Các tổ chức đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn Các tổ chức đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đó là lý do vì sao dòng tiền lớn vẫn chưa thể xuất hiện - Chủ tịch quỹ VinaCapital Mahony nói.
Trả lời cho câu hỏi các quỹ đầu tư đang làm gì khi giá CP đã xuống rất thấp như hiện nay, ông Terence Mahony - Chủ tịch quỹ đầu tư lớn nhất VN VinaCapital - cho biết: “Các quỹ đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn. Họ không bỏ tiền vào mua CP lúc này dù thị trường đã giảm”.
Dòng tiền đầu tư của tổ chức chỉ quay lại đầu tư vào thị trường “khi họ nhận thấy rằng cơ quan quản lý thực sự có hướng giải quyết vấn đề nợ xấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” - ông Mahony nhận xét.
Nhận xét của chủ tịch VinaCapital lý giải cho việc thanh khoản cạn kiệt trên TTCK trong suốt tháng 11 và tháng 12. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong hai tháng này đã tiếp tục tụt giảm 25% sau khi chạm mức thấp nhất từ đầu năm hồi tháng 10.
Trong khi đó, đúng như ông Mahony nhận định, những tin tức thoái vốn hay giải thể của các tổ chức đầu tư xuất hiện ngày một nhiều hơn. Quỹ tầm nhìn SSI, quỹ đầu tư trong nước lớn nhất với số vốn điều lệ 1.700 tỉ VND, thông báo kết thúc 5 năm hoạt động hồi cuối tháng 11, trong khi quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt cũng tuyên bố sẽ giải thể sau khi hết hạn hoạt động vào cuối tháng 12 này.
Còn những nhà đầu tư tổ chức lớn ở lại với thị trường phải co gọn hoạt động đầu tư lại. Quỹ đầu tư bất động sản VinaLan của VinaCapital cuối tháng 11 thông báo đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc quỹ, theo đó quỹ sẽ không đầu tư mới và thặng dư tiền mặt sẽ được trả lại cho cổ đông trong thời gian tới.
Tương tự VinaCapital, Dragon Capital cũng dường như đang thận trọng hơn trong hoạt động đầu tư của mình. Quỹ VGF của Dragon Capital đã tăng tỉ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư của mình lên 3,8% vào 31.10, cao hơn đáng kể so với con số 2,3% vào hồi tháng 8, mặc dù giá trị tài sản của quỹ vẫn tăng nhẹ trong khoảng thời gian này.
Trong khi đó với quỹ VEIL, Dragon Capital không tăng tỉ trọng tiền mặt nhưng giá trị tài sản của quỹ đã giảm khoảng 25 triệu USD trong 3 tháng xuống 373 triệu USD vào cuối tháng 11.
Dù thị trường không tụt mạnh trong thời gian này nhưng nhà đầu tư vẫn hầu như không tìm thấy động lực để có thể quay lại thị trường. Vấn đề cốt lõi thời gian này là nợ xấu và cải cách khối DNNN vẫn chưa có hướng giải quyết rõ ràng.
CTCK Sài Gòn (SSI) trong bản chiến lược đầu tư tháng 12 gửi tới khách hàng lưu ý rằng vẫn chưa có nhiều thông tin mới về Cty mua bán nợ quốc gia – giải pháp giải quyết nợ xấu của cơ quan quản lý, và nhà đầu tư sẽ vẫn phải tiếp tục chờ đợi thêm thông tin này trong tháng 12.
“Nhà đầu tư có vẻ đã ở gần đáy thị trường. Tuy nhiên, thời kỳ đáy này kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào chính sách vĩ mô trong thời gian tới” - SSI nhận xét.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) diễn ra đầu tuần trước, nhóm công tác thị trường vốn do ông Mahony đóng vai trò trưởng nhóm kiến nghị rằng quá trình cổ phần hóa DNNN là “đã có nhiều ý kiến, tranh luận nhưng chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ bước đi khả quan đầu năm 2007”, và kêu gọi phải có “một lộ trình mới với những tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết.”
Ngoài những vấn đề vĩ mô cốt lõi, ngay cả những giải pháp tức thời giúp tăng thanh khoản thị trường vẫn không được cơ quan quản lý đưa ra. Nhóm công tác kiến nghị các giải pháp như nới biên độ, rút ngắn thời gian thanh toán, nghiên cứu cho phép bán khống, tuy nhiên cơ quan quản lý tỏ ra rất thận trọng với những giải pháp này.
“Điểm tiến bộ lớn nhất là UBCK và BTC đang lắng nghe và có sự trao đổi, nhưng vẫn chưa có những quyết định gì lớn được thực hiện. Vẫn trao đổi nhưng không có biến chuyển” - ông Mahony nói.