Hôm nay, Tổng cục thống kê công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2015. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 12 tăng 0.02% so với tháng 11 năm 2015. Kết năm, chỉ số CPI cả nước tăng 0.63% so với năm 2014. Trong tháng 12, chỉ số CPI tăng nhiều nhất ở các nhóm ‘may mặc, mũ nón, dày dép’, nhóm ‘nhà ở và vật liệu xây dựng’, lương thực các nhóm này chỉ số CPI tăng lần lượt 0.32%, 0.5%, 0.45%, trong khi nhóm giao thông là nhóm có CPI giảm nhiều nhất so với tháng 11 năm 2015. Tính đến hết năm 2015, các nhóm có CPI tăng nhiều nhất so với năm 2014 là ‘may mặc, mũ, nón, giày dép’ (3.29%), giáo dục (6.45%), trong khi các nhóm giảm đáng kể gồm có giao thông (12.08%), nhà ở và vật liệu xây dựng (1.62%) so với năm 2014
Nhận định của FPTS: Chúng tôi nhận thấy rằng trong tháng 12, chỉ số CPI các nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và tăng do nhu cầu quần áo phục vụ mùa đông tại thị trường miền Bắc tăng và tâm lí người dân muốn mua quần áo sớm để phục vụ cho các dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. CPI nhóm vật liệu xây dựng cũng tăng đáng kể đến từ nhu cầu thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại các công trình vào giai đoạn gần cuối năm khi tâm lí người dân thích hoàn thiện nhà trước thời điểm Tết nguyên đán. Nhóm lương thục tăng 0.45% do nhu cầu trong ngắn hạn về xuất khẩu gạo sang Philipin, Indonesia tăng đôi chút, bên cạnh đó giá gas tăng 5.38% cũng tác động lên các loại giá thục phẩm, nhiên liệu. Chỉ số CPI nhóm giao thông giảm đáng kể đến từ tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp vào ngày 3/12 và 18/12 với tổng mức giảm của xăng là 3,8% và dầu DO là 11,3%.
Tính chung cả năm 2015, CPI chỉ tăng 0.63% so với năm 2014, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 5% đề ra từ đầu năm. Việc CPI thấp kỉ lục so với dự báo đến từ (1) giá hàng hóa trên thế giới giảm mạnh trong 1 năm qua (Chỉ số Commodity Index đã giảm 24.6% so với thời điểm đầu năm), đáng kể nhất là việc giảm của dầu thô (dầu thô giảm 30% so với đầu năm, giảm 65% kể từ đỉnh tháng 6 năm 2014). Theo tính toán của Tổng cục thống kê, giá dầu thô giảm khiến CPI giảm khoảng 1.2%. Chính giá hàng hóa giảm đã tác động trực tiếp lên giá của các nhóm hàng tiêu dùng, giao thông, vật liệu xây dựng. Chi phí nhiên liệu giảm khiến giá cước vận tải, ô tô, taxi cũng giảm so với năm ngoái, và nhóm giao thông chính là nhóm có CPI giảm nhiều nhất, giảm 12.08% so với thời điểm cuối năm 2014. (2), sản lượng lương thực trên toàn thế giới tăng trưởng khiến giá trị xuất khẩu lương thực thực phẩm Việt Nam giảm, (11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu Việt Nam giảm 7.4% so với cùng kì) điều này tác động lên nguồn cung lương thực trong nước duy trì ở mức cao và nhóm lương thực – thực phẩm (nhóm có tỉ trọng lớn nhất trong rổ tính CPI) chỉ tăng nhẹ (tăng 1.48% so với cùng kì 2014). Việc nhu cầu sẽ tăng dần trong giai đầu năm mới và những kì nghỉ quan trọng như Tết Nguyên Đán sắp diễn ra, đi kèm là những hoạt động tiêu dùng, chúng tôi cho rằng giá các loại hàng hóa và dịch vụ sẽ có chuyển biến và chỉ số CPI sẽ tăng nhẹ so với giai đoạn cuối năm 2015 trong giai đoạn ngắn sắp tới.