Kính gửi quý nhà đầu tư
Tôi xin gửi quý nhà đầu tư một số điểm đáng lưu ý sau khi em tham dự đại hội cổ đông thường niên 2013 của 2 doanh nghiệp Imexpharm và Domesco như sau:
Imexpharm:1. Bà Trần Thị Đào, phó CT. HĐQT kiêm TGĐ đón nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của chính phủ, là 1 trong 3 lãnh đạo ngành dược đạt được danh hiệu này (ngoài bà Phạm Thị Việt Nga của Dược Hậu Giang và ông Lê Minh Điểm của OPC).
2. Lãnh đạo của Bộ Y tế cũng cho biết trong thời gian tới các quy định chính sách của bộ sẽ có nhiều điểm cải tiến nhằm ưu tiên cho các doanh nghiệp chịu đầu tư sâu về chất lượng, nhà máy và quy trình sản xuất hiện đại như Imexpharm, phù hợp với định hướng của bộ chính trị: Ưu tiên người Việt dùng thuốc Việt và chứng minh thuốc của Việt Nam hoàn toàn có thể tương đương với thuốc nhập ngoại từ Châu Âu, Mỹ.
3. Năm 2014, IMP đặt kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng (+17% so 2013), LNTT trước trích lập quỹ KHCN 120 tỷ đồng (+12.5% so 2013), LNST ước tính khoảng: 85.4 tỷ đồng (+41% so 2013).
4. ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua phương án chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và chia cổ tức còn lại của năm 2013 tỷ lệ 15%. Ban điều hành của IMP đang đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ trình Ủy ban chứng khoán nhà nước để có thể chốt cùng lúc quyền nhận cổ tức còn lại 2013 và quyền nhận thưởng cổ phiếu. Dự kiến thời gian chốt sớm nhất là sau 30 ngày làm việc kể từ ngày ra nghị quyết, theo ước tính của tôi sẽ có khả năng rơi vào thời điểm cuối tháng 5/2014.
5. Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2014, doanh thu thuần đạt 175 tỷ đồng (-6% so cùng kỳ 2013), LNST đạt 21.7 tỷ đồng (+5% so cùng kỳ 2013), hoàn thành 25.4% kế hoạch năm
Quý nhà đầu tư lưu ý: Thông tin mà CafeF đưa ra
tại đây trên website: Cafef.vn về việc IMP chỉ hoàn thành 18% kế hoạch năm
là không chính xác và sai về bản chất. Kế hoạch IMP đặt ra là 120 tỷ LNTT chưa trích lập quỹ khoa học công nghệ (phần trích lập này khoảng 10.5 tỷ đồng và tính vào chi phí QLDN), do đó, số kế hoạch trên thực tế là 120-10.5=109.5 tỷ đồng, nếu so với số thực tế này, LNTT quý I của IMP đạt 27.8 tỷ, hoàn thành 25.4% kế hoạch năm.
Nguyên nhân doanh thu quý I/2014 giảm: Từ năm 2014, IMP chuyển tỷ trọng chủ lực từ kênh điều trị (ETC) sang kênh thương mại (OTC) với tỷ trọng kỳ vọng lần lượt là 70% OTC và 30% OTC. Các năm trước, khi ETC vẫn là kênh chủ lực, mùa quý I và quý IV hàng năm là các mùa cao điểm trong đầu thầu vào bệnh viện. Tuy nhiên, trái với kênh ETC, quý I thường là mùa thấp điểm của kênh OTC do trùng với 1 tháng tết âm lịch và nhu cầu tiêu dùng thuốc đầu năm thường không cao.
6. Chiến lược kinh doanh trong năm 2014: Tập trung vào nhóm 20% sản chủ lực nhưng đóng góp đến 80% doanh thu và lợi nhuận. Giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm không mang lại hiệu quả cao. Ưu tiên cho kênh thương mại trong bối cảnh quy định về đấu thầu thuốc vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
7. Thông tin về sản xuất nhượng quyền: Tập đoàn dược phẩm CFR Pharmaceutical S.A (Chi lê – cổ đông lớn nhất của DMC) đã ký kết hợp đồng chuyển giao sản xuất nhượng quyền 10 dòng sản phẩm của CFR cho Imexpharm do Imexpharm đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn nhà máy và chất lượng sản phẩm mà họ đặt ra. Nguyên nhân do Domesco dù là doanh nghiệp trực thuộc của CFR nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Imexpharm đã xây dựng xong bộ hồ sơ và đang trong quá trình chờ cục quản lý dược cấp giấy phép sản xuất
Về mặt uy tín: Hợp đồng này cho thấy Imexpharm vẫn nhận được sự tin tưởng của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài, vẫn là sự lựa chọn hàng đầu khi các tập đoàn này muốn sản xuất thuốc của họ tại Việt Nam.
