|
Trong phần trình bày tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Cụ thể, PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 đạt 846,4 nghìn tỷ đồng; đạt 108,1% dự toán năm, trong đó: thu nội địa 574,1 nghìn tỷ đồng, bằng 106,5%; thu từ dầu thô 107 nghìn tỷ đồng, vượt 25,6% so với dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 160,8 nghìn tỷ đồng, đạt 104,4% dự toán năm; và thu từ viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2014 ước tính đạt 1019,7 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 169,1 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 164 nghìn tỷ đồng, vượt 0,6% dự toán chi đầu tư phát triển); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 718,9 nghìn tỷ đồng, bằng 102% dự toán.
Thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua và có mức độ ngày một gia tăng. Cụ thể, thâm hụt ngân sách (không bao gồm chi trả nợ gốc) của Việt Nam trung bình giai đoạn 2007-2010 là 2,4% GDP, nhưng con số này đã tăng gấp gần 1,5 lần trong giai đoạn 2011-2014, lên mức 3,4% GDP.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm thì việc tăng bội chi cũng có tác dụng tích cực ở mức độ nào đó, nhưng mức nợ công tăng nhanh để tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ là áp lực cho cân đối NSNN những năm sắp tới và gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là khi mục tiêu kiềm chế phát cao được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trên thực tế, thu từ dầu thô có tỷ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước; trong khi tỷ trọng các khoản thu khác đang gia tăng. Thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.
Như vậy, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Ngoài ra, tỷ trọng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng thu thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đang tăng nhanh.
Theo đánh giá của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, sự phụ thuộc lớn vào nguồn thuế này khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết WTO sẽ khiến mức độ thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn trong những năm tới.
Năm 2014, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm đến hơn 50% nhưng thu từ dầu thô của Việt Nam vẫn chiếm hơn 10% tổng thu NSNN. Ước tính, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng sẽ làm NSNN hụt thu khoảng 1000 tỷ đồng. Điều này đề ra một yêu cầu cấp thiết phải cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững hơn.
Biến động trong quy mô và cơ cấu thu ngân sách Nhà nước năm 2015 do ảnh hưởng của giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn, trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhận định, giá dầu thô giảm dẫn đến giá xăng dầu giảm sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế. Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có thể tăng được để bù đắp cho phần hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu.
Nguyệt Quế
Theo Trí thức trẻ
|