Hiện trạng hủy niêm yết
Từ đầu năm đến nay, trên thị trường đã có gần 20 DN bị hủy niêm yết. Ngoại trừ HBB, S64, SSS phải hủy niêm yết để sáp nhập, một số DN bị hủy niêm yết vì vi phạm quy định pháp lý, như lỗ 3 năm liên tiếp (BAS, CAD, VPK) hay bị âm vốn chủ sở hữu (SME, SD3…). Trường hợp khác, cổ phiếu CSG phải hủy niêm yết do Công ty quyết định giải thể.
Khi chưa có cơ chế chính thức, UBCK vẫn là đầu mối, xem xét chấp thuận chuyển nhượng các cổ phiếu hủy niêm yết
Theo dự báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) thì nhiều khả năng, số lượng DN hủy niêm yết sẽ tăng thêm khi danh sách cổ phiếu có kết quả kinh doanh thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp dần được bổ sung trong mùa công bố báo cáo tài chính 2012 sắp tới. Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, ngoài các DN có kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục thì các DN có lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất cũng bị hủy niêm yết. Những DN bị hủy niêm yết bắt buộc đã đành, nhưng đến những DN làm ăn hiệu quả, giá cổ phiếu tốt như CTCP Gò Đàng (AGD), CTCP Vinafco (VFC)… cũng đã công bố việc hủy niêm yết tự nguyện. Lý do rút khỏi TTCK được lãnh đạo các DN thẳng thắn thừa nhận là, việc niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông, cho DN, cổ phiếu có tính thanh khoản kém, thậm chí không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Những chia sẻ thực tế của khối DN “khỏe” vẫn quyết định rời sàn là điều đáng suy nghĩ với cơ quan tổ chức và vận hành TTCK Việt Nam.
Cần sớm có cơ chế giao dịch cổ phiếu hủy niêm yết
Tất cả các DN trên sàn đều có số cổ đông đến hàng trăm, hàng nghìn người, phân tán ở mọi miền đất nước. Khi DN hủy niêm yết, điều khiến nhà đầu tư băn khoăn nhất là “số phận” cổ phiếu mình đang nắm giữ sẽ ra sao. Trên thực tế, đối với những DN hủy niêm yết tự nguyện, DN thường chủ động đưa ra phương án để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nhưng với các DN bị hủy niêm yết bắt buộc thì sao? Dù giá cổ phiếu của loại DN này thường rất thấp, nhưng đó vẫn là tài sản có giá trị. Cổ phiếu sau khi hủy niêm yết vẫn được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán - VSD (do DN là công ty đại chúng), khiến nhà đầu tư nếu muốn giao dịch sẽ phải làm nhiều thủ tục xin cơ quan chức năng.
Ngoài loại cổ phiếu bị hủy niêm yết chưa tìm ra cách giao dịch thì các công ty đại chúng đã thực hiện đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại VSD, nhưng chưa niêm yết hay đăng ký giao dịch, cổ đông cũng gặp khó khăn về thủ tục sang tên khi có nhu cầu chuyển nhượng. Khi DN chưa đăng ký, lưu ký cổ phiếu, quyền quyết định chuyển nhượng cổ phiếu thuộc HĐQT, nhưng khi cổ phiếu đã chuyển đến VSD quản lý, việc chuyển tên sở hữu cổ phiếu là cả một quy trình không dễ dàng.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường UBCK cho biết, UBCK đã xây dựng cơ chế để tổ chức chuyển nhượng cho các loại cổ phiếu hủy niêm yết trên 2 Sở và các DN đã lưu ký tại VSD nhưng chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch chính thức trên hệ thống. Cơ chế này UBCK đã trình Bộ Tài chính và UBCK cũng rất mong văn bản này sớm được ban hành để cổ đông, nhà đầu tư có một cơ chế giao dịch dễ dàng hơn cho tài sản của họ. Trước mắt, khi chưa có cơ chế chính thức, UBCK vẫn là đầu mối, xem xét chấp thuận cho cổ đông chuyển nhượng các cổ phiếu lưu ký tại VSD.