Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 4/2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD.
Giá xăng bất ngờ giảm 301 đồng/lít
Thông tin từ Liên bộ Tài chính – Công thương cho biết, Liên bộ vừa yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu các mặt hàng xăng, dầu.
Cụ thể, xăng giảm tối thiểu 301 đồng/lít; dầu điêzen tối thiểu 90 đồng/lít; dầu hỏa tối thiểu 81 đồng/lít.
Riêng mặt hàng dầu ma dút, do mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn nên yêu cầu giữ ổn định.
Nhà nước khôi phục một bước thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu thêm 2%: xăng (16%); dầu điêzen (12%); dầu hỏa (14%); dầu madut (14%) (Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2013/TT-BTC ngày 26/4/2013 về sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi);
Nợ công Việt Nam 128,9 hay 66,8 tỉ USD?
Tại Hội thảo, TS. Lưu Bích Hồ đã cảnh báo, nợ công của Việt Nam hiện nay đã gần gấp đôi số Bộ Tài chính công bố, nếu theo định nghĩa quốc tế.
Cụ thể, năm 2011, ước tính theo định nghĩa quốc tế, nợ công của Việt Nam là 128,9 tỷ USD, bằng 106% GDP; theo định nghĩa của Việt Nam là 66,8 tỷ USD, bằng 55% GDP, tức là không tính phần của DNNN là 62,8 tỷ USD, bằng 51% GDP.
Việt Nam đã thông qua Chiến lược quản lý nợ công với việc đặt mức khống chế là 65%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ tiêu này khó thực hiện được vì quá trình tái cơ cấu kinh tế còn kéo dài và sẽ cần rất nhiều vốn.
Tuy nhiên, điều các chuyên gia lo ngại nhất không phải là tỷ lệ nợ công/GDP cao, mà là khả năng trả nợ của Việt Nam?
Con số nợ công đang gia tăng một cách “đáng báo động” trong những năm gần đây. Giai đoạn 2007-2010, nợ công của Việt Nam tăng từ 33,8% lên 54,6% GDP. Tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2007-2010: là 15%/năm.
CPI cả nước tháng 4 tăng 0,02%
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, là tháng 4 có mức tăng thấp nhất kể trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, mức tăng này cũng khiến không ít người bất ngờ bởi trước đó chỉ số giá của hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM được công bố tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Khi so với các kỳ so sánh khác, CPI tháng 4/2013 vẫn tăng 6,61% so với cùng kỳ tháng 4 năm 2012 và tăng 2,41% so với tháng 12/2012. Ở các gốc so sánh này, mức tăng CPI tháng 4 năm nay đều thấp hơn các gốc tương ứng của tháng 4 năm 2012.
Nhập siêu tháng 4 ước lên tới 1 tỷ USD
Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 4/2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD.
Như vậy, trong tháng 4, cả nước nhập siêu ước tới 1 tỷ USD, riêng khu vực doanh nghiệp có vốn FDI xuất siêu 730 triệu USD.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước gần 39,5 tỷ USD, tăng 16,9% cùng kỳ 2012. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước gần 40,2 tỷ USD, tăng 18%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện, xăng dầu các loại. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu ước 722 triệu USD.
Bốn tháng, cả nước thu hút hơn 8,2 tỷ USD vốn FDI
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 20/4, cả nước có 341 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần4,9 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2012 và 121 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,34 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung trong bốn tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là trên 8,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012.
Cũng trong bốn tháng qua, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm 2012.
ANZ duy trì dự báo lạm phát Việt Nam 2013 ở mức 6-8%
Theo ANZ, Việt Nam có thể tiếp tục hạ lãi suất nếu tình hình kinh tế xấu đi và lạm phát chậm lại với tốc độ nhanh hơn so với hiện tại.
Lạm phát của việt Nam trong tháng 4 vẫn ổn định ở mức 6,61% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với 6,64% trong tháng 3. So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng nhẹ trở lại 0,02% sau khi giảm 0,19% trong tháng 3.
Theo báo cáo nghiên cứu mới công bố của ngân hàng ANZ, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lạm phát sẽ gia tăng mạnh do chi phí vận chuyển khi giá xăng tăng tới 6% hồi cuối tháng 3. Tuy nhiên, áp lực tăng chi phí vận tải được giảm bớt khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhẹ 2% vào giữa tháng 4 vừa rồi. Giá vận cước vận tải tháng 4 theo đó chỉ tăng 3,8% so với năm ngoái, thấp hơn con số 5,3% trong tháng trước.
VCCI đề xuất giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%
Chủ tịch VCCI đề xuất nên giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% hiện nay xuống mức 20% kể từ ngày 1/7 tới.
Hôm 24/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói rằng, VCCI tiếp tục đề xuất với Chính phủ về lộ trình giảm thuế TNDN xuống mức 20% để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây cũng sẽ là một trong số những thông điệp được VCCI gửi tới các ủy ban có liên quan của Quốc hội tại “Diễn đàn đối thoại kinh doanh” do Quốc hội và VCCI dự định tổ chức vào trung tuần tháng 5 tới với sự tham gia của 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trưởng các nhóm công tác lĩnh vực thuộc Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) do World Bank đứng ra tổ chức hàng năm.
IMF: Nền kinh tế Việt Nam đang dần được hồi phục
Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phát đi thông cáo báo chí tổng kết lại chuyến thăm của ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn giám sát kinh tế vĩ mô cùng phái đoàn đã thăm và làm việc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo IMF, kinh tế vĩ mô Việt Nam có dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế có thể đang hồi phục từ mức đáy do xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số xuống khoảng 7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3/2013. Thị trường tài chính đã bình ổn trở lại do nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần do nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu.
Với việc này, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến của hàng hóa và dịch vụ.
Hồng Vân
Theo Trí Thức Trẻ