Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sẽ có hiệu lực từ 1/9/2013. Đây là một văn bản pháp quy được TTCK chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, các bên đã sẵn sàng đến đâu?
Xem chi tiêt thông tư
Khung pháp lý lập quỹSo với dự thảo Thông tư được công bố trước đó, nội dung trong Thông tư 229 không có nhiều điểm khác biệt.
Theo đó, điều kiện công ty quản lý quỹ (QLQ) được phép thành lập quỹ giữ nguyên, gồm yêu cầu về đủ vốn theo quy định của pháp luật trong thành lập và hoạt động công ty QLQ, không bị đặt trong tình trạng kiểm soát hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động; hoặc đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản và không đang trong tình trạng bị xử phạt các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán mà chưa thực hiện đầy đủ các chế tài và biện pháp khắc phục theo quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với thành viên lập quỹ, Thông tư quy định hai đối tượng là CTCK có nghiệp vụ môi giới và tự doanh, ngân hàng lưu ký đã có hợp đồng lập quỹ ETF với công ty quản lý quỹ. Đối với CTCK, quy định hiện nay buộc CTCK phải duy trì tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% hoặc một tỷ lệ khác cao hơn theo yêu cầu của công ty QLQ. Ngân hàng lưu ký phải đáp ứng về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Ngoài các điều kiện trên, trong đợt chào bán lần đầu (sơ cấp), mỗi NĐT, thành viên lập quỹ phải đăng ký mua tối thiểu một lô chứng chỉ quỹ. Tổng số lô chứng chỉ quỹ chào bán thành công phải đạt tối thiểu 10 lô, hoặc một số lượng khác, bảo đảm vốn điều lệ của quỹ đạt không thấp hơn 50 tỷ đồng.
So với dự thảo Thông tư được công bố trước đây, quy định về đợt chào bán lần đầu có điểm khác biệt. Trong dự thảo, 1 lô chứng chỉ quỹ được quy định là 1 triệu chứng chỉ quỹ, mệnh giá 10.000 đồng/chứng chỉ, tương đương giá trị đặt mua tối thiểu (theo mệnh giá) là 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong Thông tư, một lô chứng chỉ quỹ là 100.000 chứng chỉ, giảm giá trị đặt mua tối thiểu (theo mệnh giá) về mức 1 tỷ đồng.
Đối với ngân hàng giám sát, ngoài các quy định giống như tại Luật Chứng khoán, Thông tư 229 còn yêu cầu ngân hàng giám sát phải có tối thiểu 2 nhân viên nghiệp vụ có đầy đủ các chứng chỉ: pháp luật về chứng khoán; chứng chỉ cơ bản về chứng khoán và TTCK, hoặc chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc chứng chỉ CFA từ bậc 1 trở lên, hoặc chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán cấp tại các quốc gia là thành viên của OECD; chứng chỉ kế toán/kiểm toán/kế toán trưởng hoặc các chứng chỉ ACCA, CPA.
Các Sở GDCK là đơn vị duy nhất được tính toán và quản lý chỉ số làm cơ sở cho quỹ đầu tư ETF. Đây là quy định hạn chế hơn so với dự thảo, khi dự thảo quy định “tổ chức nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và đang quản lý các bộ chỉ số tham chiếu của các quỹ ETF quốc tế” cũng được tính toán và quản lý chỉ số.
Đối với quy định niêm yết, hủy niêm yết chứng chỉ quỹ ETF, Thông tư 229 quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực, công ty QLQ phải hoàn tất các thủ tục niêm yết chứng chỉ quỹ ETF tại Sở GDCK. Chứng chỉ quỹ ETF sẽ bị hủy nếu trong vòng 3 tháng gần nhất có
mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu vượt quá mức sai lệch tối đa theo quy định của Sở GDCK; hoặc không xác định được chỉ số tham chiếu vì các nguyên nhân bất khả kháng đã được quy định; khi quỹ bị giải thể hoặc các trường hợp khác theo quy định của Sở GDCK và tại điều lệ quỹ.
Liên quan đến đầu tư, vận hành quỹ ETF, Thông tư 229 quy định, quỹ ETF không được đầu tư quá 30% vào nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu. Khái niệm nhóm công ty có quan hệ sở hữu được định nghĩa là các công ty có quan hệ công ty mẹ - công ty con, công ty liên doanh, liên kết; giảm đối tượng tập đoàn, các tổng công ty và các công ty trong cùng tập đoàn (như quy định trong dự thảo).
VSD đảm bảo hệ thống vận hành trước tháng 9Hiện có hai đơn vị đã bày tỏ ý định thành lập quỹ ETF, trong đó có CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Khung pháp lý đã có, nhưng vẫn còn một số vấn đề được thị trường quan tâm để quỹ ETF vận hành tốt.
Trước tiên là vấn đề hoàn thiện công nghệ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phục vụ việc hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy các lô chứng chỉ quỹ và ngược lại. Thêm vào đó là cơ chế vay mượn chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ ETF của thành viên lập quỹ. Nhiều thành viên thị trường đặt câu hỏi về việc VSD đã chuẩn bị đến đâu cho vấn đề này?
Trao đổi với ĐTCK, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD cho biết, để chuẩn bị cho việc ra đời và hoạt động của quỹ ETF, phía VSD đã và đang tích cực chuẩn bị hệ thống phục vụ cho việc hoán đổi danh mục, cho vay chứng khoán. “VSD đảm bảo hệ thống vận hành tốt trước khi Thông tư 229 có hiệu lực”, ông Tuấn nói.
Vấn đề thứ hai là những quy định liên quan đến nghiệp vụ bán khống, chứng khoán phái sinh để giúp các thành viên lập quỹ giảm thiểu rủi ro khi phải nắm lượng chứng khoán lớn trong thời gian dài. Đa số thành viên thị trường đều cho rằng, thiếu đi các quy định này, hoạt động của quỹ ETF sẽ không thể lâu dài, rủi ro cho các thành viên lớn, nhất là trong bối cảnh TTCK Việt Nam có nhiều biến động.
Về vấn đề này, một lãnh đạo UBCK cho biết, việc các thành viên lập quỹ, nhà tạo lập thị trường của quỹ ETF phải nắm giữ lượng chứng khoán lớn trong một thời gian cũng khiến rủi ro của họ tăng lên. Do đó, bản thân việc quy định lô chứng chỉ quỹ giảm từ mức 1 triệu chứng chỉ quỹ về 100.000 chứng chỉ quỹ đã là một cách để giảm rủi ro cho các thành viên này. Thêm vào đó, quy định cho phép vay mượn chứng khoán cũng là cách để thành viên lập quỹ có thể tạo được lợi nhuận nhất định.
“Trong thời gian tới, khi ETF đi vào hoạt động, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ tính toán đến việc nghiên cứu cho triển khai chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần phải có thời gian để nghiên cứu và sẽ chỉ phục vụ cho việc quản trị rủi ro, chứ không phải để đầu cơ”, vị này nhấn mạnh.
Uyên Phạm
đầu tư chứng khoán