Về mặt hiệu quả kinh doanh: Hợp đồng này chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể phần doanh thu từ sản xuất nhượng quyền của IMP. Nếu danh mục 10 sản phẩm này có bao gồm dòng sản phẩm kháng sinh tiêm (Cephalosporin hoặc Penicillin), doanh thu và lợi nhuận của IMP sẽ có sự gia tăng rất đáng kể do các dòng sản phẩm này có giá trị và viên lãi gộp tương đối cao so với các loại thuốc uống thông thường. Do chi tiết hợp đồng vẫn đang phải giữ bí mật nên tôi tạm thời chưa lượng hóa được con số doanh thu đóng góp cụ thể. Thông tin này tôi sẽ cập nhật thêm trong các bản tin sau.
8. CFR đã từng đặt vấn đề mua lại toàn bộ IMP nhằm tận dụng hệ thống sản xuất và con người của IMP vào năm 2011. Tuy nhiên, do định hướng phát triển của hai bên chưa gặp nhau và kết hợp với một số nguyên nhân khách quan khác nên thương vụ này không tiến triển. Sau thương vụ bất thành với IMP, CFR đã mua 40% cổ phần của DMC.
9. Về đối tác chiến lược mà IMP dự kiến phát hành riêng lẻ cổ phiếu: dù IMP chưa tiết lộ thông tin chi tiết nhung theo thông tin của tôi: đối tác chiến lược này là một đơn vị khá mạnh trong mảng phân phối dược phẩm (hoạt động thuần trong mảng phân phối, không có hoạt động sản xuất), dự kiến sẽ giúp đẩy mạnh doanh thu của IMP trong năm 2014 và mở rộng thị trường của IMP ra khu vực miền Trung và Miền Bắc. Điểm đặc biệt nhất: Đối tác này sẽ đưa một số đơn hàng sản xuất nhượng quyền từ các tập đoàn dược phẩm nước ngoài về cho IMP sản xuất. Do đó, hứa hẹn mối quan hệ với đối tác chiến lược này sẽ giúp IMP đạt được 2 mục tiêu: mở rộng doanh thu kết hợp với phát triển mạng lưới phân phối và tăng doanh thu/lợi nhuận từ sản xuất nhượng quyền.
Khuyến nghị: Với giá mục tiêu trong 8 tháng tới là 73.000 đ/cp, giá cổ phiếu IMP đang thấp hơn 21% so với giá trị hợp lý. Do đó, tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA cho mục tiêu trung và dài hạn.
Domesco:
1. Doanh thu cty Mẹ quý I/2013 đạt 374 tỷ đồng (+30% so với cùng kỳ 2013) LNST công ty mẹ quý I/2014 đạt 30.3 tỷ đồng (+25% so với cùng kỳ 2013).
Nguyên nhân: Chủ yếu do Domesco tái cấu trúc danh mục sản phẩm trong kỳ theo yêu cầu từ phía cổ đông lớn CFR, hướng cấu trúc chủ đạo là loại bỏ các dòng sản phẩm giá trị thấp, biên lãi gộp thấp và gia tăng sản xuất các dòng sản phẩm giá trị cao, biên lãi gộp cao trong bối cảnh công suất sản xuất đã đạt ngưỡng tối đa và không thể tăng thêm.
2. Năng lực sản xuất của Domesco đã vượt ngưỡng tối đa cho phép. Công suất thiết kế toàn hệ thống hiện tại của DMC chỉ là 600 tr đvsp/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nửa cuối năm 2013 và quý đầu năm 2014, sản lượng sản xuất của DMC tăng lên ngưỡng tối đa 1.2 tỷ đvsp (không thể nâng thêm) bằng cách tăng ca từ 2ca/ngày lên 3ca/ngày và làm cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ…
=>Năng lực sản xuất của DMC đang là vấn đề lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi các dự án nhà máy mới vẫn chưa được triển khai, người lao động có hiện tượng bị quá tải do phải làm việc tăng ca.
3. Hệ thống nhà máy hiện tại của DMC đã được xây dựng từ năm 2004 và liên tục khai thác đến nay, nên nhiều thiết bị đã xuống cấp, tốn điện năng, bên cạnh mặt bằng nhà xưởng chật hẹp nên gây khó khăn cho việc nâng cấp công suất cho nhà máy trong các năm tiếp theo.
