|
Ngay sau khi FED tăng lãi suất cơ bản 0,25%, NHNN ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0% từ ngày 18/12. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/12/2015 và thay thế Quyết định ngày 25/9/2015 của Thống đốc NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Động thái này được đánh giá làm giảm bớt căng thẳng tỉ giá trong thời gian qua và nhất là thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu ngoại tệ tăng cao.
|
|
Rạng sáng ngày 17/12 (theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có quyết định chấm dứt chuỗi 7 năm duy trì mức lãi suất gần 0% khi tăng lãi suất từ mức 0% - 0.25% lên 0.25% - 0.5%. Đây là một quyết định diễn ra khá đúng với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế và cùng quan điểm với chúng tôi khi gần đây chúng tôi thường nghiêng về kịch bản FED tăng lãi suất để đưa ra những nhận định. Chúng tôi có một số góc nhìn về việc FED tăng lãi suất như sau:
(1), Việc FED tăng lãi suất cho thấy những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ khi thị trường lao động Mỹ đã có những cải thiện đáng kể với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5% từ mức hơn 9% thời kỳ khủng hoảng; lạm phát của nền kinh tế vẫn còn thấp song đang tiến dần tới mức 2% như mục tiêu của Fed. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn ổn định, bất chấp sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc, và sự mất ổn định của nền kinh tế châu Âu.
(2), FED tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến các Thị trường chứng khoán mới nổi, khi lãi suất USD tăng lên sẽ khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) tại các thị trường này có xu hướng chuyển đến Mỹ với kì vọng kiếm được lợi nhuận cao hơn và tránh rủi ro tỉ giá. Gần đây chúng tôi đã có cập nhật về xu hướng dòng vốn quỹ VNM ETF khi xu hướng rót vốn tại Việt Nam đã giảm đi rất nhiều (giảm 74.5%) so với cùng kì năm 2014 và trong ngắn hạn tính từ đầu quý 4, quỹ này đã rút ròng hơn 8 triệu USD tại thị trường Việt Nam. Việc xu hướng dòng vốn dịch chuyển có thể tác động đến thanh khoản của thị trường chứng khoán các nước mới nổi và bên cạnh đó, các quốc gia mới nổi cũng phải thay đổi những chính sách để phù hợp với những thay đổi chính sách của FED.
(3), Việc FED tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam khi nhu cầu về USD trên thị trường ngoại hối sẽ tăng lên, gây áp lực lớn lên tỉ giá USD/VND. Trong ngắn hạn yếu tố trên đã phản ánh qua việc USD/VND tăng lên mức kịch trần kể từ ngày 14/12/2015. Việc tỉ giá có thể tiếp tục tăng sẽ tác động đến xuất nhập khẩu khi chúng ta phải trả một lượng tiền lớn hơn để nhập khẩu (11 tháng qua Việt Nam đã nhập siêu 3.8 tỉ USD), nợ công tính theo VND tăng lên và một số công ty hiện có các khoản vay bằng USD sẽ chịu nhiều áp lực hơn.
Việc tâm lí chờ đợi động thái tăng lãi suất của FED đã phản ánh một phần vào thị trường chứng khoán Việt Nam và các quốc gia mới nổi suốt một thời gian dài qua, việc FED tăng lãi suất lần này dường như là một sự cởi trói tâm lí cho nhà đầu tư, đón nhận việc FED tăng lãi suất là giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á tăng nhẹ. Chúng tôi cho rằng, trong ngắn hạn những tâm lí lo ngại đã đi qua, nhưng trong dài hạn khi FED có lộ trình tăng lãi suất dần dần từ năm 2016, chúng ta cần vẫn phải thận trọng vì thắt chặt tiền tệ là một tín hiệu không lạc quan đối với thị trường chứng khoán
|