Đánh giá cho năm 2016
Trong khoảng thời gian đầu của việc mở rộng nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 1 và các giai đoạn sau, TCM có thể sẽ chưa đạt được kết quả mong muốn trong năm 2016 (theo như kế hoạch kinh doanh 2016 thì doanh thu hợp nhất của TCM sẽ đạt 3,264 tỷ đồng, +16.8% yoy và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, +3.9% yoy). Những khó khăn TCM sẽ phải đối mặt trong năm 2016 là:
• Lỗ chênh lệch tỷ giá lớn do khoản dư nợ bằng USD lớn: Hiện tại TCM đang có tổng dư nợ khoảng 45 triệu USD. Theo đánh giá của HSBC và một số chuyên gia kinh tế, mặc dù tỷ giá trung tâm sẽ phản ánh đúng và linh hoạt hơn thị trường quốc tế, nhưng áp lực phá giá đồng nội tệ vẫn còn lớn. Theo đó, mức phá giá của đồng VND đối với USD là khoảng 3%-4%, tương ứng theo đó mức lỗ tỷ giá chúng tôi kì vọng trong năm 2016 là 40-60 tỷ.
• Chi phí nhân công tăng do đề án tăng lương cơ bản: Theo đề án tăng lương cơ bản, trong năm 2016, mức lương cơ bản của người lao động sẽ tăng 12.4%. Trong cơ cấu chi phí của TCM, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng 12% nên cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của TCM. Ngoài ra, luật bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp khi cả các loại phí phụ cấp cũng sẽ được cộng vào để tính bảo hiểm xã hội.
• Chi phí khấu hao nhà máy Vĩnh Long trong thời gian đầu chưa được bù đắp: Trong thời gian đầu hoạt động của nhà máy Vĩnh Long, chúng tôi dự phóng chi phí khấu hao tăng thêm là khoảng 20-30 tỷ. Hoạt động của nhà máy Vĩnh Long được dự báo chưa mang lại lợi nhuận do công suất hoạt động còn thấp.
• Giá bông trên thị trường Mỹ vẫn đang duy trì ở mức thấp trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 12/2015, giá bông ở thị trường Mỹ là 1.55 USD/kg. Do trong thời gian tới, các nền kinh tế lớn của thế giới sẽ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi nên chúng tôi cho rằng giá bông vẫn chưa tăng mạnh trong tương lai. Do vậy, mảng kinh doanh sợi sẽ có sự sụt giảm trong năm 2016.
Về triển vọng dài hạn: Hoạt động kinh doanh vẫn duy trì tốt bởi hệ thống sản xuất khép kín.
TCM là một công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt và triển vọng tích cực do có nền tảng kinh doanh tốt, quản lý chi phí hiệu quả, kế hoạch mở rộng để đón đầu các hiệp định thương mại FTA, TPP. Ngoài ra TCM còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ E-Land khi:
• E-Land thường đóng góp khoảng 30% doanh thu từ mảng quần áo của TCM và bán lại tại các trung tâm thời trang của mình.
• E-Land cũng hỗ trợ TCM trong hoạt động R&D để đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm phục vụ cho mục đích chuyển đổi sang các phương thức dệt may cao hơn để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của Công ty.
Với những giả định đó, chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh cho năm 2016 của TCM đạt 3.300 tỷ đồng doanh thu (+18.1% yoy) và 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+7.8% yoy). Mức EPS tương ứng cho năm 2016 là 2,400 đồng/cổ phiếu. Với mức P/E so sánh là 12, mức giá kì vọng của TCM cho năm 2016 là 29,000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 0.7% so với mức giá ngày 23/2. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với mã cổ phiếu TCM.