Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước. Ở một gốc so sánh khác, so với tháng 12 năm trước, CPI tăng 1,62%.
Mức tăng CPI tháng 7 của cả nước tuy cao hơn hẳn mức tăng của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã công bố trước đây vài ngày nhưng vẫn thấp hơn mức tăng CPI cả nước trong tháng 6 (0,30%).
Điều này cũng dễ lý giải bởi không giống như tháng 7, tháng trước, Tp.HCM đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 04 của liên bộ Tài Chính - Y tế nên đã ảnh hưởng khá lớn đến CPI.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như trên chỉ ảnh hưởng đến CPI một lần duy nhất tại tháng nó bắt đầu có hiệu lực còn việc điều chỉnh các mặt hàng khác, nhất là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu sẽ tác động lâu dài đến mặt bằng giá cả chung, điển hình là giá xăng.
Tính từ cuối năm trước, giá xăng đã tăng liên tục 6 lần với mức tăng tổng cộng 1.800 đồng/lít, là nhân tố chính đẩy chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,2% sau 7 tháng, trở thành nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm hàng tính chỉ số.
Ngoài ra, theo nhận định của một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, kể từ tháng 3 năm nay, xu hướng tăng liên tục của giá thực phẩm với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước đã đang và sẽ tiếp tục nhận được “động lực” từ giá xăng đang ở mức cao kỷ lục như hiện nay.
Ngoài ra, việc tăng giá xăng liên tục gây những ảnh hưởng đến sức cầu của người tiêu dùng vốn đang ở mức thấp như hiện nay. Đó sẽ là nhân tố tác động mạnh đến CPI chung trong thời gian tới.
Cụ thể mời quý nhà đầu tư xem tại
đây