1. TPP-Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Cuối năm 2005, các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký một hiệp định thương mại tự do (FTA) với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định TPP. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP, nhưng không phải “gia nhập” vào TPP cũ mà sẽ cùng các bên đàm phán một hiệp định FTA hoàn toàn mới, tuy nhiên, vẫn lấy tên gọi là Hiệp định TPP. Sau đó, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia vào TPP, đưa tổng số thành viên TPP lên thành 12.
Đàm phán TPP được kỳ vọng là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và nếu có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
2. Ảnh hưởng TPP đến Việt Nam
2.1 Tích cực
Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP, bởi Việt Nam là quốc gia có thị trường đáng kể, có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Kể cả với Australia, Nhật Bản, Chile, New Zealand và Singapore – những nước đã có FTA với nước ta – việc Việt Nam vào TPP vẫn mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều cam kết với họ, ví dụ như dịch vụ và đầu tư. Đối với Việt Nam, việc tham gia vào TPP có thể đem lại một số tác động tích cực như sau:
Đầu tiên, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thường xuyên ở mức trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75%. Với sự gần gũi về vị trí địa lý, việc Đông Á chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại với Việt Nam là việc khó tránh. Tuy nhiên, tỷ trọng trên là quá lớn, có thể tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế Đông Á có biến động bất lợi. Đàm phán và ký kết FTA với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU có thể giúp chúng ta khắc phục tình trạng mất cân đối này.
Thứ hai, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% thì hàng dệt may và giày dép Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, trong đó có thị trường Mỹ. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông sản cũng rất lớn.
Lợi ích thứ ba là cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.
Cuối cùng nhưng rất quan trọng, với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, do TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, cho nên sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.
2.2 Thách thức
Bên cạnh các yếu tố tích cực đã nêu ở trên, việc tham gia vào TPP cũng tiềm ẩn một số thách thức, trong đó được nói tới nhiều nhất là sức ép cạnh tranh. Thách thức này xuất phát từ việc giảm thuế nhập khẩu về 0%, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP. Trong thực tế, thách thức về sức ép cạnh tranh do giảm thuế nhập khẩu về 0% là có nhưng không lớn, bởi trong số 11 đối tác TPP hiện tại, nước ta đã có quan hệ FTA với 7 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, Chile, New Zealand, Nhật Bản.
Trong tương lai gần, dù có tham gia hay không tham gia TPP, thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa của những nước này vẫn được hạ về 0%, nên tác động tăng thêm của việc tham gia vào TPP, nếu có cũng không lớn. Với những nước mà ta chưa có quan hệ FTA, gồm: Mỹ, Canada, Mexico và Peru thì hoặc là có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của ta (như Mỹ và Canada) hoặc là không có triển vọng thâm nhập thị trường Việt Nam với mức độ đủ lớn để gây ra sức ép cạnh tranh (như Peru, Mexico).
Nếu đi sâu phân tích cơ cấu xuất khẩu của các nước TPP, có thể thấy những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ôtô, thịt lợn, thịt bò và đường. Các ngành bị tác động tương đối mạnh bao gồm thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Các mặt hàng vốn vẫn được bảo hộ cao như muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy… có thể không đáng ngại, lý do là các nước TPP hoặc không xuất khẩu hoặc hướng đến phân khúc thị trường khác so với sản xuất trong nước. Riêng với xăng dầu, nếu xóa bỏ thuế nhập khẩu Việt Nam sẽ mất đi một trong các công cụ điều hành giá quan trọng. Đây là tác động mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tính đến một cách cẩn trọng. Trong lĩnh vực dịch vụ, cần nhớ rằng, sau 7 năm thực hiện cam kết gia nhập WTO, thị trường Việt Nam đã tương đối mở. Sức ép cạnh tranh từ TPP, nếu có sẽ xuất hiện ở ba ngành chính: ngân hàng, phân phối và phần nào đó là viễn thông giá trị gia tăng.
Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, tác động của việc mở cửa thị trường tuy có, nhưng ở mức chấp nhận được bởi với một số thiết kế đặc thù trong bản chào, việc mở cửa thị trường sẽ diễn ra từ từ, giúp các nhà thầu Việt Nam có thêm thời gian để làm quen với sức ép cạnh tranh. Một thách thức nữa cũng hay được nhắc tới, nhất là trong bối cảnh khó khăn của ngân sách nhà nước năm 2013, chính là rủi ro thất thu ngân sách. Giảm thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách, nhưng tính toán của các chuyên gia cho thấy thách thức này không lớn và việc giảm thu từ thuế nhập khẩu, nếu có cũng sẽ được bù đắp từ các nguồn khác.
Tuy nhiên, có hai việc cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, việc giảm thu sẽ diễn ra từ từ bởi Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Thứ hai, khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu, hàng nhập từ Mỹ và các nước TPP có khả năng tăng lên và số thu từ thuế giá trị gia tăng (loại thuế không phải xóa bỏ trong các FTA), vì vậy cũng tăng lên. Thậm chí không loại trừ khả năng không những đủ bù đắp cho thuế nhập khẩu bị giảm mà còn tăng thu cho ngân sách nhà nước. Hiệu ứng này đã được kiểm định trên thực tế. Cụ thể, sau khi gia nhập WTO, dù ta giảm thuế nhập khẩu nhưng tổng thu từ hàng hóa nhập khẩu vẫn tăng đều qua các năm.
3. Một số doanh nghiệp được lợi khi TPP được ký kết
Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, khi TPP được thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được thông qua hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu từ đó tác động tích cực đến một số doanh nghiệp thuộc các ngành như dệt may, cảng biển, nông nghiệp (thủy sản xuất khẩu,...),...