giá tiêu dùng tăng khá mạnh so với tháng trước với mức tăng 1,25%. CPI tháng 1/2012 tăng 7,07% so với tháng 1/2012.
Nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Sau đợt "kìm hãm" đà tăng của nhóm này bằng cách yêu cầu một số tỉnh thành hoãn tăng giá trong năm 2012 thì đầu năm 2013 một số tỉnh đã tăng giá thuốc khiến nhóm hàng này tăng 7,4% so với tháng 12/2012.
2 nhóm hàng phục vụ nhiều cho nhu cầu ngày tết là hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 1,34% so với tháng trước trong đó nhóm thực phẩm tăng mạnh nhất 1,96%. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,3% so với tháng 12.
Các nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung trong đó nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% so với tháng 12/2012.
Tháng 1/2013, khối FDI xuất siêu trên 1 tỷ USD
Cục đầu tư nước ngoài vừa công bố tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 1 năm 2013.
Vốn FDI thực hiện tháng đầu tiên năm 2013 đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ trong khi vốn đăng ký trong tháng chỉ đạt 281,5 triệu USD, tăng 74% so với tháng 1 năm 2012.
Về xuất nhập khẩu, báo cáo cho biết khối doanh nghiệp FDI trong tháng 1 đã xuất siêu 350 triệu USD (không kể dầu thô) và con số xuất siêu lên tới 1,07 tỷ USD nếu tính cả xuất khẩu dầu thô.
Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vị trí quán quân trong thu hút vốn FDI với 202 triệu USD, chiếm 72% tổng số vốn FDI đăng ký trong tháng.
Nhật Bản đứng đầu trong các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 157,8 triệu USD, chiếm 56,1% FDI đăng ký. Thái Lan về vị trí thứ 2 với 19,3%.
Nợ Công của Việt Nam đã xấp xỉ 1,4 triệu tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, nội dung chủ yếu của bản tin sẽ phản ánh đầy đủ giá trị tổng nợ công của Việt Nam. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2011, nợ công là 1,392 triệu tỷ đồng, bằng 54,9% GDP năm 2011, bao gồm:
- Tổng dư nợ của Chính phủ tính đến ngày 31/12/2011 là 1,096 triệu tỷ đồng, bằng 43,2% GDP (gồm các khoản vay trong nước của Chính phủ là 429 nghìn tỷ đồng từ các nguồn phát hành trái phiếu, tín phiếu, vay tồn ngân kho bạc, các khoản vay khác theo quy định của pháp luật; và vay nước ngoài là 667 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại).
- Nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến ngày 31/12/2011 là 285 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% GDP, gồm bảo lãnh vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; bảo lãnh vay/phát hành trái phiếu trên thị trường vốn trong nước cho các định chế tài chính chính sách (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội) và một số dự án trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nợ chính quyền địa phương tính đến ngày 31/12/2011 là 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 0,4% GDP, gồm: trái phiếu chính quyền địa phương, vay tồn ngân kho bạc, các khoản vay khác theo quy định của pháp luật.
ANZ: Tỷ lệ lạm phát năm 2013 của Việt Nam khoảng 8 – 10%
Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo “Quick reaction - vietnam’s january inflation edged higher due to upcoming tet holiday” (tạm dịch: Lạm phát tháng 1 của Việt Nam tăng do kỳ nghỉ Tết sắp đến) cập nhật tình hình về lạm phát tháng 1 của Việt Nam. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra một số nhận định về triển vọng lạm phát năm 2013.
Theo đó, ANZ cho rằng lạm phát của tháng 1 tăng lên chủ yếu là do các hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán. ANZ cho rằng năm nay, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có thể nằm trong khoảng 8 – 10%. Trong thời gian vừa qua, chính sách nới lỏng chỉ có tác động nhỏ lên nguồn cung tín dụng và tăng trưởng GDP vẫn ở dưới mức tiềm năng 7 – 8%. Do đó, áp lực tăng giá từ lực cầu là nhỏ.
World bank: Cảnh cáo những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013
World Bank cho rằng, Việt Nam đang triển khai chậm trễ, kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu kể cả giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và DNNN.
ông Deepak Mishra cho rằng, lạm phát của Việt Nam cơ bản vẫn cao, khoảng 11% trở lên – cao hơn so với một số quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế do không đảm bảo năng lực cạnh tranh theo thời gian, đặc biệt lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình thị trường do đó điều hành lạm phát phải đều đều và không được quá shock.+
Về dự trữ ngoại hối, vị đại diện của World Bank cũng cho rằng, dự trữ ngoại hối còn thấp so với các nước trên thế giới. Điểm yếu trong dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là khi có biến động, tiền được chuyển đổi sang đồng tiền khác hoặc bất động sản. World Bank khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường lên 3 tháng nhập khẩu.
Tín dụng và khả năng thanh toán, trong 2 tháng trở lại đây, cung tiền tăng nhanh, khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng tăng lên 12%, và lãi suất đã giảm xuống. Tuy nhiên, theo World Bank Việt Nam nới lỏng các chính sách tài khóa tiền tệ sớm khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại.
Thời gian gia hạn nộp thuế có thể đến tháng 1/2014
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định có thể được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa đến tháng 1/2014.
Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Nội dung dự thảo quy định rõ việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế giá trị gia tăng.
+ Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng
Hà Nội sẽ thanh tra, kiểm tra thuế tại gần 13.400 doanh nghiệp
Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết việc này nhằm nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, góp phần chống thất thu ngân sách.
Đơn vị sẽ thanh, kiểm tra tại 13.393 doanh nghiệp (DN), trong đó, thanh tra 1.468 DN và kiểm tra 11.925 DN.
Đây là những đơn vị trong các lĩnh vực: dược phẩm, dịch vụ du lịch, quảng cáo truyền hình, kinh doanh vàng bạc, bất động sản, điện lực, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản, kinh doanh trực tuyến...
Đặc biệt, đơn vị sẽ tập trung thanh tra chống chuyển giá tại DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN nộp thuế lớn, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra.
|