Tổng cục thống kê đã công bố số liệu chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2015 và chỉ số sản xuất cả năm 2015. Theo đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 6.6%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13.8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7.7%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10.5%.
Tính chung cả năm 2015, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9.8% so với năm 2014 (Quý I tăng 9.3%; quý II tăng 10.2%; quý III tăng 9.3%; quý IV ước tính tăng 10%), cao hơn nhiều mức tăng 5.9% của năm 2013 và 7.6% của năm 2014. Trong mức tăng chung cả năm của toàn ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 6.5% (năm 2014 tăng 2.4%), đóng góp 1.4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10.6% (năm 2014 tăng 8.7%), đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung với 7.5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11.4%, đóng góp 0.8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 7.4%, đóng góp 0.1 điểm phần trăm.
Nhận định của FPTS:
Chúng tôi nhận thấy mức tăng 9.8% là mức tăng kỉ lục của Chỉ số sản xuất Công nghiệp Việt Nam, cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, tăng trưởng là đồng bộ tất cả các ngành, không có ngành nào sụt giảm so với năm 2014 . Đáng chú ý, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10.6% so với cùng kì năm 2014, trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính sản phẩm quang học tăng 37%, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 26.7%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn duy trì tốt các hoạt động kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, chủ động tìm kiếm khách hàng trong ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, mặc dù năm qua chúng ta bị ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, xu hướng thương mại toan cầu đang yếu dần và IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP toan cầu từ 3.7% xuống 3.1%, và ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP châu Á từ 6.1% xuống 5.8%. Mức sản xuất công nghiệp gia tăng là động lực chính tác động lên tẳng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015, và chúng ta đã có một năm tăng trưởng đạt 6.8% (cao hơn kế hoạch 6.2%) và là mức tăng cao nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2007. Chúng tôi cho rằng với mức dự báo tăng trưởng của chính phủ, mục tiêu năm 2016 tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế với GDP tăng trưởng 6.7%. Tổng cầu 2016 dự báo có phần tăng khá hơn 2015, nhưng mức tăng không lớn, đến từ cả nhu cầu nội dịa và thị trường nước ngoài, xuất khẩu tăng trưởng cao hơn khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, mở rộng thị trường nhất là mặt hàng dệt may, nông, lâm, thủy sản,… chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 sẽ tiếp tục duy trì và tăng trưởng nhẹ trong năm 2016.