FIBONACCITrong phương pháp phân tích kỹ thuật, cụm từ Fibonacci được nhắc đến khá nhiều đặc biệt là trong các dự báo về ngưỡng hỗ trợ và kháng cự của một cổ phiếu hoặc chỉ số trong tương lai.
Fibonacci thực tế là một chuỗi các con số toán học được phát hiện bởi Leonardo Pisano vào thế kỷ 12.
Dựa trên một dãy số 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89… Quy luật chính để tìm những con số này sẽ bằng tổng 2 số liền trước.
Leonardo đã phát hiện ra sự trùng hợp đặc biệt giữa các sự vật hiện tượng trong tự nhiên với các quy luật trong chuỗi dãy số trên.
Khi thử so sánh nó với sự vận động của thị trường chứng khoán, người ta cũng đã nhận ra có một sự tương tác khá lớn giữa dãy số Fibonacci với các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.
Cụ thể trong một xu hướng vận động của giá cổ phiếu hoặc chỉ số, người ta phát hiện tại các ngưỡng 0%, 23,6%, 38,2%, 50,0%, 61,8%, 100% giá cổ phiếu hoặc chỉ số có sự biến động rất mạnh khi chạm vào các ngưỡng này.
Với kinh nghiệm cá nhân đã từng áp dụng thì ngưỡng 50% và 61,8% mới thực sự là những ngưỡng kháng cự và hỗ trợ đáng quan tâm, tại đó có khả năng lớn sẽ xảy ra sự đảo chiều xu hướng.
Được sử dụng phổ biến hiện nay chính là công cụ Fibonacci Retracement (Fibonacci Hồi quy)
Trong một xu hướng giảm hoặc tăng, giá cổ phiếu hoặc chỉ số sẽ dần tích lũy và tìm đến điểm tạo sự đảo chiều. Fibonacci Hồi quy sẽ thực hiện chức năng dự đoán điểm đảo chiều này.
Lấy ví dụ cụ thể đối với HNX-Index tại thời điểm hiện tại vào ngày 13/9/2012
Sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2012, HNX-Index bắt đầu quá trình điều chỉnh giảm của mình. Dựa trên Fibonacci Retracement kéo từ chân sóng tăng ngày 6/1/2012 tại 55,27 điểm lên đỉnh ngày 9/5/2012 tại 83,76 điểm cho thấy những gợi ý về khả năng hình thành các ngưỡng hỗ trợ khi HNX-Index bắt đầu rơi.
Thực tế taị mức Fibonacci 38,2% HNX-Index đã có biểu hiện được mua đỡ giá và đi ngang trong khoảng kẹp giữa mức Fibonacci 23,6% và 38,2% trong vòng một tháng.
Như đã nêu với quan điểm cá nhân, trong xu hướng giảm hoặc tăng thường sẽ có phản ứng mạnh với các ngưỡng Fibonacci 50% và 61,8%. Thực tế này đã xảy ra với HNX-Index sau khi phá vỡ mức 38,2%.
Khu vực Fibonacci 50% cũng đã đỡ cho HNX-Index đi ngang thêm khoảng gần 2 tháng phía trên mức này tương đương mức 66 điểm.
Sau vụ Nguyễn Đức Kiên bị bắt (21/8/2012), HNX-Index đột ngột giảm mạnh xuyên qua Fibonacci 50% và 61%. Đến thời điểm này các ngưỡng hỗ trợ dựa trên Fibonacci không còn tác dụng và hướng đến khả năng “test” đáy cũ trong tháng 1/2012 tại 55,2 điểm tương đương với mức Fibonacci 100%.
Như vậy với một công cụ như Fibonacci, nhà đầu tư cũng đã có những dự báo trước về khả năng thị trường sẽ xảy ra phản ững mạnh tại mức điểm nào, từ đó có những chiến lược mua, bán, chốt lời hoặc cắt lỗ.
Chú ý: Mức phản ứng mạnh nhất thường là các mức Fibonacci 50% và 61%. Điều kiện để bổ sung cho các lập luận về dự báo đó là sự ủng hộ của khối lượng giao dịch tại các mức điểm này.
Trong xu hướng giảm mức Fibonacci nào đang hỗ trợ cho giá cổ phiếu mà bị phá vỡ sẽ lập tức trở thành ngưỡng kháng cự nếu như giá cổ phiếu phục hồi. Trường hợp xu hướng tăng thì ngược lại. Tính hoán đổi giữa ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thể hiện rất rõ qua công cụ Fibonacci