|
Tỉ giá trung tâm bật tăng 9 đồng ngày hôm nay, trước đó kể từ đầu tuần đến NHNN liên tục hạ tỷ giá trung tâm 4 phiên liên tiếp. Sáng 21/1, NHNN tăng tỉ giá trung tâm lên mức 21,910 đồng, với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22,567 đồng và tỷ giá sàn là 21,252 đồng/USD. Sau khi giảm mạnh giá USD trong những phiên gần đây về mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh nâng giá USD trở lại từ 20-35 đồng ngày 18/1. Tại Vietcombank, tỷ giá cuối ngày hôm nay được giao dịch ở mức 22,365 - 22,435 đồng, giảm 20 đồng so với ngày hôm qua. Chúng tôi cho rằng việc diễn biến tỉ giá VND/USD biến động khá ổn định trong giai đoạn đầu năm mặc dù thị trường tài chính thế giới diễn biến khá tiêu cực (Nhân dân tệ mất giá có thời điểm hơn 1%, một loạt thị trường chứng khoán trên thế giới giảm mạnh và giá dầu liên tục phá đáy) đến từ một số lí do. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đưa ra liên tục các chính sách nhằm chống đô la hóa, chống đầu cơ USD, tác động trực tiếp đến tâm lí một bộ phận người dân thích nắm giữ USD. Thứ hai, cơ chế tỉ giá mới phản ánh chân thực hơn nhu cầu thị trường thay vì đưa ra cam kết tỉ giá từ đầu năm, đi sát diễn biến ngoại hối thế giới thông qua neo vào một rổ tiền tệ, hạn chế sự biến động tăng giá của USD khi bên cạnh đó còn có sự biến động ngược chiều của các loại tiền tệ khác. Tỉ giá trung tâm hàng ngày được điều chỉnh với mức biến động nhỏ không gây sốc cho thị trường và doanh nghiệp, hạn chế những tác động từ thay đổi lớn bên ngoài. Thứ ba, USD cũng biến động ổn định hơn khi USD Dollar Index biến động đi ngang, chỉ tăng 0.3% so với đầu năm và đang giảm gần đây. Thứ tư, quyết định số 2589/QĐ-NHNN đưa lãi suất tiền gửi USD của cá nhân và tổ chức về 0% hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ. Thứ năm, doanh nghiệp đang e dè trong việc mua USD kì hạn các ngân hàng thương mại khi lo ngại diễn biến tỉ giá không như dự đoán. Về xu hướng tỉ giá năm 2016, chúng tôi cho rằng tỉ giá VND/USD có thể tiếp tục tăng đến từ một số yếu tố. Yếu tố lớn nhất đến từ áp lực phá giá Nhân dân tệ khi Trung Quốc đã công bố các kết quả tăng trưởng yếu kém, thấp nhất 25 năm qua, chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nhân dân tệ và các đồng tiền trong khu vực. Bên cạnh đó, cán cân thương mại xuất nhập khẩu năm 2015 của Việt Nam đang ở mức nhập siêu 3.17 tỉ USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sau 3 năm xuất siêu và mức tăng 8.1% đối với xuất khẩu là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, VND nhiều khả năng sẽ giảm để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, sau quyết định tăng lãi suất tháng 12 năm 2015 và dự kiến tăng lãi suất có lộ trình của FED trong thời gian tới sẽ tiếp tục tác động làm USD mạnh lên so với tiền tệ các quốc gia khác, VND sẽ có thể tiếp tục biến động khá mạnh nhưng nhờ những cơ chế mới đã thực hiện trong thời gian qua, diễn biến của biến động sẽ không quá bất ngờ và giảm thiểu được những cú sốc cho thị trường và doanh nghiệp như trong năm 2015.
|