4. Nhà máy Betalactam sản xuất kháng sinh uống Cephalosporin đã được DMC cải tạo từ nhà máy cũ với kinh phí 824 triệu đồng và đã hoàn thành trong tháng 3/2014. Tuy nhiên, sau khi FPTS chất vấn, DMC đã cho biết nhà máy này sau khi nâng cấp vẫn đang ở tiêu chuẩn GMP-WHO, không phải tiêu chuẩn GMP-Colombia hay PIC/S-GMP như nhiều nguồn thông tin đã phản ánh trong suốt thời gian qua. Nguyên nhân là do nhà máy này vẫn đang trong quá trình chờ Bộ Y tế Colombia thẩm định và xem xét tiêu chuẩn chất lượng trước khi cấp phép.
5. Theo ban lãnh đạo DMC và cổ đông lớn CFR, nhà máy NonBetalactam mà DMC dự định triển khai theo tiêu chuẩn EU-GMP sớm nhất đến năm 2018 mới có thể đưa vào vận hành. Từ nay cho đến năm 2018, để giải quyết vấn đề về năng lực sản xuất, DMC và CFR sẽ xem xét phương án thâu tóm các đơn vị sản xuất khác và giao sản xuất nhượng quyền một số dòng sản phẩm (đây là trường hợp CFR đã giao Imexpharm sản xuất nhượng quyền 10 dòng sản phẩm).
Lưu ý: CFR đã từng đặt vấn đề mua lại toàn bộ IMP nhằm tận dụng hệ thống sản xuất và con người của IMP vào năm 2011. Tuy nhiên, do định hướng phát triển của hai bên chưa gặp nhau và kết hợp với một số nguyên nhân khách quan khác nên thương vụ này không tiến triển. Sau thương vụ bất thành với IMP, CFR đã mua 40% cổ phần của DMC.6. Khi được FPTS hỏi về liên doanh nhà máy sản xuất thuốc ung thư, cổ đông lớn SCIC cho biết: SCIC đang lập kế hoạch khai sinh một liên doanh với CFR Pharmaceutical SA để xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc điều trị Ung thư tại Hà Nội. Trong đó, SCIC sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, CFR sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống nhà máy sản xuất. Đối với liên doanh này, DMC chỉ được hưởng lợi từ việc là đơn vị phân phối độc quyền thuốc của liên doanh, ngoài ra, DMC không được lợi ích gì về mặt chuyên môn do CFR phụ trách hoàn toàn khâu sản xuất mà không cần thông qua DMC. Dự án này đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch tiền khả thi, SCIC và CFR sẽ tổ chức cho các lãnh đạo cơ quan ban ngành liên quan tham quan các nhà máy tương tự tại khu vực Nam Mỹ trong thời gian sắp tới.
Khuyến nghị: LNST 2014 của DMC ước đạt 131 tỷ đồng, EPS 2014 (F) ước đạt 4.904 đ/cp. Ứng với mức P/E hợp lý và thận trọng khoảng 10.0 trong giai đoạn hiện tại, giá phù hợp của cổ phiếu DMC là 49.000 đ/cp, cao hơn 14% so với thị giá hiện tại. Do đó, em khuyến nghị THÊM đối với cổ phiếu DMC với mục tiêu ngắn và trung hạn.
Trên đây là một số thông tin tổng hợp, nhận định và khuyến nghị sau đại hội cổ đông thường niên 2014. Nếu quý nhà đầu tư còn bất cứ điểm nào chưa rõ, xin quý nhà đầu tư đừng ngân ngại liên hệ với tôi theo thông tin liên lạc phía dưới.
Xin chân thành cảm ơn.
Hoàng Hiếu Tri
Chuyên viên Phân tích
Tel: (84.8) 6290 8686 / máy lẻ: 7596
Fax: (84.8) 6291 0559
Mobile: (84) 986 365 272
E-mail:
trihh@fpts.com.vnAddress: Tầng 3, Tòa nhà Bến Thành Time Square, 136 - 138 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, Tp.HCM
Website:
www.fpts.com.vn *** CẢNH BÁO BẢO MẬT THÔNG TIN ***
Thông điệp này chỉ dành cho cá nhân/tổ chức được nêu tên/được chỉ định nhận và có thể chứa thông tin đặc quyền và tuyệt mật. Nếu bạn không phải là người được chỉ định nhận thông điệp này, bạn không được phép phổ biến, phân phát hay sao chép thông tin này. Nếu bạn nhận được thông tin này do lỗi của người gửi, xin vui lòng báo cho người gửi biết ngay lập tức bằng cách gửi email trả lại và xoá thông điệp gốc. Xin chân thành cảm ơn!