|
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4/2013 của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), công ty này dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ (dưới 0,3%)
Trình ra Quốc hội 2 phương án tên nước
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo giới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong lịch trình của kỳ họp, Quốc hội có thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi (Dự thảo).
Theo ông Phúc, trong thời gian khi lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo, đã có ý kiến nhân dân đề xuất đổi tên nước nhưng đại đa số nhân dân vẫn đồng tình tên nước như hiện nay hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Phúc cho biết, Hiến pháp 1946 đã xác định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tồn tại 30 năm cho đến năm 1976. Sau đó tên nước được đổi thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tồn tại cho đến nay đã được 37 năm.
Bộ chính trị có thêm 2 ủy viên mới là Ông Nguyễn Thiện Nhân, bà Nguyễn Thị Kim Ngân
Với việc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Chính trị khóa XI hiện có 16 ủy viên; Ban Bí thư có 11 ủy viên sau khi bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng.
Như vậy, sau khi Ban chấp hành Trung ương bầu bổ sung ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Chính trị khóa XI có 16 ủy viên; Ban Bí thư có 11 Ủy viên sau khi bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (59 tuổi, quê Bến Tre) là Thạc sỹ kinh tế; Cử nhân chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IX, X và XI, Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (60 tuổi, quê Trà Vinh) là Giáo sư kinh tế, Tiến sỹ điều khiển học, Thạc sĩ quản lý cộng đồng; cao cấp lý luận chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X và XI, đại biểu Quốc hội khóa X, XII và XIII.
Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20-5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nội dung nhân sự với việc miễn nhiệm và bầu mới nhân sự 2 chức danh là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra trong 33 ngày, với 26,5 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày 20-5 và kết thúc vào ngày 23-6.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết nội dung nhân sự tại kỳ họp này là có 2 vị trí sẽ được trình ra Quốc hội tiến hành bãi nhiệm và bầu mới là Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính hiện nay là ông Vương Đình Huệ, người đã được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương vừa được tái lập. Trong khi đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện là ông Đinh Tiến Dũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết nhân sự Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán Nhà nước có điều chuyển và bố trí thay người khác tại kỳ họp này. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, công tác nhân sự phải đảm bảo đúng quy trình, cách thức, công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng.
Thủ tướng khẳng định nợ công trong giới hạn an toàn
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng chiều 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn.
Trước đó, tại một buổi họp báo diễn ra chiều này 8/5, về vấn đề nợ công, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam (khoảng 55% GDP) vẫn ở mức bền vững, tuy nhiên cũng cần chú ý đến các khoản nợ doanh nghiệp Nhà nước, nợ do Chính phủ bảo lãnh.
Theo đồng hồ nợ công của Economist, tổng nợ công của Việt Nam hiện đạt 71,77 tỷ USD, chiếm 49,3% GDP. Economist cho biết, hiện dân số Việt Nam đã đạt 89,66 triệu người, từ đó, mỗi người dân hiện đang gánh số nợ công hơn 800 USD.
Theo những số liệu trên, so với cuối năm 2012, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam giảm so với mức trên 50% của vài năm gần đây. Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, ước tính hết năm 2012, nợ công của Việt Nam ở mức 55,4% GDP, năm 2011 là 54,9% GDP.
Từ 1.7.2013, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế
Luật thuế TNCN sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2013. Theo đó, thay đổi lớn nhất là mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là trên 9 triệu đồng/tháng (tăng 5 triệu so với mức cũ) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (mức cũ 1,6 triệu đồng).
Theo Bộ Tài chính, với mức giảm trừ gia cảnh này thì người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế.
Người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490.000đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng; tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190.000đồng/tháng (bằng 0,95% thu nhập chịu thuế) và phần thu nhập sau khi nộp thuế là 19,81 triệu đồng.
Nhập siêu trở lại, 4 tháng chính thức thâm hụt 723 triệu USD
Tổng Cục Hải Quan Việt Nam vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 đạt 21 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, giảm 4,5%; nhập khẩu đạt gần 11 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước.
Tính riêng khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 12 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,05 tỷ USD, giảm 4%; nhập khẩu đạt 6,03 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng 3/2013.
Trong tháng 4 có 10/40 mặt hàng, nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với tháng trước; trong đó chủ yếu nhóm hàng chủ lực xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: thủy sản, túi xách, giày da, thủy tinh và sản phẩm thủy tinh. Ngoài ra các sản phẩm như đá quý và kim loại quý, hàng rau quả, hạt điều, sản phẩm từ sắt thép cũng tăng.
BVSC dự báo CPI tháng 5 tăng dưới 0,3%
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4/2013 của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), công ty này dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ (dưới 0,3%).
BVSC cho rằng, vào dịp này giá cả một số mặt hàng lương thực - thực phẩm, giao thông vận tải, văn hóa - giải trí - du lịch thường có xu hướng tăng nhẹ. Ngoài ra, tác động của của việc điều chỉnh giá cước vận tải sẽ tiếp tục được phản ánh vào CPI tháng 5.
Tuy nhiên, BVSC cũng cho rằng, cho đến thời điểm này lạm phát không phải là vấn đề quá lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh giá cả các loại hàng hóa trên thế giới đang có xu hướng ổn định, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và kỳ vọng lạm phát hiện nay nhìn chung ở mức thấp.
TPHCM phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn 1,5 lần mức tăng bình quân cả nước
TPHCM phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn 1,5 lần mức tăng bình quân cả nước. Tại kỳ họp, các mục tiêu kinh tế xã hội đã được thông qua, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt từ 10-10,5%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5-10%/năm và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5-9%/năm.
Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế được xác định đến năm 2015 đạt từ 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt 8.430 - 8.822 USD và đến năm 2025 đạt từ 13.340 - 13.285 USD; GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
Công Vân
Theo Trí Thức Trẻ
|