Công ty Cổ Phần Cao su Thống Nhất
Hoạt động kinh doanh chính
Trồng mới, chăm sóc, khai thác, sơ chế, mua bán cao su.
Chế biến, mua bán nông sản rau quả, thức ăn gia súc, gỗ và các sản phẩm từ gỗ cao su, gỗ rừng trồng;
Khai thác các dịch vụ về cảng biển và dịch vụ kho bãi như bốc dỡ hàng hóa, cập tầu, cho thuê kho… (hoạt động thông qua công ty liên kết là Baria Serece).
Cơ sở vật chất
Tính đến cuối quý 3 năm 2011 tổng diện tích vườn cây cao su công ty đang quản lý là 2.094,19ha, trong đó vườn cây khai thác 1.348,94 ha (nông trường cao su Phong Phú 245,07 ha, nông trường cao su Hòa Bình 2 1.103,87 ha). Vườn cây XDCB 618,3 ha (nông trường cao su Phong Phú 171,55 ha, nông trường cao su Hòa Bình 2 447,77ha); vườn ươm và vườn nhân; 2,01 ha.
Tổng sản lượng khai thác mủ (quy khô) 9 tháng đầu năm đạt 953 tấn, bằng 54,1% kế hoạch năm 2011 (nông trường cao su Phong Phú 248 tấn, đạt 68,8% kế hoạch và nông trường cao su Hòa Bình 705 tấn đạt 50,3% kế hoạch năm).
Cơ cấu cổ đông
Loại Cổ Đông Số Lượng Tỷ Lệ (%)
Cá nhân trong nước 7.286.350 37,85
Tổ chức trong nước 11.709.202 60,83
Cá nhân nước ngoài 168.110 0,87
Tổ chức nước ngoài 86.338 0,45
Tổng 19.250.000 100,00
Những nét chính ngành cao su tự nhiên
Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích, sản lượng cao su tự nhiên và đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su. Diện tích trồng cao su trong nước là 780.000 ha, trong đó, diện tích khai thác vào khoảng gần 500.000ha. Sản lượng cao su năm 2010 của Việt Nam đạt 755.000 tấn với năng suất bình quân đạt 1.700 tấn/ha. Chủng loại sản phẩm cao su sản xuất ở Việt nam đa số là dạng sơ chế, chủ yếu là cao su SVR 3L, loại cao su lẫn nhiều tạp chất và chủ yếu dùng trong sản xuất săm lốp. Do đó thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam là Trung Quốc vì đây là thị trường sản xuất săm lốp lớn nhất thế giới. Sự phụ thuộc quá lớn và thị trường Trung Quốc đang mang lại những bất lợi khá lớn cho ngành cao su Việt Nam. Chỉ cần các đối tác Trung Quốc ngừng hoặc giảm tiến độ nhập hàng lập tức sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Với xu thế tăng của giá cao su trong 2 năm gần đây, cao su đang dần trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Trong năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu được 846.000 tấn cao su với giá trị lên tới 3,3 tỷ USD.
Cùng với diện tích trồng cao su và năng suất khai thác tăng liên tục kể từ năm 2000 đến nay thì sản lượng cao su của Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh. Dự kiến Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành nước sản xuất cao su lớn thứ 4 thế giới.
Hiện tại, xu thế giá cao su thế giới đang đi xuống sau khi thiết lập mức đỉnh vào tháng 2/2011 do ảnh hưởng từ những lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới cũng như nhu cầu sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Giá xuất khẩu cao su Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và chỉ còn khoảng 3.300 USD/tấn và không loại trừ khả năng sẽ giảm xuống còn 3.000 USD/ tấn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ sáng sủa hơn khi bước vào quý 2/2012 do các nước sản xuất cao su chủ lực bước vào mùa khô. Ngoài ra, trong dài hạn, định hướng phát triển của ngành cao su Việt Nam tới năm 2020 là chuyển đổi sản xuất cao su nguyên liệu và định hướng phát triển sản xuất cao su công nghiệp, xuất khẩu cao su thành phẩm kết hợp với cao su nguyên liệu. Theo đó, ngành công nghiệp cao su Việt Nam sẽ dần nâng cao nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Các sự kiện gần đây
Ngày 27/12/2011 HĐQT họp và thông qua việc thanh lý cây cao su để trồng tái canh tại NTCS Hòa Binh 2 là 101,62 ha theo phương án gia công cưa sẻ gỗ thành phẩm để tiêu thụ nhằm tăng thêm lợi nhuận cho công ty và giảm bớt chi phí. Như vậy tổng diện tích khai thác của TNC sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2012 nhưng doanh nghiệp này có thêm doanh thu từ bán gỗ.