Niên vụ mía đường 2013 - 2014 : Nội xuất khó khăn, ngoại nhập dễ dàng
Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm khi cả hai DN là Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Cty CP đường Biên Hòa đồng đề xuất xin phép Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường từ Lào vào thị trường VN để gia công và XK tiểu ngạch vào cửa khẩu phụ ở Bản Vược, Bát Xát của tỉnh Lào Cai.
Điều này không chỉ tạo thêm mối lo cho hơn 40 nhà máy chế biến đường trong nước mà hàng triệu hộ nông dân trồng mía cũng thấp thỏm lo âu.
Theo Hiệp hội mía đường VN (VSSA), trong khi các giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn chưa được quản lý chặt, việc cấp quota 73.500 tấn theo lộ trình WTO đã được Bộ Công Thương phân giao hết cho 30 DN sử dụng đường để sản xuất thực phẩm đã làm thủ tục nhập về thì việc cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu đường của HAGL sản xuất tại Lào về VN vô tình đã “bịt” lối thoát duy nhất cho lượng đường thừa của các nhà máy chế biến đường trong nước sản xuất, càng làm cho tình hình căng thẳng.
Chồng chất khó khăn
Trong văn bản kiến nghị gởi*Thủ tướng*Chính phủ, VSSA cho biết, chỉ riêng niên vụ năm 2012 - 2013 vừa qua, lượng đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường tồn kho của niên vụ trước đã thừa khoảng 400.000 tấn và dự báo niên vụ 2013 - 2014 cũng tiếp tục thừa với số lượng lớn. Nếu cộng thêm với lượng đường nhập lậu trốn thuế từ các cửa khẩu Tây Nam và gian lận thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu do tạm nhập tái xuất thì số lượng này chiếm khoảng 30% thị phần nội địa.*
Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho các nhà máy chế biến đường về lượng đường tồn kho, được sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ Công Thương, trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, ngành mía đường VN phải chật vật, bán tháo đường sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát của tỉnh Lào Cai và đây là lối thoát duy nhất để “giảm nhiệt” giúp hơn 40 DN của VSSA an tâm bước vào thu hoạch vụ mùa mới.
Do vậy nếu chấp nhận kiến nghị của HAGL để Cty CP đường Biên Hòa nhập về tinh luyện rồi XK cũng qua cửa khẩu phụ trên đã vô tình để đường ngoại có cơ hội lấn chiếm XK tiểu ngạch đường sang Trung Quốc và giá đường bán hiện đã thấp lại càng thấp hơn do tranh giành… xuất.
Là DN FDI, ông Subbaiah - Tổng giám đốc Cty TNHH Công nghiệp KCP VN (Phú Yên) không khỏi quan ngại khi trao đổi với Báo DĐDN, trong khi hàng loạt các nhà máy có lượng đường tồn kho lớn như nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa) là 12.000 tấn và bản thân DN ông có số tồn kho lớn nhất trong ngành là 38.000 tấn.*
Ông Subbaiah nhận định, việc nhập khẩu này không tạo điều kiện cho ngành mía đường VN phát triển mà ngược lại tạo thêm áp lực cho các nhà máy đường do cạnh tranh không cân bằng. Ông Subbaiah dẫn chứng, đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ nước này. Nhờ đó mà giá mía nguyên liệu thấp, chỉ khoảng 296.000 đồng/tấn, nếu quy ra giá đường chỉ khoảng 4.320.000 đồng/tấn đường.*
Trong khi đó, các nhà máy chế biến đường của VN, để đảm bảo cuộc sống ổn định cho hàng triệu hộ trồng mía nên những năm qua các nhà máy chế biến đường đã bao tiêu và bảo hiểm cây mía qua việc mua mía nguyên liệu với giá từ 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn, chiếm 9.000.000 - 11.000.000 đồng vào giá thành của một tấn đường.
Sự khác biệt về chính sách cũng như vùng nguyên liệu tập trung đã giúp cho giá thành mặt hàng đường do HAGL sản xuất tại Lào không chỉ cạnh tranh mạnh tại VN mà ngay cả các quốc gia như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ cũng không thể cạnh tranh về giá với đường của HAGL tại Lào.
Có lợi ích nhóm ?
Trong XK, các DN VN luôn bị thụ động do các cơ quan quản lý kiểm soát chặt nguồn cung, trong khi đó lượng đường nhập khẩu vẫn “ung dung” vào thị trường nội địa. Đó là tâm trạng bức xúc của ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa.*
Theo tính toán của ông Liêm, chỉ cần một DN được cấp quota nhập khoảng 20.000 tấn đường thì ít nhất đã lãi ròng hơn 80 tỉ đồng do chênh lệch giá. Ông Liêm trăn trở, để duy trì ổn định sản xuất cho người trồng mía, tất cả các nhà máy đường phải bóp bụng để đảm bảo chính sách hỗ trợ giá mía cho nông dân để duy trì nguồn nguyên liệu.*
Với sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu tấn đường thì ngành mía đường đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Do vậy, ngoài việc “buộc” phải nhập 73.500 tấn đường theo WTO thì việc cấp theo hạn ngạch nhập khẩu đường của HAGL thông qua Cty CP đường Biên Hòa vô tình tạo ra sự bất công giữa các DN mía đường.
Nếu đề xuất của hai DN là HAGL và Cty CP đường Biên Hòa được chấp thuận sẽ tạo tiền lệ cho các nhà máy trong ngành buông lỏng tiêu thụ mía nguyên liệu và chuyển sang nhập khẩu đường thô về tinh luyện rồi xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, bỏ mặc hàng triệu hộ nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy chế biến đường. Và xem như ngành mía đường VN phá sản - ông Liêm khẳng định.
*Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA cho biết, nếu vụ việc này được thông qua sẽ ảnh hưởng đến chính sách biên mậu đã được thỏa thuận giữa các nước láng giềng trong chính sách biên mậu khu kinh tế cửa khẩu do chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân hai nước sản xuất.*
Nếu nhập khẩu đường từ Lào vào VN để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ của VN sẽ vi phạm nguồn gốc hàng hóa, phía Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lây lan đến các loại hàng hóa khác gây bất lợi cho VN.
Từ quan điểm đó, kiến nghị của VSSA cho rằng Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận đề xuất của Bộ Công Thương theo kiến nghị của HAGL và Cty CP đường Biên**Hòa về việc nhập khẩu đường thô của HAGL sản xuất tại Lào để tinh chế tại VN rồi XK sang Trung Quốc theo đường cửa khẩu ở Bản Vược,
Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Hoặc nếu chấp thuận, Cty CP đường Biên Hòa phải thực hiện tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan.
Theo Quốc Khánh
Báo diễn dàn doanh nghiệp